Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Ảnh hưởng nCoV, 'thủ phủ' thanh long điêu đứng

(Dân sinh) - Do ảnh hưởng của dịch corona, các mặt hàng nông sản của Việt Nam rớt giá thảm hại vì không thể xuất khẩu qua Trung Quốc. Hàng vạn tấn dưa hấu, thanh long, khoai lang, sầu riêng... đến mùa thu hoạch "nằm dài" chờ thối rữa.

Nông dân điêu đứng vì thanh long rớt giá thảm

Hiện nay ở các vườn thanh long ở Long An có giá rẻ như cho mà vẫn không thể tiêu thụ. Thương lái lắc đầu, nông dân vỡ nợ, đến hẹn lại lên, nông sản Việt lại được mùa mất giá.

Ảnh hưởng nCoV 'thủ phủ' thanh long điêu đứng - Ảnh 1.

Diện tích thanh long của Long An cho ra trái khoảng 9.587ha (trên tổng số 11.826ha), sản lượng 320.000 tấn/năm.

"Bộ đã họp khẩn với các siêu thị, Hiệp hội Logistics… bàn giải pháp tích trữ hàng vào các kho lạnh, đẩy mảnh tiêu thụ nội địa, thúc đẩy chế biến, chuyến hướng thị trường… đang lên các kịch bản kể cả kịch bản xấu nhất để ứng phó”, ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết.

Hiện, diện tích thanh long của Long An cho ra trái khoảng 9.587ha (trên tổng số 11.826ha), sản lượng 320.000 tấn/năm với 154 cơ sở chế biến, thu mua; 100 cơ sở có kho lạnh. Đặc biệt, có 120 cơ sở cấp mã kho và xuất khẩu sang Trung Quốc, số còn lại gia công, chế biến cho các kho của người Trung Quốc. Do đó, có thể nói, thị trường tiêu thụ chính của thanh long tại đây là Trung Quốc.

Theo ghi nhận của phóng viên báo Lao động và Xã hội (báo điện tử Dân sinh), năm nay các vườn thanh long ở huyện Châu Thành tỉnh Long An cho năng suất cao hơn mọi năm. Những năm trước, thời điểm này thương lái đã thu mua hoặc đặt cọc hết vườn. Thế nhưng do dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra mà giá rẻ như cho nên các nhà vườn đang điêu đứng.

Ảnh hưởng nCoV 'thủ phủ' thanh long điêu đứng - Ảnh 3.

Do ảnh hưởng của dịch nCoV, tất cả các nhà vườn thanh long ở Long An đang điêu đứng.

Theo các nhà vườn, trước Tết Nguyên đán 2020, thanh long được doanh nghiệp Trung Quốc thu mua với giá 40.000 đồng - 49.000 đồng/kg (loại 1, thu tại vườn là 30.000 đồng/kg); 35.000 đồng/kg (loại 2, thu tại vườn là 25.000 đồng/kg). Thế nhưng, hiện tại giá tại vườn cho thanh long loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg.

Trước Tết Nguyên đán, hai doanh nghiệp lớn của Trung Quốc là Công ty Hồng Thái Dương (đặt mua 300 container) và Công ty Phú Quý (đặt mua 200 container) với giá 40.000 - 50.000 đồng/kg. Thế nhưng, khi các cửa khẩu đồng loạt ngưng thông quan, hai công ty này buộc báo hủy đơn và hứa chỉ hỗ trợ nông dân với giá 4.000 - 5.000 đồng/kg.

Những ngày này theo quan sát của phóng viên ngay từ đầu địa phận huyện Châu Thành (tỉnh Long An), dọc hai bên vỉa hè đã tràn ngập thanh long, ở các nhà vườn dù đã đến ngày thu hoạch nhưng vì không có nơi tiêu thụ các nhà vườn đã để trái rơi vãi thối đầy gốc cây.

Ảnh hưởng nCoV 'thủ phủ' thanh long điêu đứng - Ảnh 4.

Tình cảnh khốn khó khiến người dân thua lỗ nặng nề, nhiều người vay vốn đang lao đao khi lãi ngân hàng đè nặng trên vai

Trò chuyện với phóng viên, chị Nguyễn Thị Hân (nông dân trồng thanh long ở "thủ phủ" thanh long Long An) cho biết: "Để cho ra một quả thanh long chất lượng có thể xuất đi Trung Quốc thì mất rất nhiều công sức cũng như tiền của để chăm bẵm. Bởi nhu cầu tiêu thụ thanh long của người Trung Quốc luôn đòi hỏi mẫu mã đẹp (thường dùng để làm lễ cúng), ngọt và bùi. Để đáp ứng các yêu cầu đó, nguời trồng thanh long đổ tâm huyết vào chăm trồng thôi chưa đủ, mà còn phải đổ tiền của vào để tạo điều kiện tốt nhất cho cây thanh long phát triển.

