Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Bác Hồ với sự nghiệp trồng người

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành sự quan tâm đặc biệt đến đội ngũ nhà giáo, lực lượng chủ đạo của sự nghiệp “Trồng người”, yếu tố quyết định chất lượng của hoạt động giáo dục.

Trong tư tưởng của Bác, sự nghiệp “trồng người” là việc “đại sự quốc gia” nên xây dựng đội ngũ “người trồng” xứng đáng chính là vấn đề “then chốt” nhất của chiến lược giáo dục quốc gia. Không phải vô tình mà triết gia và đại thi hào Ấn Độ R. Tagore lại đúc kết: Đầu tư vào một người đàn ông, ta được một công dân tốt; đầu tư vào một người phụ nữ, ta được một gia đình tốt; đầu tư vào một nhà giáo, ta được một thế hệ tốt. Với tầm nhìn của nhà hoạch định chính sách, Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn một số biện pháp nhằm xây dựng ở nước ta đội ngũ giáo viên “đủ tâm, đủ tầm”.

Suốt cuộc đời hoạt động của mình, Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng đến quá trình tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của Đảng, của từng cán bộ, đảng viên, trong đó có đội ngũ những người làm nghề giáo. Đó không chỉ là tư tưởng xuyên suốt, mà còn là nỗi bận tâm đau đáu của Người.

Bác Hồ thăm và nói chuyện với thầy và trò Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ngày 21/10/1964. (Ảnh tư liệu)

Bác Hồ thăm và nói chuyện với thầy và trò Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ngày 21/10/1964. (Ảnh tư liệu)

Ngày 21/10/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Tại đây, Người đã nói chuyện với các thầy cô giáo, sinh viên và cán bộ, công nhân viên của trường: “Cô giáo, thầy giáo trong chế độ ta cần phải góp phần vào công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa. Phải có chí khí cao thượng, phải "tiên ưu hậu lạc" nghĩa là khó khăn thì phải chịu trước thiên hạ, sung sướng thì hưởng sau thiên hạ. Đây là đạo đức cách mạng”.

Trong bài viết “Sư hinh” đăng trên báo Nhân dân số ra ngày 9/7/1963, Người viết: “Sư hinh” nghĩa là đạo đức thơm tho của người thầy. Ngày xưa các cụ nhà nho ta hay dùng hai chữ ấy để khuyến khích những người làm nghề dạy học. Ngày nay, tuyệt đại đa số cô giáo và thầy giáo của chúng ta đều cố gắng trau dồi đạo đức cách mạng, làm gương mẫu tốt cho học trò và xứng đáng với hai chữ “sư hinh”. Nhưng vẫn còn một số (tuy là rất ít) thầy giáo kém đạo đức cách mạng, “Con sâu làm rầu nồi canh”, hành động của họ vừa ảnh hưởng không tốt đến vinh dự cao quý của giáo viên khác, vừa ảnh hưởng xấu đến các em học trò”.

Với Hồ Chí Minh, trau dồi đạo đức cách mạng trở thành một nhiệm vụ tất yếu, tối quan trọng, là điều kiện “cần” và “đủ” mà tất cả thầy cô giáo đều phải hướng đến.

Trong sự nghiệp giáo dục, Hồ Chí Minh cũng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của “nêu gương” - nêu gương từ chính bản thân của mỗi người thầy. Nói chuyện tại Hội nghị cán bộ phụ trách thiếu nhi toàn miền Bắc (19/2/1959), Người nhấn mạnh: “Trẻ em hay bắt chước, cho nên thầy giáo, cán bộ phụ trách... phải gương mẫu từ lời nói đến việc làm. Nếu các cô các chú bảo: "Các em phải siêng làm" nhưng các cô các chú lại đi ngủ, hoặc dạy "các em phải thật thà", nhưng các cô các chú lại nói sai, hay bảo "các em phải giữ vệ sinh chung", nhưng các cô các chú bẩn, như thế là không được.

Dạy các cháu thì nói với các cháu chỉ là một phần, cái chính là phải cho các cháu nhìn thấy, cho nên những tấm gương thực tế là rất quan trọng. Muốn dạy cho trẻ em thành người tốt thì trước hết các cô, các chú phải là người tốt”.

Bác căn dặn: “Học trò tốt hay xấu là do thầy giáo, cô giáo tốt hay xấu. Các cô, các chú phải nhận rõ trách nhiệm của mình”, vì vậy “thầy giáo phải gương mẫu, trực tiếp làm nhiệm vụ: Đào tạo những công dân tốt, những cán bộ tốt sau này, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội” .

Thực tế cho thấy, “yêu nghề” trở thành một phẩm chất tối quan trọng của bất cứ một ngành, một nghề nào, đặc biệt là nghề giáo. Bởi lẽ, sự nhiệt huyết, tận tâm, tận hiến của mỗi một thầy cô giáo sẽ có sức lan tỏa tới cả một lớp học, khóa học, một thế hệ học sinh, sinh viên.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với học sinh Trường Trưng Vương, Hà Nội. (Ảnh tư liệu)

Chủ tịch Hồ Chí Minh với học sinh Trường Trưng Vương, Hà Nội. (Ảnh tư liệu)

Với Hồ Chí Minh, người đặc biệt nhấn mạnh sự “yêu nghề” trong hoạt động giáo dục: “Thầy cũng như trò, cán bộ cũng như nhân viên, phải thật thà yêu nghề mình. Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản? Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất” .

Bên cạnh đó, Người đặc biệt chú trọng đến tinh thần trách nhiệm, dám đối mặt với khó khăn, thử thách, sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ mà xã hội, Đảng giao cho các thầy, cô giáo. Người căn dặn: “Thầy và trò phải luôn luôn nâng cao tinh thần yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, tăng cường tình cảm cách mạng đối với công nông, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, triệt để tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng nhận bất kỳ nhiệm vụ nào mà Đảng và nhân dân giao cho”. Đó là tinh thần trách nhiệm dành cho sự nghiệp giáo dục, mang tri thức tới cho các em học sinh, các thế hệ sinh viên; là nghĩa cử cao đẹp và sự dấn thân vì mục tiêu “trăm năm trồng người”.

Lịch sử đã chứng minh: Một dân tộc muốn trở nên thông thái và đứng trên đỉnh cao của văn minh nhân loại thì phải quan tâm đến những người thầy. Ngày nay dù quan điểm giáo dục đã có những thay đổi nhưng lời căn dặn của Bác về phát triển đội ngũ giáo viên không chỉ là nguồn động viên tinh thần đối với những người làm nghề “trồng người” mà còn là sự gợi mở cách thức tháo gỡ các vướng mắc trong hiện tại và phương hướng hành động trong tương lai để đội ngũ nhà giáo có thể đóng góp nhiều nhất cho sự nghiệp đổi mới giáo dục và xứng đáng với niềm tin yêu, sự kỳ vọng của nhân dân.