Quay lại Dân trí
Dân Sinh

45,6 nghìn tỷ đồng hỗ trợ người lao động, chủ sử dụng lao động, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi Covid 19

Sau 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, tính đến ngày 30/6/2022, cả nước đã hỗ trợ cho 36.434.593 người lao động, người dân, 394.440 đơn vị sử dụng lao động và 508.127 hộ kinh doanh với tổng số tiền 45.6665,263 tỷ đồng.

Toàn cảnh Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị.

Sáng ngày 26/12, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Hội nghị Tổng kết một số chính sách hỗ trợ người lao động và chủ sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid 19 năm 2021 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh chủ trì Hội nghị, cùng tham dự có đại diện các bộ, ngành có liên quan.

Hỗ trợ kịp thời, công khai, minh bạch, dễ tiếp cận

Đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 xuất hiện và nhanh chóng lây lan trở thành đại dịch toàn cầu. Tại Việt Nam, làn sóng dịch lần thứ tư bùng phát cuối tháng 4/ 2021 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, việc làm của hàng chục vạn người lao động. Để góp phần cùng cả nước thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa đảm bảo phát triển sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ và chia sẻ với người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch bệnh, Bộ LĐ-TB&XH đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 với 12 chính sách, tập trung vào 2 nhóm đối tượng là người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng sâu bởi đại dịch COVID-19, bám sát các nguyên tắc cơ bản: Hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai minh bạch, đơn giản, dễ tiếp cận nhất, bảo đảm tính khả thi và mỗi đối tượng chỉ thụ hưởng một chính sách.

Báo cáo kết một số chính sách hỗ trợ người lao động và chủ sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid 19 năm 2021 theo Nghị quyết số 68, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH) Nguyễn Huy Hưng cho biết, sau hơn 01 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, tính đến ngày 30/6/2022, cả nước đã hỗ trợ cho 36.434.593 người lao động, người dân, 394.440 đơn vị sử dụng lao động và 508.127 hộ kinh doanh với tổng số tiền là 45.665,263 tỷ đồng.

Trong đó: Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tính đến ngày 30/ 6/ 2022 đã điều chỉnh giảm đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 389.800 đơn vị sử dụng lao động (tương ứng khoảng 11,6 triệu người lao động) với số tiền là 4.164 tỷ đồng; Chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, đến ngày 19/ 7/ 2022, đã giải quyết đối với 1.013 đơn vị sử dụng lao động, với trên 207.600 người lao động tạm dừng đóng Quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền hơn 1.393,2 tỷ đồng; Chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động, tính đến ngày 19/ 7/ 2022, đã tiếp nhận và thực hiện chi trả kinh phí hỗ trợ đào tạo nâng cao bồi dưỡng kỹ năng để duy trì việc làm cho 66 đơn vị sử dụng lao động để đào tạo cho 8.230 người lao động với số tiền là 38,87 tỷ đồng; Chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, tính đến ngày 30/ 6/ 2022, đã hỗ trợ cho 2.037.065 người với số tiền là 6.631,233 tỷ đồng;

Chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc, tính đến 30/ 6/ 2022, đã thực hiện hỗ trợ cho 1.129.755 người, với số tiền là 1.129,755 tỷ đồng; Chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, đến 30/ 6/ 2022, đã hỗ trợ cho 4.984 người với số tiền là 19,9 tỷ đồng; Chính sách hỗ trợ bổ sung cho người lao động đang mang thai hoặc nuôi con dưới 6 tuổi, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, tính đến 30/ 6/ 2022, đã thực hiện hỗ trợ cho: 38.773 người mang thai và 682.255 người lao động nuôi con hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 06 tuổi, với số tiền là 721,028 tỷ đồng; 468.035 trẻ em phải điều trị do nhiễm COVID-19 hoặc cách ly y tế, với số tiền là 468,035 tỷ đồng; 68.582 người cao tuổi, người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng là F0, F1 đã được hỗ trợ, với số tiền là 68,842 tỷ đồng;

Thứ trưởng Lê Văn Thanh phát biểu tại Hội nghị.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh phát biểu tại Hội nghị.

