Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Anh, Pháp, Đức bác tuyên bố của Trung Quốc về Biển Đông, Ông Trump rút ngắn khoảng cách với Biden

Anh, Pháp, Đức gửi công hàm chung tới Liên hợp quốc là bước đi rất quan trọng và tích cực, cho rằng tuyên bố đòi hỏi chủ quyền lịch sử của Trung Quốc đối với hầu hết Biển Đông là vi phạm UNCLOS. Trong khi đó, theo kết quả cuộc thăm dò mới đây, 47% cử tri có thể đi bầu cho biết sẽ bỏ phiếu cho ông Joe Biden nếu như cuộc bầu cử diễn ra tại thời điểm thăm dò, trong khi tỷ lệ cử tri bỏ phiếu cho ông Trump là 45%.

Thông tin trên Vietnamplus cho thấy, báo Tin tức Séc (novinky.cz) mới đây đăng bài viết của nhà báo Séc Alex Svemberg, chuyên gia bình luận các vấn đề an ninh quốc tế đề cập diễn biến đáng chú ý thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế, nhất là tại châu Âu, liên quan tới việc ba nước Anh, Pháp, Đức mới đây gửi công hàm chung tới Liên hợp quốc bác bỏ tuyên bố đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông.

Anh, Pháp, Đức bác tuyên bố của Trung Quốc về Biển Đông, Ông Trump rút ngắn khoảng cách với Biden - Ảnh 1.

Hoạt động bồi lấp, xây dựng đảo trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông. (Nguồn: Reuters)

Bài viết nhấn mạnh quan điểm của các nước châu Âu là giải quyết các vấn đề trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS).

Bài viết dẫn lời bình luận của chuyên gia luật pháp quốc tế Jonathan Odom cho rằng, việc ba nước giữ vị trí quan trọng ở châu Âu gồm Anh, Pháp, Đức gửi công hàm chung tới Liên hợp quốc là bước đi rất quan trọng và tích cực, cho rằng tuyên bố đòi hỏi chủ quyền lịch sử của Trung Quốc đối với hầu hết Biển Đông là vi phạm UNCLOS.

Ba quốc gia đều là thành viên của UNCLOS và trước đây đã thể hiện lập trường chung trong vấn đề Biển Đông thông qua việc đưa ra một một tuyên bố chung bày tỏ quan ngại về diễn biến căng thẳng khu vực vào năm 2019.

Việc lần đầu tiên ba nước gửi một công hàm chi tiết dài hai trang tới Liên hợp quốc về chủ đề liên quan tới tình hình trên Biển Đông cho thấy có sự điều chỉnh quan trọng về lập trường đối với vấn đề này.

Theo bài viết, cách đây bốn năm, Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc (PCA) ở La Haye đã ra phán quyết về vụ kiện Trung Quốc của Philippines, trong đó khẳng định tuyên bố chủ quyền lịch sử của Trung Quốc đối với Biển Đông là trái với luật pháp quốc tế. Nội dung công hàm của Anh, Đức, Pháp gửi Liên hợp quốc đã nhắc lại điều này.

Trong công hàm, ba nước trên đã tuyên bố việc đòi hỏi thực thi quyền lịch sử ở Biển Đông là trái với luật pháp quốc tế và các điều khoản của UNCLOS, đồng thời nhấn mạnh phán quyết của Tòa PCA ngày 12/7/2016 đã khẳng định điều này.

Việc các nước gửi công hàm tới Liên hợp quốc đã nhận được sự hoan nghênh của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ngoại trưởng Mỹ đã nhấn mạnh Trung Quốc phải tuân thủ tất cả các công ước quốc tế.

Đáng chú ý, mức độ quan tâm của ba cường quốc châu Âu đối với khu vực không chỉ dừng lại ở ngôn từ mà còn bằng hành động cụ thể. Trong năm 2020, Pháp đã triển khai hoạt động đảm bảo tự do hàng hải FONOP ở khu vực, trong khi Anh cam kết sẽ triển khai một tàu khu trục HMS Queen Elizabeth tới Biển Đông vào năm 2021. Đức cũng đang tính toán cách thức triển khai hoạt động trong khu vực.

