Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Ấm áp nghĩa tình tại Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Sơn La

Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Sơn La từ lâu đã được biết đến là nơi cưu mang, nuôi dưỡng trẻ em yếu thế, đối tượng người cao tuổi, người khuyết tật không có nơi để đi, không có ai để nương tựa.

Lãnh đạo trung tâm cùng đoàn công tác công ty Thuỷ điện Sơn La tặng quà cho trẻ em nhân dịp Tết Trung thu 2022.

Lãnh đạo trung tâm cùng đoàn công tác công ty Thuỷ điện Sơn La tặng quà cho trẻ em nhân dịp Tết Trung thu 2022.

Trung tâm BTXH tỉnh Sơn La (gồm 2 cơ sở) đang chăm sóc, nuôi dưỡng cho gần 270 các đối tượng bảo trợ xã hội. Trong đó có 89 trẻ em và 180 người cao tuổi.

Tại trung tâm BTXH 1 (thuộc phường Quyết Thắng, Thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La), nơi nuôi dưỡng và chăm sóc cho gần 90 trẻ em (chủ yếu từ 4 - 17 tuổi). Hầu hết các em là người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Chị Trần Thị Thanh Tú (Phòng Quản lý chăm sóc) cho biết, trước khi được đưa vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại trung tâm, các em đều có hoàn cảnh éo le. Khi về mái nhà chung này, các em đã nhận được tình yêu thương của đội ngũ cán bộ, nhân viên nơi đây, góp phần xoa dịu nỗi đau mất mát, xóa đi mặc cảm, giúp các em nỗ lực vươn lên.

Một trong số đó là em G.A.L., xã Mường Bám, huyện Thuận Châu. Bố mẹ mất sớm, nên L. và em trai được đón vào trung tâm từ năm 2013. Trong 9 năm vừa qua L. luôn đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi để thực hiện ước mong sau này trở thành thầy giáo.

"Em rất biết ơn bố mẹ ở trung tâm đã tạo cho chúng em cơ hội được sống, vui chơi, học tập và trưởng thành như bao đứa trẻ khác. Em sẽ cố gắng học thật tốt để không phụ lòng của các bố mẹ ở trung tâm", em L. bày tỏ.

Em G.A.H chia sẻ, bố mẹ mất sớm nên phải nghỉ học ở nhà làm nương, làm mãi mà không đủ ăn. Vào trung tâm, em được đi học lại, ăn no mặc ấm nên rất vui và hạnh phúc. Với em, trung tâm chính là ngôi nhà thứ hai, là ngôi nhà đầy ắp tình thương yêu của bố mẹ và anh chị em…

Cô Hoàng Thị Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Sơn La cho biết, nhiều năm nay, trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Sơn La đã trở thành ngôi nhà chung của nhiều lớp trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Cán bộ, giáo viên ở trung tâm vừa là chị vừa là mẹ, dạy bảo các em từ những điều nhỏ nhất trong sinh hoạt hàng ngày cho đến đôn đốc các em học bài và làm bài tập về nhà.

“Bên cạnh việc nuôi dạy, công tác hướng nghiệp dạy nghề để sau này các cháu trưởng thành hòa nhập cộng đồng, biết chăm lo cho cuộc sống bản thân cũng được trung tâm hết sức chú trọng”, cô Thanh chia sẻ.

Một trại hè dành cho trẻ em tại Trung tâm BTXH tỉnh Sơn La.

Một trại hè dành cho trẻ em tại Trung tâm BTXH tỉnh Sơn La.

Đến với trung tâm BTXH II tại tổ 1, phường Chiềng Cơi, nơi tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi, người khuyết tật và đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh. Ông Lê Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm BTXH, phụ trách cơ sở II cho biết: Trước khi đi vào hoạt động, trung tâm đã phối hợp với các phòng LĐ-TB&XH trên địa bàn tỉnh tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách BTXH đến các đối tượng BTXH và người dân trên địa bàn các huyện, thành phố. Qua đó tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng cho hơn 180 người cao tuổi, người khuyết tật và đối tượng BTXH.

Là một trong số những người đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại đây. Bà Bùi Thị Châu, 71 tuổi, tổ 9, phường Quyết Thắng (TP.Sơn La) chia sẻ: Tôi không có chồng, con, cuộc sống khó khăn. Nay tuổi đã cao, lại bệnh tật, ở một mình không ai chăm sóc. Tôi được tiếp nhận vào Cơ sở đã được 1 tháng. Sống ở đây, các điều kiện đều rất tốt, phòng ở sạch sẽ, công trình vệ sinh khép kín, có ti vi để xem các chương trình hằng ngày. Khi ốm đau được cán bộ y tế thăm khám, cấp thuốc kịp thời.

Còn bà Dương Thị Hạnh 75 tuổi, nhà ở bản Tân Tiến, xã Chiềng Sơn, huyện Sông Mã chia sẻ: Tôi không có con cái, do tuổi cao lại bệnh tật, nên không có khả năng lao động. Vào đây sống, chúng tôi được chăm sóc chu đáo cả vật chất lẫn tinh thần; có bạn cùng lứa tuổi để chia sẻ những lúc vui buồn.

Cũng theo ông Lê Văn Tuấn, trung tâm có chức năng, nhiệm vụ quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người già cô đơn không nơi nương tựa, người già có công với cách mạng, người khuyết tật. Tuy nhiên, việc vận động các đối tượng đủ điều kiện vào sinh sống tại cơ sở còn gặp nhiều khó khăn, một phần là do công tác tuyên truyền chưa được rộng khắp, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa; một số người ngại thay đổi môi trường sống, sợ bị kỳ thị, không muốn rời xa nơi ở... người thân, họ hàng lo sợ bị điều tiếng khi đưa các đối tượng về đây sinh sống...

“Trong thời gian tới, các cơ quan chuyên môn, các địa phương tiếp tục phối hợp tuyên truyền về chế độ, chính sách trong công tác BTXH đến người dân. Tăng cường tập huấn, kiện toàn, phát triển mạng lưới cộng tác viên ở cơ sở, đáp ứng kịp thời các dịch vụ trợ giúp xã hội, giải quyết chính sách về an sinh xã hội. Đáp ứng nhu cầu cung cấp thông tin đến người dân nhanh chóng, kịp thời, chính xác, giúp người dân hiểu hơn về chính sách BTXH”, ông Tuấn nói.

Người đủ điều kiện vào cơ sở, gồm: Người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng; người từ đủ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trợ cấp xã hội hằng tháng. Người khuyết tật đặc biệt nặng không nơi nương tựa, không tự lo được cuộc sống. Đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp, là nạn nhân của bạo lực gia đình; nạn nhân bị xâm hại tình dục; nạn nhân bị buôn bán; nạn nhân bị cưỡng bức lao động; trẻ em lang thang xin ăn trong thời gian chờ đưa về nơi cư trú; đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác theo quyết định của Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Người cao tuổi thực hiện theo hợp đồng ủy nhiệm chăm sóc.