Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Bà Rịa - Vũng Tàu đang 'khát' nguồn lao động ngành chế biến và may mặc

(Dân sinh) - Do sự khan hiếm nguồn lao động là người địa phương và số lao động ở ngoài vào thị trường lao động tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giảm so với các năm trước nên dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn lao động không đủ để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trên địa bàn.

Thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng tàu, trong năm 2019, tỉnh đã đã tổ chức tư vấn về việc làm, học nghề và chính sách chế độ lao động cho 97.790 lượt lao động.

Số người được giới thiệu việc làm tại chỗ là 4.224 lao động, 110 người đã được xuất khẩu lao động ở các thị trường nước ngoài như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…

Bên cạnh đó Sở đã cấp 710 giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh (427 cấp mới và 283 cấp lại). Ban hành Quyết định trợ cấp thất nghiệp cho 15.776 người lao động với số kinh phí trợ cấp là 285.450 triệu đồng. Thu thập, lưu trữ và cập nhật thông tin thị trường lao động của 258.625 hộ gia đình và 2.500 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Các doanh nghiệp tại Bà Rịa - Vũng Tàu đang 'khát' nguồn lao động - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp thiếu nguồn lao động chế biến thủy hải sản...

Trao đổi với phóng viên báo Lao động và Xã hội (báo điện tử Dân sinh) xoay quanh vấn đề lao động và việc làm trên địa bàn tỉnh bà Rịa - Vũng tàu, ông Phạm Quang Việt, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, trong năm qua công tác giới thiệu việc làm luôn được Trung tâm chú trọng, luôn sử dụng nhiều kênh để đưa thông tin vị trí việc làm đến người lao động, số người lao động đến với Trung tâm ngày càng đông, công tác giới thiệu việc làm ngày càng hiệu quả.

Đặc biệt là công tác giới thiệu việc làm cho người lao động đang thất nghiệp, bằng nhiều giải pháp Trung tâm đã đưa họ sớm quay trở lại với thị trường lao động. Cụ thể trong năm 2019 Trung tâm đã giới thiệu việc làm cho 623 người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp. Công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho 571 lao động.

Tuy nhiên cũng theo ông Việt, tình trạng đáng buồn là hiện nay nguồn nhân lực lao động trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp. Một thực trạng nữa là công tác điều tra cung - cầu lao động chưa được sự quan tâm đúng mức.

Dẫn chứng là tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn khoảng hơn 13.000 nhưng trong năm qua chỉ mới điều tra cung cầu được 2.500 doanh nghiệp.

Đó chỉ là một trong những nguyên nhân nhỏ dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn lao động, nguyên nhân chính là do sự khan hiếm nguồn lao động địa phương. Bên cạnh đó số người lao động nhập cư từ ngoài vào trong tỉnh giảm mạnh so với các năm trước dân đến tình trạng thiếu hụt nguồn lao động cung ứng cho các doanh nghiệp.

"Phần lớn hiện nay các doanh nghiệp trên địa bàn đang có nhu cầu tuyển dụng với số lượng lớn là công nhân kỹ thuật và lao động giản đơn chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực chế biến, may mặc…nhưng người lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm thuộc những nhóm ngành nghề này lại rất ít", ông Việt cho biết.

Ông Hoàng Xuân Diệu, Trưởng Phòng Nhân sự Công ty LT Garments cho biết, công ty này đang cần tuyển 1.000 công nhân may có tay nghề và 300 công nhân chưa có tay nghề.

Các doanh nghiệp tại Bà Rịa - Vũng Tàu đang 'khát' nguồn lao động - Ảnh 2.

Số người tìm việc trong nhóm ngành may mặc và chế biến rất ít.

Tuy nhiên, trong thời gian dài tuyển dụng công ty chỉ tuyển được khoảng 300 công nhân. Để thu hút lao động, ngoài mức lương từ 6-8 triệu đồng/tháng, công ty còn đưa ra nhiều chế độ ưu đãi như: thưởng năng suất, thưởng chuyên cần, hỗ trợ tiền đi lại, tăng tiền ăn ca lên 22 ngàn đồng/suất… Công nhân chưa biết nghề trong thời gian đào tạo vẫn được trả lương 5 triệu đồng/tháng.

"Chúng tôi đang lo trong thời gian tới sẽ càng khó tuyển người hơn do lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm ở nhóm ngành này đang rất ít", ông Diệu lo lắng.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn giải "cơn khát" lao động, ông Phạm Quang Việt, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Bà Rịa - Vũng Tàu cho hay, trong năm 2020 này Trung tâm đặt mục tiêu giải quyết việc làm ít nhất cho 800 lao động và sẽ tăng cường phối hợp với các ban, ngành và các phường, xã tăng cường thông tin rộng rãi nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp đến người lao động.

"Mong là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có biện pháp mạnh đối với những doanh nghiệp không chấp hành việc thực hiện báo cáo biến động lao động hàng tháng cho Trung tâm theo quy định. Đồng thời Sở cần xem xét, đề xuất với UBND tỉnh có sự điều chỉnh hợp lý với tình hình hiện nay về hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp, đặc biệt là ngành nghề may mặc", ông Việt kiến nghị.