Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Bắc Giang cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính tri ân người có công

Chăm lo người có công (NCC) là chính sách lớn luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này, thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Giang đã tích cực rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), nỗ lực trả trước và đúng hạn các hồ sơ liên quan, tạo điều kiện để NCC, thân nhân của họ kịp thời hưởng chính sách.

Tỷ lệ trả kết quả trước hạn đạt cao

Đất nước có được độc lập, tự do như hôm nay là nhờ công lao to lớn, sự mất mát, hy sinh của những người con quê hương Bắc Giang. Chiến tranh qua đi nhưng vết thương để lại vẫn còn mãi. Với hơn 159,8 nghìn hồ sơ đối tượng NCC đang quản lý, những năm qua, ngành LĐ-TB&XH trong tỉnh tích cực thực hiện nhiệm vụ, giải quyết tốt chế độ chính sách đối với NCC và thân nhân của họ, bảo đảm đúng quy định, kịp thời.

Empty

Nhờ số hóa thông tin hồ sơ người có công nên cán bộ chuyên môn dễ dàng tra cứu thông tin, giải quyết thủ tục hành chính.

Qua đó thiết thực thể hiện sự tri ân với những người đã cống hiến tuổi xuân, tính mạng cho Tổ quốc. Thống kê từ Phòng NCC, Sở LĐ-TB&XH Bắc Giang, giai đoạn 2013-2021, toàn tỉnh đã giải quyết chế độ điều dưỡng cho hơn 95 nghìn lượt người; tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp, đổi lại hơn 5 nghìn Bằng "Tổ quốc ghi công" bị hư hỏng, thất lạc; hơn 20 nghìn lượt NCC được giải quyết mai táng phí và trợ cấp một lần.

Cùng đó cấp hơn 100 nghìn thẻ BHYT cho NCC, thân nhân của họ và các đối tượng khác theo quy định của Thủ tướng Chính phủ... Công tác giải quyết các chế độ, chính sách và chi trả trợ cấp hằng tháng, một lần cho đối tượng NCC và thân nhân của họ được thực hiện bảo đảm đúng, đủ, kịp thời.

Bà Nguyễn Thị Quyên, Phó Chánh Văn phòng Sở LĐ-TB&XH cho biết: Hiện tổng số TTHC lĩnh vực NCC thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị là 52 thủ tục. Trên cơ sở quy định của Chính phủ và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, hằng năm, Sở chỉ đạo các phòng, đơn vị rà soát TTHC hoặc nhóm TTHC đang có hiệu lực thi hành, lượng phát sinh hồ sơ nhiều, quá trình thực hiện còn vướng mắc để tham mưu phương án đơn giản hóa, cắt giảm thời gian giải quyết.

Giai đoạn năm 2016 - 2020, Sở đã thực hiện cắt giảm thời gian giải quyết của 17 TTHC liên thông 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) và 2 TTHC liên thông 2 cấp (tỉnh, huyện) thuộc lĩnh vực NCC. Riêng từ năm 2021 đến nay, qua rà soát, Sở đã đề xuất và được Chủ tịch UBND, UBND tỉnh ủy quyền giải quyết đối với 6 TTHC lĩnh vực NCC, tạo thuận lợi tối đa cho người dân khi giao dịch.

Đơn cử như thủ tục “Giải quyết chế độ trợ cấp một lần đối với người được cử làm chuyên gia sang giúp Lào, Campuchia” và thủ tục “Hưởng chế độ trợ cấp một lần đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 09/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ”.

Trước đây thẩm quyền giải quyết 2 thủ tục trên là Chủ tịch UBND tỉnh, có thời hạn giải quyết cấp tỉnh là 10 ngày làm việc. Hiện nay, sau khi được ủy quyền quyết định cho Giám đốc Sở thì thời gian giải quyết giảm còn 5 ngày làm việc.

Đến làm thủ tục cấp giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ và trợ cấp một lần, ông Nguyễn Văn Sở, xã Tân Tiến (TP Bắc Giang) rất nhanh đã có kết quả. Được biết ông Sở là em trai liệt sĩ Nguyễn Văn Gắm, ông đến làm thủ tục ngày 28/4/2022 và nhận kết quả sớm hơn phiếu hẹn 5 ngày làm việc.

