Quay lại Dân trí
Dân Sinh

4 tin đồn hay gặp nhất về ung thư

Tại Hội thảo Ung thư và tin đồn được tổ chức gần đây, TS. BS Phạm Tuấn Anh - Phó Trưởng khoa Điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện K đã có những chia sẻ thiết thực về các tin đồn hay gặp nhất về ung thư.

Thứ nhất là quan điểm “ung thư là bệnh nan y không điều trị được, có nghĩa mang bản án tử hình”. Về quan điểm này, BS. Tuấn Anh cho biết, mỗi bệnh nhân là một trường hợp khác nhau. Với các tiến bộ y học ngày nay có thể chữa khỏi hoặc kéo dài sống thêm đáng kể tùy loại ung thư, giai đoạn bệnh và đặc điểm sinh học. Một số loại ung thư có tỉ lệ khỏi bệnh hơn 5 năm vượt quá 90% nếu phát hiện ở giai đoạn sớm như: ung thư tuyến giáp, ung thư vú, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư đại tràng… Vì vậy, tin đồn này là không hề đúng.

Thứ hai là quan điểm “Đụng dao kéo sẽ làm bệnh lan tràn nhanh và tử vong sớm hơn”. Thực tế, hiện tượng này xảy ra do nhiều nguyên nhân như phẫu thuật thất bại, tai biến phẫu thuật, phẫu thuật quá giai đoạn, quá chỉ định... Hoặc bệnh nhân được phẫu thuật triệt căn thuận lợi, nhưng bệnh vẫn có thể tái phát do đây là bản chất căn bệnh ung thư người bệnh mắc phải là ác tính, khó tránh khỏi di căn. Hoặc sau khi phẫu thuật triệt căn, bệnh nhân không được điều trị bổ sung một cách bài bản để chữa trị tốt nhất căn bệnh.

TS. BS Phạm Tuấn Anh - Phó Trưởng khoa Điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện K.

TS. BS Phạm Tuấn Anh - Phó Trưởng khoa Điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện K.

Thứ ba là quan điểm “Ung thư là do nghiệp báo”. Thực tế, ung thư hình thành do các tế bào tiếp xúc với các tác nhân gây ung thư, gây thương tổn không hồi phục được cho DNA của tế bào. Các tế bào bất thường nhân lên không kiểm soát được, xâm lấn phá hủy các tổ chức xung quanh và di căn đến nhiều cơ quan khác nhau. Trong đó, một số tác nhân gây ung thư có thể thay đổi và dự phòng được như: hút thuốc, uống rượu, lối sống ít vận động, thói quen ăn uống không lành mạnh, sinh hoạt tình dục không an toàn, không tiêm phòng viêm gan B và tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời… Có những yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được là tuổi tác, các yếu tố di truyền và rối loạn nội sinh… Với hầu hết bệnh nhân, bác sĩ không thể đưa ra chẩn đoán nguyên nhân vì không thể hồi cứu hết các tác nhân, yếu tố nguy cơ mà người bệnh phơi nhiễm trong toàn bộ đời sống. Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường, an toàn thực phẩm là những vấn đề lớn của xã hội đang góp phần khiến tỷ lệ mắc bệnh ung thư gia tăng, là vấn đề mà các cá nhân nhỏ lẻ hầu như không thể tự mình giải quyết được. Vì vậy, bệnh nhân không nên tin quan điểm này, bởi tin theo nó sẽ càng tạo ra tâm lý đau buồn, chán nản, gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và quá trình điều trị.

Thứ tư là tin đồn: Chụp cắt lớp PET/CT phát hiện sớm ung thư. Thực tế, PET/CT không phù hợp với tiêu chuẩn của xét nghiệm sàng lọc phát hiện sớm. Vì vai trò chủ yếu của PET/CT là đánh giá giai đoạn ung thư hay mức độ lan tràn của bệnh, đặc biệt là đánh giá di căn, trên bệnh nhân đã có chẩn đoán mô bệnh học là ung thư. PET/CT cũng được sử dụng trong đánh giá đáp ứng điều trị và theo dõi tái phát, tiển triển sau kết thúc điều trị. Trên đối tượng chưa có chẩn đoán mô bệnh học ung thư, giá trị của PET/CT rất thấp, giá trị chẩn đoán của PET/CT cũng không phải là 100%. Vì vậy, bệnh nhân không nên nghe theo tin đồn mà đua nhau đi thực hiện PET/CT để phát hiện sớm ung thư, vừa tốn tiền, vừa không đem lại hiệu quả tốt như mong muốn.