Quay lại Dân trí
Dân Sinh

ASEAN chuẩn bị nguồn nhân lực để phát triển bền vững, thịnh vượng

(Dân sinh) - Tuyên bố chung ASEAN về "Phát triển nguồn nhân lực cho một thế giới công việc đang đổi thay” là sáng kiến của Việt Nam, đồng thời cũng là kết quả nổi bật của Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 vừa qua, liên quan tới các hoạt động của trụ cột Văn hóa- Xã hội ASEAN. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trước những cơ hội và thách thức về lao động, việc làm mà khoa học công nghệ mang lại, ASEAN cần phải chuẩn bị nguồn nhân lực để có thể phát triển bền vững, thịnh vượng trong tương lai.

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 diễn ra cuối tháng 6 vừa qua, Lãnh đạo các nước ASEAN đánh giá cao vai trò dẫn dắt và sự năng động của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020.

Đặc biệt, tại Hội nghị này, Việt Nam (hay cụ thể, là Bộ LĐ-TB&XH) đã đưa ra 2 sáng kiến quan trọng về: "Tuyên bố ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực cho một thế giới công việc đang đổi thay"; và đưa Phiên thảo luận về bình đẳng giới vào khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN với chủ đề "Tăng quyền năng cho phụ nữ trong kỷ nguyên số" với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

ASEAN chuẩn bị nguồn nhân lực để phát triển bền vững, thịnh vượng  - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 chủ trì Phiên họp đặc biệt trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN 36


Tuyên bố chung về nhân lực: Kết quả nổi bật của Hội nghị cấp cao

Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 với chủ đề ASEAN "Gắn kết và chủ động thích ứng", đã chứng kiến các nhà lãnh đạo thảo luận hàng loạt vấn đề mà khu vực quan tâm, trong đó trọng tâm là tìm kiếm các giải pháp để phục hồi nền kinh tế sau đại dịch.

Đây là Hội nghị cấp cao chính thức đầu tiên của năm Chủ tịch trong năm 2020 và được tổ chức trực tuyến, truyền đi một thông điệp rõ ràng, ASEAN đã đoàn kết, gắn bó vượt qua nhiều thời điểm khó khăn trước kia, cùng chung tay ứng phó thành công trước dịch bệnh, và tiếp tục thích ứng, thay đổi bắt kịp các yêu cầu của hoàn cảnh mới để hướng đến cộng đồng khu vực vững mạnh và cùng phát triển.

ASEAN gắn kết, đem lại nhiều lợi ích hơn cho mọi người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau. Đó là cam kết của các nhà lãnh đạo khi xây dựng cộng đồng Văn hóa Xã hội ASEAN. Những cơ chế hợp tác, giao lưu văn hóa, hỗ trợ nhân đạo kết nối con người được thúc đẩy.

Và đáng chú ý, với sáng kiến của Việt Nam, các nhà lãnh đạo đã thông qua tuyên bố chung về phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh thế giới việc làm đang thay đổi.

Tuyên bố chung về phát triển nhân lực đáp ứng yêu cầu thay đổi công việc, việc làm, cũng là kết quả nổi bật của Hội nghị cấp cao liên quan tới các hoạt động của trụ cột Văn hóa- Xã hội ASEAN.

Ngay sau khi kết thúc Hội nghị, trao đổi với báo chí về sáng kiến này của Việt Nam, Bộ trưởng Lao động – TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, trước những cơ hội và thách thức về lao động, việc làm mà khoa học công nghệ mang lại, ASEAN cần phải chuẩn bị nguồn nhân lực để có thể phát triển bền vững, thịnh vượng trong tương lai.

"Vấn đề nhân lực luôn là nội dung và chiến lược của các quốc gia, nhất là trong bối cảnh CMCN 4.0, và kỷ nguyên công nghệ số, và gần đây trước tác động lớn của đại dịch Covid-19, các quốc gia càng quan tâm phát triển nhân lực.", Bộ trưởng cho biết.