“Cán bộ tận tình hướng dẫn, thời gian giải quyết nhanh, rất thuận lợi cho người dân”, ông Sở chia sẻ. Thống kê của Sở LĐTB&XH, 5 tháng đầu năm nay, đơn vị đã giải quyết gần 2,5 nghìn hồ sơ TTHC liên quan đến chế độ chính sách đối với NCC và thân nhân của họ. Trong đó trả trước hạn 2,1 nghìn hồ sơ (chiếm tỷ lệ 84%), còn lại đang giải quyết.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, liên thông hiệu quả

Xác định công nghệ thông tin là nền tảng quan trọng trong quá trình chuyển đổi số, Sở LĐ-TB&XH bố trí trang thiết bị, nâng cao năng lực cán bộ chuyên môn; duy trì hiệu quả hoạt động của các ứng dụng chuyên ngành như phần mềm quản lý hồ sơ NCC; quản lý mộ liệt sĩ. Hồ sơ NCC là chứng từ quan trọng, có giá trị vĩnh viễn, là cơ sở để giải quyết chế độ ưu đãi đòi hỏi phải được lưu giữ, bảo quản cẩn trọng nên từ năm 2015, Sở đã đầu tư xây dựng phần mềm quản lý hồ sơ NCC và đưa vào sử dụng tháng 8/2016.

Hiện thông tin của hàng trăm nghìn hồ sơ NCC đã được cập nhật đầy đủ trên hệ thống, đồng bộ hóa dữ liệu với kho lưu trữ và phân cấp quản lý đến các xã, phường, thị trấn. Trên nền tảng hồ sơ đã được cập nhật vào phần mềm, hiện Sở đang tiến hành số hóa dữ liệu, thành phần hồ sơ của NCC trong tỉnh.

Thống kê của Sở LĐTB&XH, 5 tháng đầu năm nay, đơn vị đã giải quyết gần 2,5 nghìn hồ sơ TTHC liên quan đến chế độ chính sách đối với NCC và thân nhân của họ. Trong đó trả trước hạn 2,1 nghìn hồ sơ (chiếm tỷ lệ 84%), còn lại đang giải quyết.

Theo ông Phạm Trọng Ý, Trưởng Phòng NCC, số lượng hồ sơ lớn, thành phần giấy tờ nhiều, cũ theo năm tháng nên việc số hóa mất nhiều thời gian. Trước hết, đơn vị sẽ thực hiện từng phần, bảo đảm mục tiêu của tỉnh đề ra, sau số hóa có thể liên kết, chia sẻ thông tin.

Một trong những kinh nghiệm để giải quyết nhanh các hồ sơ TTHC là do đơn vị đã đẩy mạnh thực hiện liên thông các cấp. Hiện 30 thủ tục lĩnh vực NCC được giải quyết liên thông.

Cùng đó, năm 2021, Sở triển khai Đề án tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC liên thông lĩnh vực NCC qua dịch vụ bưu chính công ích góp phần nâng cao chất lượng phục vụ; đồng thời tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại của cán bộ LĐ-TB&XH cấp huyện và xã.

Trao đổi về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, ông Bùi Quang Phát, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, đơn vị tiếp tục thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với NCC; tăng cường chỉ đạo và kiểm tra việc chi trả trợ cấp ưu đãi; xử lý nghiêm sai phạm, tiêu cực trong việc thực hiện chính sách đối với NCC với cách mạng.

Cùng đó, huy động các nguồn lực tiếp tục hỗ trợ NCC khó khăn cải thiện về đời sống, đặc biệt là nhà ở. Sở tiếp tục thực hiện số hóa dữ liệu lĩnh vực NCC; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc; nâng tỷ lệ hồ sơ nộp mức độ 3, mức độ 4. Thực hiện chuyển đổi số để xây dựng thành công “cơ quan số”, hướng tới phương châm “4 không, 1 có” (làm việc không giấy tờ, không hội họp tập trung; dịch vụ công không gặp mặt; thanh toán không dùng tiền mặt và có số hóa thông tin, dữ liệu).

Empty

Ngôi nhà của mẹ liệt sĩ Nguyễn Thị Phểnh (SN 1928) ở thôn Núi, xã Trung Sơn (huyện Việt Yên - Bắc Giang) được cấp ủy, chính quyền địa phương đã cùng gia đình xây tặng. Công trình tri ân hoàn thành có gia đình, họ hàng giúp sức, Công ty cổ phần Thuốc lá Sài Gòn hỗ trợ 50 triệu đồng.

Từ ngân sách và nguồn xã hội hóa, huyện Việt Yên (Bắc Giang) đã thực hiện các chương trình tri ân, nâng cao đời sống thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách trên địa bàn. Cùng với các địa phương khác trong tỉnh, huyện đề ra mục tiêu bảo đảm NCC có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân trên địa bàn. Để thực hiện tốt chính sách đối với NCC, huyện quan tâm vận động các nguồn lực từ cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí xây mới, sửa chữa nhà ở, tạo việc làm cho NCC và người thân.

Từ năm 2015 đến nay, toàn huyện có gần 200 hộ NCC được hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà ở; tổng kinh phí khoảng 6 tỷ đồng; không còn hộ NCC và thân nhân NCC thuộc diện hộ nghèo và là địa phương trong tỉnh duy trì tốt nhất kết quả này.