Chính sách hỗ trợ tiền ăn, đến 30/6/2022, đã thực hiện hỗ trợ tiền ăn đối với 4.034.737 người bị F0, F1, với số tiền là 3.454,547 tỷ đồng; Chính sách hỗ trợ đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ và hướng dẫn viên du lịch, đến ngày 30/ 6/ 2022, đã hỗ trợ cho 20.212 người với tổng số tiền là 74,864 tỷ đồng; Chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh, đến ngày 30/ 6/ 2022, đã hỗ trợ cho 508.127 hộ kinh doanh, với số tiền hỗ trợ 1.507,417 tỷ đồng;

Chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, tính đến hết ngày 31/3/ 2022 trên cả nước đã giải ngân được 4.787 tỷ đồng cho 3.561 lượt người sử dụng lao động được vay vốn để trả lương cho 1.218.948 lượt người lao động; Chính sách hỗ trợ người lao động không giao kết hợp đồng lao động và lao động đặc thù, tính đến ngày 30/ 6/ 2022, các tỉnh, thành phố đã thực hiện hỗ trợ cho 15.664.935 người, với tổng số tiền là 21.231,786 tỷ đồng, kinh phí từ ngân sách địa phương.

Hoàn thành “sứ mệnh” hỗ trợ người dân trong đại dịch

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Văn Thanh khẳng định, đến nay, đại dịch COVID-19 ở nước ta đã cơ bản được kiểm soát và cả nước đang trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết số 68/NQ-CP được ban hành nhanh chóng, kịp thời, thể hiện sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất, sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho đời sống người dân, người lao động và người sử dụng lao động trước tác động của đại dịch, được người dân, doanh nghiệp, người lao động tích cực ủng hộ thực hiện, qua đó ngày càng tạo được niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong công tác chăm lo, đảm bảo an sinh toàn dân.

Trong quá trình triển khai, các Bộ, ngành, cơ quan liên quan được phân công đều tập trung cao cho các hoạt động phổ biến, tuyên truyền các chính sách hỗ trợ thông qua nhiều kênh thông tin khác nhau như phát thanh, truyền hình, báo chí, mạng viễn thông, mạng xã hội (zalo, facebook…) trên nguyên tắc bảo đảm công khai, minh bạch, đầy đủ, kịp thời, khách quan.

Cơ quan quản lý nhà nước cũng ban hành các công điện, công văn chỉ đạo, hướng dẫn chung đối với các địa phương; BHXH Việt Nam hướng dẫn thực hiện các chính sách hỗ trợ liên quan lĩnh vực bảo hiểm xã hội; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn giám sát thực hiện chính sách hỗ trợ đối với các địa phương.

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Bộ LĐ-TB&XH đã chủ động thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận, giải đáp các nội dung chính sách, lập 6 số điện thoại để hướng dẫn, hỗ trợ, tiếp nhận gần 25.000 cuộc gọi đề nghị giải đáp của người dân, người lao động và người sử dụng lao động. Đồng thời cung cấp đường dây nóng để tiếp nhận các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo. Ngoài ra, các cơ quan thực hiện cũng lập chuyên mục hỏi - đáp về chính sách hỗ trợ, hồ sơ thủ tục trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ, trong đó tập trung vào các nhóm chính sách hỗ trợ có nhiều thắc mắc để người dân, người lao động, người sử dụng lao động biết trong triển khai thực hiện.

công tác kiểm tra, giám sát được chú trọng ngay từ khâu xây dựng chính sách, tại Nghị quyết số 68/NQ-CP. Chính phủ giao Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết và đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Tổng LĐLĐ Việt Nam cùng các tổ chức chính trị - xã hội vào cuộc giám sát.

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đã phát hiện có những vướng mắc, thiếu sót trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai, tuy nhiên đều có sự uốn nắn, chấn chỉnh kịp thời, bảo đảm việc thực hiện các chính sách đúng đối tượng, đúng chế độ, đến nay chưa phát hiện có hành vi trục lợi chính sách của các tổ chức và cá nhân.