Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Bắc Giang: Hiệu quả đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp

(Dân sinh) - Theo số liệu thông kê của Sở LĐ-TB&XH Bắc Giang, tính đến hết tháng 8/2020, toàn tỉnh có 41 cơ sở GDNN (trong đó có 02 trường cao đẳng, 08 trường trung cấp, 15 trung tâm GDNN và 16 cơ sở hoạt động GDNN). Thời gian qua, các cơ sở GDNN đã chủ động đa dạng hình thức, phương pháp đào tạo theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các trình độ đào tạo gắn với doanh nghiệp nhằm đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Bắc Giang: Hiệu quả đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp  - Ảnh 1.

Hướng dẫn sinh viên thực hành nghề Điện tử

Đối với công tác tuyển sinh, các trường cao đẳng, trung cấp đã tăng cường tuyên truyền, giới thiệu về các ngành nghề đào tạo đồng thời hỗ trợ tích cực cho học sinh, người lao động khi có nhu cầu học nghề. Các tổ tư vấn tuyển sinh của nhà trường đã thực hiện tư vấn cho học sinh các trường THCS, THPT và thông qua hoạt động tư vấn tại các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh, thông tin tuyển sinh được đăng tải đầy đủ trên trang thông tin điện tử và fanpage của nhà trường... qua đó, học sinh và phụ huynh học sinh bước đầu đã có sự chuyển biến về nhận thức, coi trọng việc học nghề và cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề, như: Đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy; Chú trọng giáo dục học sinh, sinh viên cả về kiến thức và kỹ năng nghề; Phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp để tư vấn hướng nghiệp cho học viên, thực hiện đào tạo theo nhu cầu của xã hội… từng bước nâng cao tỷ lệ học viên ra trường có việc làm ngay.

Hoạt động hợp tác với doanh nghiệp trong những năm qua đã góp phần quan trọng trong giải quyết việc làm đầu ra cho học sinh, sinh viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp, với tỷ lệ trên 90% có việc làm trong vòng 3 tháng ngay sau khi ra trường, đặc biệt, từ tháng 8/2016 đến nay có trên 400 sinh viên được tuyển dụng và có việc làm trước khi tốt nghiệp ra trường từ 3 đến 6 tháng.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nghề, trong thời gian tới, các trường sẽ thường xuyên cập nhật, bổ sung các kiến thức, công nghệ mới vào chương trình đào tạo; Tăng cường giáo dục kỹ năng mềm, nâng cao ý thức, kỹ năng của học sinh, sinh viên đối với cộng đồng và xã hội; Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, đảm bảo giáo viên đạt chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ theo đúng quy định; Tăng cường hội nhập quốc tế và quan hệ doanh nghiệp trong giáo dục và đào tạo, chủ động mở rộng hợp tác quốc tế, phát triển các chương trình hợp tác, trao đổi sinh viên, giảng viên với các trường đại học trong nước và nước ngoài; Đẩy mạnh hợp tác trong nghiên cứu khoa học, liên kết đào tạo; Chú trọng đào tạo nghề theo nhu cầu sử dụng lao động của xã hội, đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, gắn đào tạo tại nhà trường với cơ sở sản xuất…

Đơn cử như trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp,trong quá trình đào tạo, trường đã xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay. Từ năm học 2018-2019 Các Chương trình đào tạo trong Nhà trường về cơ bản chỉ chỉnh sửa nội dung cho phù hợp với thực tế, chỉnh sửa và ban hành 13 chương trình đào tạo hệ cao đẳng, 05 chương trình CĐLT, 18 chương trình đào tạo hệ trung cấp. Thực hiện đổi mới chương trình đào tạo như tăng thời lượng thực hành cho tất cả các ngành nghề, tiếp tục triển khai xây dựng chương trình đào tạo theo hướng gắn với nhu cầu doanh nghiệp nhằm nâng cao tay nghề, trau dồi kỹ năng thực hành, kỹ năng giao tiếp theo hình thức 50/50 ở tất cả các chương trình đào tạo hệ Cao đẳng.