Theo quan điểm của nhiều nước châu Âu, các vấn đề liên quan trên Biển Đông cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở các nguyên tắc và quy định của UNCLOS.

Anh, Pháp, Đức bác tuyên bố của Trung Quốc về Biển Đông, Ông Trump rút ngắn khoảng cách với Biden - Ảnh 2.

Ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ Joe Biden (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải). (Ảnh: AP/TTXVN)

Trong một bài viết khác trên Vietnamplus cho hay, theo kết quả một cuộc thăm dò công bố ngày 28/9, một ngày trước khi diễn ra cuộc tranh luận quan trọng đầu tiên trong quy trình bầu cử giữa hai ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ, Tổng thống Donald Trump đã rút ngắn được khoảng cách với ứng cử viên Joe Biden.

Kết quả cuộc thăm dò mới do Harvard CAPS/Harris thực hiện cho thấy 47% cử có thể đi bầu cho biết sẽ bỏ phiếu cho cựu Phó Tổng thống Joe Biden nếu như cuộc bầu cử diễn ra tại thời điểm thăm dò, trong khi tỷ lệ cử tri bỏ phiếu cho Tổng thống Trump là 45%.

Với kết quả này, Tổng thống Trump đã cải thiện được 3 điểm, đồng thời rút ngắn được 2 điểm khoảng cách với ông Biden so với kết quả cuộc thăm dò trong tháng Tám.

Ứng cử viên Biden cũng dẫn trước Tổng thống Trump với nhóm cử cư chưa chắc chắn sẽ bỏ phiếu cho ai với 52% nghiêng về ủng hộ ông Biden, trong khi 48% nghiêng về Tổng thống Trump. Tỷ lệ khoảng cách này cũng được rút ngắn 2 điểm khi nền kinh tế được cải thiện với tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống dưới 2 con số và tình hình bất ổn được kiểm soát.

Ngoài ra, cuộc khảo sát cũng cho biết tỷ lệ người yêu thích cá nhân ông Biden là 44% trong khi ông Trump nhân được 33%.

Trong một cuộc thăm dò khác tại bang dao động Bắc Carolina, Tổng thống Trump đã vươn lên bám sát ông Biden ở nhóm các cử tri độc lập. Đây là bang gần như buộc ông Trump phải giành chiến thắng.

Cuộc thăm dò do Đại học Meredith tiến hành cho thấy cựu Phó tổng thống Biden nhận được sự ủng hộ từ 45,7% số cử tri có khả năng đi bỏ phiếu, còn Tổng thống Trump giành được 45,4%.

Theo giám đốc cuộc thăm dò, bang Bắc Carolina đang định hình trở thành chiến trường quan trọng. Mặc dù Tổng thống Trump đã đạt được sự ủng hộ của các nhóm quan trọng như cử tri gốc Tây Ban Nha, nhưng vẫn bị ông Biden dẫn trước ở nhóm cử tri ngoại ô và cử tri phụ nữ, hai nhóm sẽ quyết định kết quả của cuộc đua tổng thống ở Bắc Carolina.

Bắc Carolina cũng là bang diễn ra cuộc đua quyết liệt vào Thượng viện có thể quyết định thế đa số tiếp theo tại cơ quan này. Cuộc thăm dò cho thấy ứng viên Cal Cunningham đang dẫn trước Thượng nghị sỹ Cộng hòa đương nhiệm Thom Tillis với tỷ lệ 43,1% đến 41,8%.

Kết quả cuộc thăm dò được đưa ra một ngày trước cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai ứng cử viên tổng thống, diễn tại thành phố Cleveland, bang Ohio.

Theo nhận định, cuộc tranh luận này có thể thu hút nhiều sự quan tâm của cử tri Mỹ so với cuộc tranh luận năm 2016 bởi nó có thể dẫn tới sự thay đổi trong quan điểm của các cử tri dao động và có tác động lớn tới kết quả của cuộc bầu cử diễn ra ngày 3/11.

Sau cuộc tranh luật đầu tiên, hai cuộc tranh luận giữa Tổng thống Trump và ông Biden sẽ diễn ra 15/10 và 22/10.