Quay lại Dân trí
Dân Sinh

An Giang đào tạo nghề và hỗ trợ việc làm cho lao động ngành nghề nông thôn

(Dân sinh) - Tỉnh An Giang Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đào tạo, hỗ trợ tạo việc làm cho lao động ngành nghề nông thôn; có chính sách thu hút các nghệ nhân, thợ giỏi tham gia đào tạo nghề cho người dân.

Đến nay, toàn tỉnh An Giang có 29 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được UBND tỉnh công nhận đạt “tiêu chí làng nghề tiểu thủ công nghiệp tỉnh An Giang”. Trong đó, có 14 làng nghề và 15 làng nghề truyền thống với 3.706 hộ sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho 11.482 lao động có việc làm thường xuyên với mức thu nhập bình quân từ 0,9 - 8 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu của các làng nghề hàng năm ước hơn 266 tỷ đồng. 

Phần lớn làng nghề hoạt động sản xuất quanh năm, một số ít làng nghề sản xuất mang tính thời vụ: lợp lươn Cần Đăng, lợp cua Mỹ Đức... thị trường tiêu thụ sản phẩm của làng nghề chủ yếu là trong nước. 

Tân Châu đã nổi tiếng với nghề ươm tơ dệt lụa. Đây cũng chính là nơi sáng tạo nên loại lụa Mỹ A nổi tiếng một thời.

Tân Châu đã nổi tiếng với nghề ươm tơ dệt lụa. Đây cũng chính là nơi sáng tạo nên loại lụa Mỹ A nổi tiếng một thời.

Tuy nhiên, ngành nghề nông thôn phát triển còn chậm, mang tính tự phát ở quy mô nhỏ lẻ, chưa có định hướng, đa phần còn sử dụng công nghệ trang thiết bị lạc hậu, chất lượng sản phẩm chưa cao và kém sức cạnh tranh, chưa chú trọng xây dựng thương hiệu, sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch chưa nhiều. 

Việc tiếp cận các nguồn vốn còn hạn chế, khó khăn trong mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh nhất là khả năng thay thế thiết bị, máy móc, đổi mới công nghệ sản xuất.

Công tác đào tạo nghề, truyền nghề đã được quan tâm chỉ đạo nhưng kết quả đạt được chưa cao nên lao động có tay nghề còn thiếu. Một số nghề truyền thống đang có nguy cơ mai một do sự cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp cùng loại như: nghề đan đát, nghề rèn,… 

Người dân Tân Châu đã dệt ra những manh chiếu trắng dùng trong sinh hoạt. Chiếu này được dệt từ sợi lát, là loại chiếu có màu trắng hình thức giản đơn, chất lượng trung bình.

Người dân Tân Châu đã dệt ra những manh chiếu trắng dùng trong sinh hoạt. Chiếu này được dệt từ sợi lát, là loại chiếu có màu trắng hình thức giản đơn, chất lượng trung bình.

Để phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn năm 2022 trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh An Giang yêu cầu các làng nghề nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh liên kết sản xuất, khuyến khích thành lập mới các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác để nâng cao năng lực sản xuất, chú trọng xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu nhằm tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trên địa bàn tỉnh. 

Đồng thời chú trọng công tác bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống, đồng thời phát triển thêm nghề mới phù hợp với từng địa phương để đa dạng hóa sản phẩm ngành nghề; giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân, quan tâm, chú trọng phát triển các làng nghề gắn với du lịch và bảo vệ môi trường. 

Tỉnh An Giang tiếp tục triển khai có hiệu quả đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó chú trọng công tác đào tạo tay nghề tại các làng nghề, làng nghề truyền thống. Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đào tạo, hỗ trợ tạo việc làm cho lao động ngành nghề nông thôn. Có chính sách thu hút các nghệ nhân, thợ giỏi tham gia đào tạo nghề cho người dân.