Quay lại Dân trí
Dân Sinh

6 tháng, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất, với kim ngạch đạt 34,8 tỷ USD

(Dân sinh) - Về thị trường hàng hóa nhập khẩu 6 tháng, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 34,8 tỷ USD, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước.

Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 20,3 tỷ USD, giảm 10%. Thị trường ASEAN đạt 14,2 tỷ USD, giảm 11,9%. Nhật Bản đạt 9,3 tỷ USD, tăng 5,3%. Hoa Kỳ đạt 7,4 tỷ USD, tăng 7,2%. Thị trường EU đạt 7,1 tỷ USD, tăng 8,4%.

Trong 6 tháng đầu năm 2020 có 22 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 81,2% tổng kim ngạch nhập khẩu. 

Trong đó: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 27 tỷ USD (chiếm 23,1% tổng kim ngạch nhập khẩu), tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 16,9 tỷ USD, giảm 4,2%; điện thoại và linh kiện đạt 6 tỷ USD, tăng 3,7%; vải đạt 5,6 tỷ USD, giảm 15,3%; sắt thép đạt 4 tỷ USD, giảm 16,3%; chất dẻo đạt 3,9 tỷ USD, giảm 11,1%; sản phẩm chất dẻo đạt 3,2 tỷ USD, tăng 5,4%; 

Kim loại thường đạt 2,9 tỷ USD, giảm 9%; sản phẩm hóa chất đạt 2,6 tỷ USD, tăng 4,6%; nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép đạt 2,5 tỷ USD, giảm 14,2%; ô tô đạt 2,4 tỷ USD, giảm 33%; hóa chất đạt 2,4 tỷ USD, giảm 8%; than đá đạt 2,2 tỷ USD, tăng 12,5%; dầu thô đạt 2,1 tỷ USD, giảm 0,1%.

Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu 6 tháng đầu năm, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 109,5 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 93,5% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu (tăng 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước). 

Trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 54,2 tỷ USD, giảm 1,7% và chiếm 46,3% (tăng 0,7 điểm phần trăm); nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu đạt 55,3 tỷ USD, giảm 3,9% và chiếm 47,2% (giảm 0,4 điểm phần trăm). 

Nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 7,7 tỷ USD, giảm 6,5% và chiếm 6,5% (giảm 0,3 điểm phần trăm).