Xác định đào tạo nghề phải gắn với nhu cầu xã hội chính vì thế, các trường đã không ngừng mở rộng các hoạt động hợp tác, đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Những năm gần đây, với chủ trương coi doanh nghiệp là nơi sử dụng sản phẩm đào tạo và đánh giá chất lượng lao động, các trường đã chủ động liên kết với doanh nghiệp để cùng phát triển. Từ năm 2015 đến nay, riêng trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp đã kết nối, hợp tác với trên 50 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tổ chức đưa sinh viên đi thực tập và tuyển dụng vào làm việc hàng năm. Đặc biệt, Trường còn tham gia Hội doanh nhân trẻ tỉnh Bắc Giang với gần 200 doanh nghiệp thành viên, nhằm tăng thêm cơ hội để tìm kiếm việc làm cho học sinh, sinh viên. Hiện tại, Nhà trường đang duy trì các hình thức hợp tác với doanh nghiệp, như: Hợp tác đào tạo 50 – 50 theo nhu cầu doanh nghiệp (50% thời gian học tại trường và 50% thời gian thực hành tại doanh nghiệp). Hình thức này được ký kết với Công ty TNHH Newwing Technology, thuộc Tập đoàn Foxconn Hồng Hải. Từ năm 2016 – 2019, Công ty đã tiếp nhận 551 sinh viên hệ cao đẳng K50, K53 thuộc các chuyên ngành kỹ thuật như: Điện Công nghiệp, Điện tử, Tự động hóa, Cơ khí, Điện tử dân dụng vào thực tập. Mỗi sinh viên khi tham gia chương trình này sẽ được Công ty hỗ trợ học phí khoảng 8 triệu đồng/năm và chi phí đào tạo nâng cao khoảng 3 triệu đồng/năm, trong suốt khóa học 3 năm. Ngoài ra, mỗi tháng đi thực tập tại doanh nghiệp, bình quân mỗi sinh viên được Công ty trả khoảng 7,5 triệu đồng tiền lương. Từ chương trình hợp tác này, 88 em sinh viên K50 tốt nghiệp ra trường đã được nhận vào công ty làm việc ở vị trí quản lý, tại các bộ phận sản xuất, với mức lương bình quân hàng tháng là 13,5 triệu đồng.

Bên cạnh đó, Nhà trường còn ký kết Thỏa thuận hợp tác với Công ty TNHH Newwing Technology, thuộc Tập đoàn Foxconn Hồng Hải thông qua hình thức hợp tác đào tạo và cung cấp nhân lực chất lượng cao theo đặt hàng của doanh nghiệp. Trong khuôn khổ chương trình hợp tác này, năm học 2019-2020, 15 sinh viên năm cuối hệ cao đẳng sẽ được lựa chọn đưa sang Trung Quốc thực tập tốt nghiệp kết hợp đào tạo nâng cao về chuyên ngành và năng lực ngoại ngữ (tiếng Trung). Sinh viên tham gia được Công ty tài trợ 100% chi phí học tập, ăn ở và sinh hoạt với tổng giá trị gói tài trợ khoảng 1,35 tỷ đồng (45 triệu đồng/sinh viên). Hình thức hợp tác phổ biến nhất hiện nay mà Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp đang thực hiện là phối hợp tổ chức cho học sinh, sinh viên đi thực tập và tham gia phỏng vấn tuyển dụng tại doanh nghiệp. Với hình thức này, trong hơn 2 năm qua, Nhà trường đã kết nối và tổ chức đưa trên 5.000 học sinh, sinh viên đi thực tập và phỏng vấn tuyển dụng tại hơn 50 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, trong đó có các doanh nghiệp FDI lớn của nước ngoài, như: Công ty Điện tử Samsung Việt Nam, Công ty điện tử LG Display Việt Nam, Công ty Canon Việt Nam, Công ty TNHH Fuhong Technoloy, Công ty TNHH Newwing Technology (thuộc Tập đoàn Foxconn Hồng Hải), Công ty TNHH Vinacell chuyên về sản xuất tấm pin Năng lượng mặt trời, Công ty CP Sông Đà 5, Công ty CP Cơ khí Xây dựng số 2 Hà Bắc (Coma 2)… Tổng doanh thu từ các khoản doanh nghiệp chi trả cho học sinh, sinh viên và cho Nhà trường khoảng trên 50 tỷ đồng.

Trong năm vừa qua, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đã tổ chức cho 2.314 học sinh, sinh viên hệ trung cấp, cao đẳng được tham gia trải nghiệm công việc thực tế tại doanh nghiệp. Trong số các học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường có trên 70% được các trường giới thiệu việc làm hoặc doanh nghiệp đến liên hệ tuyển dụng đều có công việc ổn định, thu nhập khá; số còn lại các em xin tự chủ động công việc.Thời gian qua, các cơ sở GDNN đã chủ động đa dạng hình thức, phương pháp đào tạo theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các trình độ đào tạo gắn với doanh nghiệp nhằm đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương, mở rộng hình thức dạy nghề theo hợp đồng đào tạo hoặc đặt hàng với doanh nghiệp. Chủ động trong liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp trong việc tạo điều kiện cho người học nghề được tham gia thực tập tại các xưởng sản xuất để họ có cơ hội được tiếp cận với công nghệ sản xuất tiên tiến, ứng dụng kiến thức được trang bị trong nhà trường vào thực tiễn làm việc tại các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các cơ sở GDNN cũng hợp tác với các doanh nghiệp để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng và cấp chứng chỉ nghề cho người lao động, cũng như tuyển người lao động vào học nghề, tập nghề để làm việc cho doanh nghiệp. Phối hợp với Sàn giao dịch việc làm của tỉnh để nắm bắt, xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động trong nhà trường nhằm gắn kết đào tạo và sử dụng lao động.