Quay lại Dân trí
Dân Sinh

35 đoàn nghệ thuật tham gia cuộc thi Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2020

(Dân sinh) - Trong 2 ngày 25 và 26/9, tại Thanh Hóa, Cục Nghệ thuật biểu diễn – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Cuộc thi Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2020.

Theo kế hoạch ban đầu, cuộc thi diễn ra tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk với sự tham gia của 650 thí sinh đến từ 35 đoàn nghệ thuật trong cả nước. Tuy nhiên do tình hình Covid-19, Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định tổ chức cuộc thi tại 5 cụm gồm: TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), TP Hồ Chí Minh, TP Thanh Hóa, TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) và TP Hà Nội.

Thanh Hóa: Tổ chức Cuộc thi Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2020  - Ảnh 1.

Ban tổ chức trao cờ lưu niệm cho các đoàn tham gia cuộc thi.

Hội đồng Giám khảo gồm 7 thành viên là các nhạc sĩ, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, quản lý nghệ thuật có uy tín, tài năng và có nhiều đóng góp trong sự nghiệp phát triển ngành nghệ thuật biểu diễn, đặc biệt là chuyên ngành biểu diễn nhạc cụ dân tộc.

Tham gia cụm thi tại Thanh Hóa có 5 đoàn nghệ thuật gồm: Nhà hát chèo Thái Bình, Nhà hát chèo Hưng Yên, Nhà hát chèo Hải Dương, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (Đà Nẵng) và Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa. Các đoàn tham gia các tiết mục thuộc 2 phần thi biểu diễn độc tốc và hòa tấu.

Thanh Hóa: Tổ chức Cuộc thi Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2020  - Ảnh 2.

Một trong những tiết mục tại cuộc thi.

Kết thúc 5 cụm thi, Hội đồng giám khảo sẽ chọn ra những tiết mục xuất sắc nhất để trao các giải thưởng vào tối 4/10 tới tại Nhà hát chèo Việt Nam tại TP Hà Nội.

Cuộc thi Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2020 là hoạt động nghề nghiệp nhằm tôn vinh, quảng bá, bảo tồn và phát huy các giá trị của âm nhạc dân gian Việt Nam.

Cuộc thi góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Cuộc thi cũng là dịp để các nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ dân tộc tại các đơn vị nghệ thuật, các giảng viên, học sinh, sinh viên đang giảng dạy, học tập chuyên ngành nhạc cụ dân tộc tại các cơ sở đào tạo nghệ thuật thể hiện khả năng cá nhân; giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm trong hoạt động nghệ thuật; bảo tồn, gìn giữ, phát huy những tinh hoa âm nhạc truyền thống Việt Nam và tìm ra những phương thức hoạt động góp phần thúc đẩy các loại hình âm nhạc truyền thống phát triển trong thời kỳ mới...