Quay lại Dân trí
Dân Sinh

"Ăn bám" chồng

Mấy tháng sau khi tôi sinh con, tốt nghiệp mà vẫn chưa đi làm, cả mẹ đẻ lẫn mẹ chồng bắt đầu sốt ruột.

Mẹ chồng từ Việt Nam sang Pháp khi con gái thứ ba của chúng tôi tròn ba tháng, tôi bắt đầu quay trở lại hoàn thành luận án tiến sĩ. Mẹ nói, nếu ở Việt Nam, chắc tôi phải thuê tới hai người giúp việc. Còn ở đây, không có ai giúp, trong đó tôi là người cáng đáng phần lớn việc nhà. Nhưng khi tôi bảo vệ luận án xong, mẹ chồng vẫn muốn tôi đi làm. Còn mẹ đẻ tôi, tuy không nói thẳng ra, bà lo tôi bị mang tiếng là một đứa ăn bám chồng. Nếu chẳng may gia đình lục đục, tôi sẽ sống ra sao nơi đất khách quê người.

"Giờ là thời đại công nghệ, dù ở nhà con vẫn có công việc phù hợp với năng lực và học vấn của mình", tôi nói với mẹ, "Nếu muốn, con vẫn có thể tìm được việc để bằng bạn bằng bè". Còn hiện giờ, ở nhà chăm sóc gia đình và con nhỏ là giải pháp phù hợp nhất với chúng tôi. Tôi còn làm việc từ xa, vẫn có thu nhập, nhưng đối với các bà, chừng đó thôi vẫn không đủ và không xứng đáng với học vấn của tôi.

"Ăn bám" chồng - Ảnh 1.

Tôi biết mong muốn của họ không hề sai, ở chỗ phụ nữ cũng nên ra ngoài xã hội xây dựng sự nghiệp riêng của mình. Và họ có lý để lo lắng. Nhiều người vẫn cho rằng phụ nữ không đi làm là không kiếm ra tiền, không đóng góp gì cho gia đình, chẳng khác nào ăn bám, trở thành gánh nặng cho chồng.

Phụ nữ có rất nhiều lý do để chọn ở nhà làm bà nội trợ, quan trọng nhất vẫn là để chăm sóc con cái tốt hơn. Khi con nhỏ, họ khó có thể tìm được chỗ gửi trẻ, hoặc sức khoẻ chưa cho phép trẻ đi học sớm, hoặc vì lý do kinh tế - chi phí gửi trẻ con cao hơn tiền lương kiếm được - và muôn vàn lý do khác mà chỉ người trong cuộc mới hiểu.

Theo điều tra năm 2019 của Salary.com, một công ty chuyên hỗ trợ cá nhân định giá năng lực bản thân cũng như giúp doanh nghiệp quyết định mức lương hợp lý cho nhân viên, một bà mẹ nội trợ xứng đáng nhận được trung bình 162.581 USD, so với thu nhập trung bình của một hộ gia đình ở Hoa Kỳ hiện nay là 63.179 USD mỗi năm.

Nhưng nhiều người vẫn coi việc chăm sóc con cái, cha mẹ già và lo toan việc nhà như nghĩa vụ hiển nhiên của phụ nữ. Người chồng nếu có giúp đỡ thì tốt, còn nếu không thì cũng là chuyện hết sức bình thường, vợ không thể đòi hỏi. Một bà nội trợ hiếm khi nhận được nhiều hỗ trợ, dù công việc họ cáng đáng không hề nhẹ nhàng. Theo khảo sát gần đây của Aveeno Baby với 1.500 người, hơn một nửa trong số họ cho rằng ở nhà trông một em bé còn mệt mỏi hơn đi làm cả ngày.

"Ăn bám" chồng - Ảnh 2.