Nhất là trong khoảng 10 - 15 năm nữa thôi, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin, dự báo có khoảng 30% các công việc hiện tại không còn tồn tại nữa, được thay thế bằng robot và các công nghệ mới.

Thứ 2 là khoảng 40% các ngành nghề mà người lao động không có kỹ năng sẽ không còn phù hợp trong kỷ nguyên công nghệ số.

ASEAN chuẩn bị nguồn nhân lực để phát triển bền vững, thịnh vượng  - Ảnh 2.

Đoàn Việt Nam tại Kỳ thi Kỹ năng nghề ASEAN lần thứ 12/2018 tại Thái Lan

"Trước tình hình đó, rồi vấn đề lao động di cư, dịch chuyển lao động đòi hỏi chúng ta phải rất quan tâm đến phát triển nhân lực, để thích ứng với thị trường, với sự chuyển đổi này…", người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH nói.

Việt Nam: phát triển nhân lực là một trong ba khâu đột phá

Do đó, theo Bộ trưởng, các quốc gia ASEAN phải có sự hợp tác, phối hợp và đưa ra tuyên bố chung để cùng nhau chung sức, cùng phát triển nhân lực đáp ứng thực tiễn này.

"Tuyên bố này theo chúng tôi là rất quan trọng, nhằm thực hiện cam kết chung của các nhà lãnh đạo cấp cao ASEAN, nhằm hướng tới mục tiêu chung vì người dân và lấy người dân làm mục tiêu, làm động lực để hướng tới", Bộ trưởng nhấn mạnh.

"Vấn đề nhân lực luôn là nội dung và chiến lược của các quốc gia, nhất là trong bối cảnh CMCN 4.0, và kỷ nguyên công nghệ số.

Và gần đây trước tác động lớn của đại dịch Covid-19, các quốc gia càng đặc biệt quan tâm phát triển nguồn nhân lực", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Đồng thời, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Tuyên bố chung tập trung vào 4 vấn đề lớn.

Trước hết đưa ra định hướng chung trong các nước ASEAN là để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động;

Thứ hai, là tập trung phát triển theo hướng bao trùm, bền vững, trong đó lấy người lao động và người dân làm trung tâm để tạo ra mỗi người lao động đều có kỹ năng lao động thích ứng, và có việc làm thỏa đáng, để có nền an sinh bền vững.

Thứ ba, nhằm hình thành khung trình độ chung của mỗi quốc gia, trên cơ sở đó hình thành quỹ để hỗ trợ, phát triển- là quỹ chung của các quốc gia, trên cơ sở vừa có sự hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp, người lao động để hình thành quỹ phát triển này;

Thứ tư, gắn kết giữa: kỹ năng - thị trường lao động - việc làm, để tạo ra khuôn khổ hình thành đồng bộ trong lực lượng dịch chuyển thể nhân khối ASEAN.

Bộ LĐ-TB&XH đã trực tiếp đề xuất sáng kiến này, vì thế, cho biết cụ thể thời gian tới để đẩy mạnh nguồn nhân lực, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, Việt Nam coi phát triển nguồn nhân lực là một trong ba khâu đột phá, và Chính phủ cũng đã quyết định sẽ xây dựng chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam trong giia đoạn 2021- 2030 trong đó GDNN, giáo dục kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực "phải coi đây là một hướng ưu tiên tập trung".

Đi liền với mặt bằng chung, thì phải tập trung tạo được lực lượng phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao.

Đối với Giáo dục nghề nghiệp phải lấy 3 khâu đột phá, trong đó: Tập trung phát triển tự chủ; Kết nối giữa doanh nghiệp – người lao động, giữa doanh nghiệp với Nhà nước, hình thành 3 chân vạc này để cùng hỗ trợ cho người lao động; 

Đồng thời, tập trung đào tạo và đào tạo lại lực lượng lao động thích ứng sự chuyển đổi của công nghệ số và các tác động đại dịch và thay đổi mô hình sản xuất thời gian tới.

