Quay lại Dân trí
Dân Sinh

An Giang: Tiếp tục nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả

(Dân sinh) - Trong 5 năm qua, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp trong tỉnh An Giang đã tiếp nhận tiền mặt và hiện vật (quy tiền) với tổng giá trị 948 tỷ đồng, qua đó, đã chi hỗ trợ cất mới 10.829 căn nhà Đại đoàn kết, với tổng kinh phí 325 tỷ đồng; sửa chữa 1.912 căn nhà cho hộ nghèo, với tổng kinh phí trên 14 tỷ đồng.

Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 tập trung thực hiện giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt là ở các địa bàn nghèo.

Trong 3 năm từ năm 2018 -2020, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã hỗ trợ kinh phí gần 18 tỷ đồng thực hiện 34 mô hình trong đó có 6 tỉnh Nam sông Hậu như: An Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.. Việc triển khai Chương trình giảm nghèo đã được sự đồng thuận đánh giá cao của các địa phương, người dân tham gia dự án; các dự án bước đầu phát huy hiệu quả, góp phần tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo có cơ hội phát triển kinh tế, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, từng bước thoát nghèo, hạn chế tái nghèo và nâng chất lượng của người dân đặc biệt là nhân dân các địa bàn nghèo, miền núi, biên giới,…

Tại An Giang có nhiều cách làm hiệu quả, không chỉ giúp nhiều hộ thoát nghèo mà còn giảm nguy cơ tái nghèo. Nổi bật của tỉnh An Giang là mô hình giảm nghèo với hình thức đầu tư trực tiếp giúp nhiều hộ nghèo được đổi đời, tạo thêm động lực để họ phấn đấu vươn lên, từng bước ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống.

An Giang: Tiếp tục nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả - Ảnh 1.

Hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

Điển hình là mô hình Hội Mái ấm tình thương ở hai huyện Thoại Sơn và Châu Thành đã đổ được trên 4.000 bộ cột pêtông với tổng trị giá hơn 40 tỷ đồng và hàng trăm ngàn ngày công của người dân tự nguyện tham gia thực hiện để phối hợp cùng chính quyền và MTTQ các cấp cất mới hơn 4.000 mái ấm tình thương, nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo.

Bên cạnh đó, mô hình cất nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo không có nhà, đất của thành phố Long Xuyên từ năm 2017 đến nay đã xây dựng được 15 khu nhà Đại đoàn kết với kinh phí xây dựng các căn nhà là 22 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa và 20 tỷ đồng từ ngân sách thành phố để xây dựng cơ sở hạ tầng, qua đó hỗ trợ cho 320 hộ nghèo không có đất trên địa bàn thành phố có được chỗ ở ổn định, tạo điều kiện để các hộ nghèo yên tâm lao động, cải thiện thu nhập, tự tin vươn lên thoát nghèo bền vững.

Trong 5 năm qua, Quỹ "Vì người nghèo" các cấp trong tỉnh đã tiếp nhận tiền mặt và hiện vật (quy tiền) với tổng giá trị 948 tỷ đồng, qua đó, đã chi hỗ trợ cất mới 10.829 căn nhà Đại đoàn kết, với tổng kinh phí 325 tỷ đồng; sửa chữa 1.912 căn nhà cho hộ nghèo, với tổng kinh phí trên 14 tỷ đồng…

Cuối năm 2019, toàn tỉnh An Giang có gần 14.200 hộ nghèo, chiếm 2,63% và hộ cận nghèo gần 29.500 hộ, chiếm 5,45%. Nhờ đa dạng hóa các giải pháp hỗ trợ, giúp người nghèo nâng cao thu nhập, đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo của An Giang giảm còn dưới 2%.

Trongthời gian tới, An Giang tiếp tục nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả;chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.