Melinda Gates, mẹ của ba đứa con và vợ của người đàn ông giàu nhất thế giới - Bill Gates, cho rằng các bà nội trợ đang "làm rất nhiều việc mà không hề được công nhận", đó là lý do tại sao họ dường như luôn mệt mỏi và chán nản. Chưa kể, người ở nhà không đi làm thường ít nhận được sự cảm thông chia sẻ, vì được cho rằng không đi làm nghĩa là không phải chịu mọi áp lực xã hội, áp lực công việc, được tuỳ nghi sử dụng giờ giấc của mình. Rất nhiều bà nội trợ dễ bị rơi vào trạng thái trầm cảm.

"Khi các nhà kinh tế tính thời gian của những nông dân, họ chỉ đo số giờ của những người làm việc trong trang trại chứ không tính cả những người phụ nữ cũng dành hàng giờ nấu ăn, dọn dẹp và chăm sóc, để nông dân kia làm việc hiệu quả", Melinda viết. Không chỉ các kinh tế gia, ngay cả các nhà phân tích cũng bác bỏ tầm quan trọng của những công việc không được trả lương. Họ dường như xem đó là cách mà thế giới vận hành.

Marilyn Waring, nhà kinh tế học người Australia lý luận thế này. Bạn trả tiền cho nhà trẻ. Bạn trả tiền mua gas để bật bếp. Bạn trả tiền cho nhà máy để họ làm thức ăn. Bạn trả tiền để nước chảy qua vòi. Bạn trả tiền để được phục vụ bữa ăn trong nhà hàng. Bạn trả tiền để giặt quần áo trong máy giặt công cộng. Nhưng nếu một phụ nữ tự làm tất cả những việc đó - chăm sóc con, chặt củi, xay ngũ cốc, lấy nước, nấu ăn và giặt quần áo - không ai trả tiền và coi trọng cô ấy. Đó là "việc nhà" và "miễn phí".

Nhiều người hay hỏi các bà nội trợ "làm gì cho hết ngày?". Và mọi người cư xử như thể những đứa bé cứ thế tự dưng lớn lên ngoan ngoãn, khoẻ mạnh và vui vẻ, nhà cửa tự dưng sáng bóng sạch sẽ, cơm nước tự dưng dẻo ngọt. Rồi chẳng may hôm nào có việc gì không được như ý, người phụ nữ lại bị ném những câu như: "Ở nhà có mỗi việc... mà cũng không xong!"

Con gái tôi hiện đang học lớp bảy ở Pháp. Một trong các chủ đề cháu mới học là về nữ quyền và bình đẳng giới, cô bé luôn miệng hô hào về việc phụ nữ phải được trả lương cao như nam giới. "Đó chỉ là một phần của nữ quyền thôi", tôi nói với con. Đúng ra, tất cả những công việc không lương mà rất nhiều phụ nữ đang làm cũng phải được công nhận và đánh giá, không phải bị coi là "sứ mệnh" của họ.

Tôi cho rằng, việc người vợ ở nhà hay đi làm trước hết do sự sắp xếp và đồng thuận của hai vợ chồng, dựa trên sự phù hợp với điều kiện mỗi gia đình. Vì thế, những người khác, kể cả bố mẹ đẻ hay bố mẹ chồng, không nên nhòm ngó để rồi đánh giá hay phán xét, tệ hơn là khuyên bảo. Và vì là lựa chọn của cả hai vợ chồng nên cần những quy tắc ứng xử phù hợp để không ai phải cảm thấy "đang hy sinh" vì ai cả. Ta chẳng lạ gì khi nhiều gia đình cơm không lành chỉ vì người chồng cho rằng mình vất vả kiếm tiền để nuôi cả nhà, trong khi người vợ lại nghĩ mình hy sinh toàn bộ sự nghiệp, "ở xó nhà" chăm gia đình mà bị coi thường.

Học cách làm vợ, làm chồng, làm cha mẹ thông thái để sắp xếp công việc gia đình, thời gian sinh hoạt hợp lý, chia sẻ đỡ đần lẫn nhau với tôi rất cần thiết. Bởi cuối cùng, điều chúng ta đều muốn là hạnh phúc.