ASEAN chuẩn bị nguồn nhân lực để phát triển bền vững, thịnh vượng  - Ảnh 4.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cùng các đại biểu Quốc hội trao đổi các vấn đề về bình đẳng giới với các nữ đại biểu bên hành lang Quốc hội

Hành động để giải phóng tiềm năng của phụ nữ ASEAN

Cũng trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN 36, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 chủ trì Phiên họp đặc biệt của các Nhà Lãnh đạo ASEAN về "Tăng quyền năng cho phụ nữ trong kỷ nguyên số".

Đây cũng là sáng kiến quan trọng của Việt Nam, lần đầu tiên được đưa vào khuôn khổ Hội nghị cấp cao lần thứ 36.

Phiên họp cấp cao đặc biệt này cũng là một hoạt động nhằm kỷ niệm 110 năm Ngày quốc tế Phụ nữ, 45 năm thành lập Ủy ban ASEAN về Phụ nữ, 25 năm thông qua Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh về bình đẳng giới và 20 năm thông qua Nghị quyết 1325 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh.

Phiên họp này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, khẳng định cam kết mạnh mẽ ở cấp cao của ASEAN trong thực hiện đầy đủ và hiệu quả các mục tiêu đề ra trong Cương lĩnh Bắc Kinh, cũng như thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế-xã hội và hợp tác ASEAN.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc – Chủ tịch ASEAN 2020 tại phiên họp nêu rõ, các nước ASEAN luôn tự hào về những tấm gương phụ nữ đã dũng cảm, hy sinh cống hiến cho hòa bình, độc lập và nỗ lực to lớn cho xây dựng đất nước phồn vinh.

Thủ tướng nhấn mạnh: "Chúng ta cần hành động để giải phóng tiềm năng của phụ nữ, tạo điều kiện để họ phát huy được các thế mạnh, đóng góp tích cực cho tiến trình phát triển của mỗi quốc gia và Cộng đồng ASEAN, đặc biệt trong kỷ nguyên số hiện nay".

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 và cuộc CMCN 4.0 đang đặt ra nhiều thách thức đối với phụ nữ.

Là Chủ tịch ASEAN 2020, Thủ tướng khẳng định, Việt Nam ưu tiên thực hiện đồng bộ các cam kết, chương trình, kế hoạch tổng thể gắn kết các cơ chế về phụ nữ, thiết thực hiện thực hóa Cộng đồng ASEAN hướng đến người dân và lấy người dân làm trung tâm. Thúc đẩy vai trò của phụ nữ trước những chuyển đổi của thời đại số.

Đặc biệt, tại phiên họp này, Chủ tịch Quốc hội- Chủ tịch Đại Hội đồng liên Nghị viện ASEAN (AIPA 41) Nguyễn Thị Kim Ngân đã có bài phát biểu về chủ đề "Hành động mạnh mẽ hơn vì sự tham gia của phụ nữ trong vai trò lãnh đạo chính trị trong một thế giới biến động và bất ổn".

Bà Ngân cho biết, ở Việt Nam, thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ luôn là chính sách nhất quán và xuyên suốt của Nhà nước…

Để làm rõ, viện dẫn trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND đã ấn định tỷ lệ nữ tối thiểu là ứng cử viên đại biểu dân cử, bà Ngân cho biết, nhờ vậy mà Quốc hội Khóa XIV đương nhiệm của Việt Nam có 26,72% đại biểu là nữ - một tỷ lệ được đánh giá là khá cao so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

"Nhiều phụ nữ Việt Nam đã giữ các cương vị quan trọng trong hệ thống chính trị, trong lĩnh vực kinh tế, khoa học và nhiều người đi đầu trong đổi mới, sáng tạo", bà Ngân cho biết.

Chủ tịch Quốc hội mong muốn, ASEAN tiếp tục có những sáng kiến thiết thực nhằm trao quyền cho phụ nữ và tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị, phù hợp với xu thế phát triển và tiến bộ của thế giới. 

