Quay lại Dân trí
Dân Sinh

An Giang phát huy vai trò các chức sắc tôn giáo, dân tộc trong phòng chống Covid-19

Phát động phong trào “Toàn dân chung sức phòng, chống dịch COVID-19”, tỉnh An Giang đã có nhiều cách làm sáng tạo, thiết thực, hiệu quả, phát huy tốt vai trò của các chức sắc tôn giáo, dân tộc, người có uy tín trong cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Theo ông Nguyễn Tiếc Hùng, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh An Giang, các tôn giáo, dân tộc trên địa bàn An Giang đã tích cực phối hợp, đồng hành, hỗ trợ lực lượng chức năng trong tỉnh làm tốt công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh; trực tiếp tham gia hỗ trợ suất ăn, tặng khẩu trang, thiết bị y tế, nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ công tác và sinh hoạt hàng ngày của các tổ, chốt phòng, chống dịch… Qua đó, đã thể hiện sự đoàn kết gắn bó, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân.

Ngoài ra, các vị chức sắc tôn giáo, dân tộc còn tham gia cùng UBMTTQ Việt Nam tỉnh An Giang các cấp và chính quyền địa phương làm tốt công tác an sinh xã hội, đặc biệt thông qua các mô hình như: "Gian hàng 0 đồng", "chuyến xe 0 đồng", hay mô hình "2 An" (An ninh trật tự - An sinh xã hội) trong tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, được Công an tỉnh An Giang và Ban Trị sự Trung ương Phật giáo Hòa Hảo ký kết thực hiện, Công an các địa phương phối hợp chặt với Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo các xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch. 

Cùng với đó, các vị chức sắc tôn giáo, dân tộc đã vận động nhân dân, các nhà hảo tâm, doanh nghiệp đóng góp được hàng ngàn phần quà, để giúp đỡ các gia đình khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19; góp phần hiệu quả, cùng với tỉnh kiểm soát tốt, tiến tới đẩy lùi dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống người dân trở lại trạng thái bình thường mới. Tại xã Châu Lăng (huyện Tri Tôn), trước tình hình dịch COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp, xã đã tranh thủ sự ủng hộ của các vị sư trụ trì các chùa Khmer trên địa bàn, những người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer và cộng đồng dân cư để thường xuyên tổ chức, tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch COVID-19. 

Thông qua đó, lồng ghép, vận động các hộ gia đình có con hoặc người thân đang lao động ở ngoài tỉnh, an tâm ở lại địa phương thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch của nơi sở tại. Các vị sư trụ trì các chùa Khmer, những người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer và cộng đồng dân cư là cầu nối để đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân một cách nhanh, hiệu quả và phù hợp nhất.

Ông Kim Seng, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn cho biết: "Trước tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, tại địa phương, chúng tôi cũng thường xuyên tranh thủ các vị chức sắc, chức việc, tôn giáo đồng bào dân tộc Khmer để tổ chức, tuyên truyền vận động cho bà con có thân nhân đang lao động ở ngoài tỉnh nên an tâm ở lại địa phương thực hiện tốt, thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thường vận động các nguồn hỗ trợ, tài trợ để kịp thời chia sẻ cho bà con trên địa bàn, nhất là những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, lại có con đi làm ăn xa, không thể phụ giúp thu nhập cho gia đình tại các thành phố lớn vẫn chưa thể về được do dịch bệnh".

Có thể nói, phát huy tốt vai trò của các chức sắc tôn giáo, dân tộc, người có uy tín trong cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 là cách làm sáng tạo, thiết thực, hiệu quả của tỉnh An Giang. Điều này, không những góp phần kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, mà còn khẳng định rõ hơn tinh thần, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trước những nhiệm vụ quan trọng của đất nước.