Quay lại Dân trí
Dân Sinh

7 bệnh viện dã chiến sẵn sàng tiếp nhận người Việt trở về từ vùng dịch nCoV

(Dân sinh) - Các quân khu, quân đoàn chuẩn bị trên 31 nghìn giường và chế độ ăn theo chế độ của quân nhân cho công dân Việt Nam từ vùng dịch trở về trong thời gian cách ly 14 ngày.

Theo vietnamnet.vn, thực hiện kế hoạch của Bộ Quốc phòng về kế hoạch tiếp nhận công dân Việt Nam từ Trung Quốc và các quốc gia khác có dịch về Việt Nam, Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần) đã rà soát hệ thống bệnh viện quân đội.

Hiện có14 tổ chuyên khoa trong đó có 7 tổ chuyên khoa về truyền nhiễm, 7 tổ chuyên khoa về hồi sức và 7 bệnh viện dã chiến sẵn sàng cho việc tiếp nhận, cách ly và điều trị cho công dân Việt Nam trở về từ vùng dịch nCoV. Các trang thiết bị được rà soát, đảm bảo đầy đủ hóa chất và bảo hộ cho các cá nhân và quân y làm nhiệm vụ.

7 bệnh viện dã chiến sẵn sàng tiếp nhận người Việt trở về từ vùng dịch nCoV - Ảnh 1.

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên - Cục trưởng Cục Quân y.

Đường tiếp nhận công dân từ vùng dịch nCoV về nước theo đường bộ, đường hàng không và đường biển. Theo đó đường bộ sẽ tiếp nhận tại các cửa khẩu Móng Cái - Quảng Ninh; Hữu Nghị - Lạng Sơn; Tà Lùng - Cao Bằng; Thanh Thủy - Hà Giang và Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số 1 - Lào Cai.

Đường hàng không tiếp nhận tại các Sân bay Vân Đồn - Quảng Ninh; Cát Bi - Hải Phòng; Nội Bài - Hà Nội; Đà Nẵng; Cam Ranh - Khánh Hòa; Tân Sơn Nhất - TP. HCM và sân bay Cần Thơ. Đường biển là tại cảng Vũng Áng - Hà Tĩnh.

Theo vtc.vn, từ ngày 3/2, Bộ đội Biên phòng và các lực lượng liên quan chính thức không nhập cảnh cho bất kỳ người nước ngoài nào từ Trung Quốc vào Việt Nam, trừ các công dân của Việt Nam.

Các lực lượng đã túc trực sẵn tại các cửa khẩu để kiểm tra, phân loại và tiếp nhận cách ly 100% công dân Việt Nam từ vùng dịch về nước trong thời gian 14 ngày.

Cuộc họp cũng đưa ra các phương án về quy trình tiếp nhận, xử lý dịch tễ, tránh lây chéo; đồng thời đề xuất sử dụng khẩu trang tiết kiệm hiệu quả trong trường hợp dịch bệnh lây lan trong đó có phương án may khẩu trang bằng vải để tái sử dụng thay vì dùng khẩu trang 1 lần như hiện nay.