Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Ba định hướng lớn của ngành LĐ-TB&XH trong năm 2020

(Dân sinh) - Những tác động của Bộ luật Lao động, vấn đề giảm nghèo và định hướng trong công tác xuất khẩu lao động thời gian tới đã được Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung đề cập với báo chí.

Không để tình trạng “Luật chờ Nghị định”

Năm 2021, khi Bộ luật Lao động có hiệu lực sẽ tác động sâu rộng đến các tầng lớp xã hội, góp phần cải thiện điều kiện làm việc, các tiêu chuẩn lao động, bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ giữa các bên trong quan hệ lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khi trả lời phỏng vấn TTXVN dịp năm mới Canh Tý 2020.

Bộ luật Lao động được thông qua là một quyết sách với tầm nhìn dài, có tính chất chiến lược của Đảng, Nhà nước ta, nhất là đối với những vấn đề như điều chỉnh tiền lương tối thiểu; phát triển các tổ chức bên cạnh tổ chức Công đoàn tại doanh nghiệp; điều chỉnh, nâng dần tuổi nghỉ hưu để thích ứng với các thách thức mới trong thời gian tới đang đặt ra.

Ngay từ khi bắt tay vào xây dựng Bộ luật quan trọng này, Bộ LĐ-TB&XH đã chủ động chuẩn bị kế hoạch, các dự thảo nghị định kèm theo để triển khai đồng bộ, khắc phục bằng được tình trạng “Luật chờ Nghị định”.

Từ ngày 1/1/2021 khi Bộ luật Lao động có hiệu lực, tất cả văn bản quy phạm pháp luật liên quan, gồm 14 Nghị định, 1 Quyết định của Thủ tướng và 8 Thông tư của Bộ trưởng, sẽ đồng thời có hiệu lực.

Giảm nghèo cần tư duy mới

Với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, năm 2020, công tác giảm nghèo bền vững với các hộ nghèo, hộ chính sách không có điều kiện và khả năng thoát nghèo sẽ được Bộ LĐT&XH tiếp tục triển khai quyết liệt.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng công tác này vẫn đặt ra rất nhiều thách thức; không phải ngày một, ngày hai và phải xác định ngày càng khó hơn. Nhưng không vì thế mà chúng ta lùi bước mà phải quyết liệt thực hiện với tư tưởng chỉ có giảm nghèo bền vững, đời sống của người dân mới được nâng cao, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo mới giảm đi. Chỉ khi đó, chúng ta mới phát triển toàn diện và bao trùm để “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Với phương châm nói trên, chắc chắn năm 2020 công tác giảm nghèo phải có một tư duy mới. Trước hết, phải xây dựng một chuẩn nghèo mới cho giai đoạn 2021 - 2025 trên cơ sở kế thừa những kinh nghiệm, thành công của nhiệm kỳ này (bao gồm về thu nhập, về các tiêu chí vệ sinh, nước sạch, thông tin, giáo dục…). Tách những nơi, những khu vực và những người có khả năng thoát nghèo để chuyển sang hỗ trợ có điều kiện, không bao cấp hay cho không nhưng sẽ tạo cơ chế tốt nhất để vùng đó, người đó thoát nghèo.

Với những người không có khả năng thoát nghèo do hoàn cảnh, sức khoẻ… sẽ chuyển mạnh sang hỗ trợ, bảo trợ xã hội theo cách để họ vừa được thụ hưởng chính sách bảo trợ hơn mức bình thường vừa có biện pháp khuyến khích để không ỉ lại.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, với tinh thần đó, năm 2020 sẽ là năm khởi động chương trình giảm nghèo với tiêu chí giảm nghèo cao hơn, kể cả địa phương, đối tượng, vùng miền, từ đó thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới, cải thiện đời sống nhân dân.

Lựa chọn địa bàn tiềm năng cho xuất khẩu lao động

Với lĩnh vực xuất khẩu lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết thời gian tới nhất thiết chúng ta chỉ ưu tiên lựa chọn những địa bàn tiềm năng, địa bàn bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Đồng thời lao động Việt Nam phải đảm bảo về kỹ năng, được nâng cao về chuyên môn, ngoại ngữ. Chúng ta chỉ lựa chọn những địa bàn có chiều hướng tốt, trong đó ưu tiên khu vực châu Âu, Nhật Bản, Đức, Romania, Séc, Hungaria.

Bên cạnh đó, chúng ta phối hợp với các doanh nghiệp trong nước, nước ngoài để tập trung vào việc đào tạo đầy đủ kỹ năng cho người lao động trước khi đi và bảo đảm được việc người lao động khi làm việc ở nước ngoài có đầy đủ chế độ chính sách. Khi về nước họ sẽ phục vụ đất nước với một tâm thế, kỹ năng lao động, ý thức tổ chức kỷ luật tốt và có nguồn vốn nhất định để khởi nghiệp.