Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Anabasis – Hồi ký viễn chinh xứ Ba Tư: Rút lui không phải là thất bại

(Dân sinh) - Được mệnh danh là “một trong những cuộc mạo hiểm vĩ đại nhất trong lịch sử loài người”, "Anabasis – Hồi ký viễn chinh xứ Ba Tư: Rút lui không phải là thất bại" là cuốn tự truyện của Xenophon, thuật lại chuyến hành trình ông chỉ huy đoàn quân viễn chinh người Hy Lạp “đánh thuê” cho hoàng tử Ba Tư, rút lui trở về quê hương sau thất bại quân sự trên vùng đất này, trong hoàn cảnh mắc kẹt sâu ở lãnh thổ kẻ địch.

Trong quá trình rút lui ấy, đội quân viễn chinh Hy Lạp này đồng thời cũng là một chính phủ dân chủ di động, các binh sĩ sẽ cử hành hội nghị đúng thời hạn, tiến hành bỏ phiếu biểu quyết đối với đề nghị của những tướng quân được bầu, quyết định chiến thuật mới, chế tạo vũ khí mới và cải tiến chế độ tổ chức hiện hữu thông qua tranh luận và bàn bạc. Các vị tướng được bầu hành quân và chiến đấu cùng binh sĩ, hơn nữa còn phải cung cấp danh sách chi tiết về các khoản chi tiêu của họ để giành được sự tín nhiệm.

1_20221121_130309_0000

Qua "Anabasis – Hồi ký viễn chinh xứ Ba Tư: Rút lui không phải là thất bại", Xenophon đã cho thấy, phương thức chiến đấu của người Hy Lạp khác với quân địch của họ: Họ có cảm nhận cá nhân, kỉ luật nghiêm minh hơn, vũ khí cũng chí mạng hơn, quan hệ giữa các binh sĩ bình đẳng, ý thức chủ động tham chiến nổi trội, tư duy linh hoạt và có thể thích ứng với chiến thuật mới, ngoài ra còn có xu hướng tác chiến thiên về sử dụng bộ binh hạng nặng. Những đặc điểm này xuất phát từ việc họ có chung nhận thức về thể chế chính phủ, từ sự bình đẳng của nội bộ giai cấp trung tầng, từ sự giám sát của dân chúng đối với các sự vụ quân sự, và từ tư tưởng tách rời khỏi nhà nước và đền thờ, chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa cá nhân và uy quyền tối cao của lý trí. Khi đoàn quân viễn chinh Hy Lạp đứng trước tuyệt cảnh, họ đã biến thể chế thành bang thành một thứ vũ khí kỳ diệu truyền cảm hứng cho sức mạnh nội tại của mỗi người lính và khiến những người Hy Lạp này chiến đấu trên mọi mặt trận với thái độ của những công dân thành phố, bởi vậy mà họ trở nên bất khả chiến bại.

Bên cạnh những ý nghĩa về lịch sử, "Anabasis – Hồi ký viễn chinh xứ Ba Tư: Rút lui không phải là thất bại" còn mang ý nghĩa trọng đại trong giáo dục khi là một trong những văn bản trọn vẹn đầu tiên được những người theo học tiếng Hy Lạp cổ nghiên cứu nhờ lối viết rành mạch và không hoa mỹ, tương tự như văn bản Commentarii de Bello Gallico của Caesar. Và hơn cả thế, đối với thế giới ngày nay, "Anabasis – Hồi ký viễn chinh xứ Ba Tư: Rút lui không phải là thất bại" là câu chuyện thực chứng cho một mô hình quản trị dựa trên các giá trị Bình đẳng – Linh hoạt – Tối ưu, mà chúng ta có thể ứng dụng trong doanh nghiệp, tổ chức hay chính quyền địa phương.