Bà Ngân tin tưởng rằng, ASEAN sẽ tiếp tục tận dụng lợi thế là khu vực có tốc độ tăng trưởng Internet nhanh của thế giới để nâng cao vị thế của người phụ nữ, nhất là vai trò của phụ nữ lãnh đạo, góp phần bảo đảm bình đẳng giới.

Việt Nam: Tích cực, tiên phong trong lĩnh vực bình đẳng giới

Trao đổi bên lề Phiên họp đặc biệt này, một số đại biểu cho rằng đây là dịp để các nhà Lãnh đạo ASEAN thể hiện cam kết ở mức cao đối với vấn đề bình đẳng giới, và trao quyền cho phụ nữ trong thời đại số.

Là Chủ tịch ASEAN 2020, Thủ tướng khẳng định, Việt Nam ưu tiên thực hiện đồng bộ các cam kết, chương trình, kế hoạch tổng thể gắn kết các cơ chế về phụ nữ, thiết thực hiện thực hóa Cộng đồng ASEAN hướng đến người dân và lấy người dân làm trung tâm. Thúc đẩy vai trò của phụ nữ trước những chuyển đổi của thời đại số.

Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga Cố vấn cao cấp Ban Thư ký quốc gia ASEAN 2020, đại diện Việt Nam tại Nhóm Phụ nữ ASEAN vì hòa bình khẳng định: "Việt Nam là nước tích cực và tiên phong trong lĩnh vực bình đẳng giới, đặc biệt về mặt chính sách và khuôn khổ chính sách".

Cho biết đây là cuộc họp đầu tiên, cấp cao nhất của các nhà Lãnh đạo ASEAN về vấn đề bình đẳng giới trong khu vực hiện nay và là sáng kiến nổi bật của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga khẳng định, trước sự quan tâm rộng rãi của các nước trong khu vực và trên thế giới, phiên họp đã thể hiện quyết tâm, thông điệp rõ ràng trong việc thực hiện cam kết tiên phong, ủng hộ đi đầu của Việt Nam nói riêng, các nước ASEAN nói chung trong thúc đẩy hợp tác đa phương và chủ nghĩa đa phương về vấn đề thúc đẩy bình đẳng giới.

Đánh giá về sáng kiến của Việt Nam đưa nội dung tăng quyền năng cho phụ nữ trong thời đại số vào Phiên họp đặc biệt của Hội nghị Cấp cao ASEAN, theo Chủ nhiệm UBCVĐXH của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, đây là cơ hội để đánh giá thành tựu về bình đẳng giới nói chung và việc trao quyền năng cho phụ nữ nói riêng.

Bởi theo bà Thúy Anh, công nghệ số đang tác động, ảnh hưởng đến phụ nữ, trong đó tạo ra không ít những cơ hội, thách thức cần đưa ra giải pháp trong thời gian tới.

Còn nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh cho rằng, xuyên suốt quá trình chuẩn bị đảm nhận vai trò tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN 36, Việt Nam đã có cơ chế tham vấn sâu rộng từ rất sớm và đã thống nhất chung về các ưu tiên cũng như trọng tâm của ASEAN cho năm 2020.

"Dịp này, Cấp cao ASEAN bàn về vai trò phụ nữ và bình đẳng giới là một bộ phận của nghị sự chung đó, là một động lực trong xây dựng cộng đồng ASEAN, trên tất cả các trụ cột của cộng đồng về chính trị-an ninh, kinh tế, văn hoá-xã hội, cũng như trong hợp tác quốc tế", ông Vinh nói.

"Vào thời điểm này, khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc tổ chức phiên thảo luận về bình đẳng giới cho thấy Việt Nam vừa xử lý vấn đề cấp bách, vừa có thể duy trì được các chương trình, hoạt động đã đề ra cho năm 2020", ông Vinh nhìn nhận.