Vườn nhà tôi có 2500 gốc, trước tết thì giá tôi bán được hơn 30.000 đồng/kg, giờ bệnh dịch cúm nên nhiều thương lái mua với giá 5.000 - 7.000 đồng/kg. Trước tình cảnh này khiến người dân chúng tôi thua lỗ nặng nề, nhiều người vay vốn đang lao đao khi lãi ngân hàng đè nặng trên vai".

Dọc các vỉa hè, nhà dân, gốc vườn đều tràn ngập thanh long.

Trường hợp của chị Hân cũng là tình trạng chung mà hàng trăm hộ dân trồng thanh long tại Long An đang mắc phải. Không chỉ vậy mà còn có các trường hợp thê thảm hơn, đã đến ngày thu hoạch nhưng vì chán nản và không có tiền thuê người hái đành ngậm ngùi nhìn thành quả chăm sóc của mình bao lâu rơi vãi xuống đất rồi thối rửa.

Doanh nghiệp mình phải cứu dân mình

Trước tình trạng "thủ phủ" thanh long đang điêu đứng khiến Chính quyền địa phương và các doanh nghiệp thu mua nông sản tại Long An đứng ngồi không yên.

Ảnh hưởng nCoV 'thủ phủ' thanh long điêu đứng - Ảnh 6.

Ảnh hưởng nCoV 'thủ phủ' thanh long điêu đứng - Ảnh 7.

Doanh nghiệp đứng ra giải cứu thanh long giúp nông dân Long An.

Để giải cứu người dân, nhiều doanh nghiệp chế biến thực phẩm khô và nước trái cây trên địa bàn đã đứng ra thu mua thanh long giúp người dân. Nhưng vì với số lượng quá lớn cần giải cứu nên doanh nghiệp không thể giữ mức giá cũ cho người dân.

Trao đổi với Phóng viên, chị Đỗ Thị Thu Vân (Tổng Giám đốc Công ty CP Sữa Quốc tế P&C - Người đứng ra giải cứu thanh long) cho biết, để giải quyết khó khăn trước mắt cho nguời dân, một tuần nay công ty đã đứng ra thu mua hàng chục tấn thanh long mỗi ngày để sơ chế, đồng thời công ty cho xe chở hàng chục tấn lên TP. Hồ Chí Minh rồi phân công từng nhón nhân viên đứng các điểm trên vỉa hè dọc các đường lớn đông người qua lại để bán với giá chưa đến 10.000 đồng/kg, nhằm giải cứu nông dân.

Mặc dù thanh long trong nhà vẫn tồn động hơn trăm tấn nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn đứng ra thu mua và giải cứu thanh long.

"Hiện nay thanh long còn tồn đọng tại nhà máy hơn 100 tấn, nhưng thấy người nông dân mình khổ quá đành vận động tất cả nhân viên cùng cố gắng hàng ngày về vườn thu mua rồi chở lên thành phố giải cứu giúp người dân. Dù đây là một hành động nhỏ nhưng tôi cũng hy vọng phần nào giúp người nông dân với bớt khó khăn, gánh nặng lãi suất ngân hàng", chị Vân chia sẻ thêm.

Được biết, ngoài công ty của chị Vân, còn nhiều doanh nghiệp khác trên địa bàn như: Thủy Hoàng, Phương Trang, Hồng Nguyên Long... cũng nhận thu mua thanh long giúp người dân với giá 5.000 đồng/kg, cộng thêm tiền hỗ trợ 5.000 đồng/kg.

Ảnh hưởng nCoV 'thủ phủ' thanh long điêu đứng - Ảnh 9.

Một số doanh nghiệp tăng cường sơ chế thanh long để giúp đỡ nông dân tiêu thụ sản phẩm.

Trước thực trạng này, ông Nguyễn Quốc Trịnh - Chủ tịch Hiệp hội thanh long Long An cho biết: "Hiện nay thanh long còn tồn trong kho khoảng 2 .000 đến 3.000 tấn, chuẩn bị cắt lứa tiếp theo khoảng 20.000 đến 30.000 tấn nữa. Trước mắt Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Sở Công Thương đề ra phương án đó là có 3 tập đoàn lớn gồm: BigC, Coopmart, Vinmart sẽ thu mua để bán tại các siêu thị. Thanh long sẽ được 3 tập đoàn này bán ra tại siêu với giá 9.000 đồng - 10.000 đồng/kg, điều này đồng nghĩa với mức giá thu mua tại vườn chỉ ở khoảng 3.000 đồng - 5.000 đồng/kg".