Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Bắc Kạn: Tăng cường kết nối cung – cầu lao động

(Dân sinh) - Rút ngắn thời gian tìm việc của người lao động, thời gian tuyển dụng của người sử dụng lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động nông thôn, góp phần tăng trưởng và giải quyết việc cho người lao động... là những kết quả đáng ghi nhận của Trung tâm Dịch vụ việc làm Bắc Kạn trong thời gian qua. Trao đổi với Lao động và Xã hội, ông Nguyễn Hồng Việt – Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Dịch vụ việc làm Bắc Kạn khẳng định Trung tâm nỗ lực nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm tăng cường kết nối cung – cầu lao động.

* Bắc Kạn là một tỉnh được đánh giá cao về hiệu quả trong hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm trên địa bàn. Ông có thể cho biết rõ hơn về kết quả này?

- Trước tiên phải khẳng định, công tác thông tin thị trường lao động, tư vấn, giới thiệu việc làm rất quan trong đối với sự phát triển kinh tế xã hội nói chung và của tỉnh Bắc Kạn nói riêng. Trung tâm Dịch vụ việc làm đã trở thành địa chỉ tin cậy, là cầu nối giữa DN với người lao động, gắn kết doanh nghiệp với người lao động để tham gia lao động sản xuất tạo ra các sản phẩm cho xã hội.

 Công tác tư vấn, giới thiệu việc làm không những giúp người lao động tiếp cận thông tin thị trường lao động để lao động có thể lựa chọn được việc làm phù hợp với khả năng, trình độ của mình và tạo thu nhập cho gia đình, bản thân ổn định cuộc sống, góp phần giảm nghèo bền vững, đặc biệt đối với lao động nông thôn, dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa.

Bắc Kạn: Tăng cường kết nối cung – cầu lao động - Ảnh 1.

Phiên giao dịch việc làm tại Bắc Kạn năm 2019

Trung tâm đã và đang thực hiện hiệu quả công tác tư vấn, thông tin thị trường lao động, giới thiệu việc làm nhằm minh bạch thông tin thị trường lao động về tiền công, tiền lương, công việc, các điều kiện về phúc lợi, hiểu rõ quyền lợi, nghĩa vụ, các chế độ chính sách của chủ sử dụng lao động và người lao động khi tham gia các quan hệ lao động. 

Bên cạnh đó tư vấn, giới thiệu việc làm nhằm ổn định thị trường lao động, kìm hãm gia tăng tỷ lệ lao động thất nghiệp chung trên toàn tỉnh, từ đó hạn chế tác động tiêu cực, các tệ nạn xã hội phát sinh do thiếu việc làm gây ra làm mất trật tự xã hội.

* Người lao động tỉnh Bắc Kạn đã thực sự tiếp cận được các buổi tư vấn việc làm định kỳ và thường xuyên không, thưa ông?

- Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Kạn đã phối hợp và triển khai công tác tư vấn về pháp luật lao động, việc làm, chính sách Bảo hiểm thất nghiệp, tư vấn giới thiệu việc làm trên địa bàn toàn tỉnh bằng nhiều hình thức như tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các xã phường thị trấn, trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng internet... Có thể nói, cơ bản người dân đã được tiếp cận thông tin khá đầy đủ. Tuy nhiên đối với lao động dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xã cơ hội tiếp cận thông tin cung còn hạn chế do nhiều yếu tố tác động.

Là một tỉnh miền núi, công tác tư vấn giới thiệu việc làm, đưa thông tin thị trường lao động đên người lao động cũng còn một số những khó khăn như: Thứ nhất, đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác này còn ít. Thứ hai doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ít và chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, khu công nghiệp chưa phát triển mạnh việc thu hút các doanh nghiệp, các tập đoàn lớn chưa có chính vì vậy nhu cầu sử dụng lao động trong tỉnh không nhiều, bên cạnh đó về vấn đề như tiền lương thấp so với các tỉnh lân cận, rồi các điều phúc lợi như chỗ ăn ở cho công nhân còn thiếu, các hoạt động xã hội, vui chơi thể thao ... chưa đáp ứng nhu cầu rồi các điều kiện về nhà trẻ... chính vì vậy xu hướng lao động đi ra ngoài tỉnh làm việc khá lớn. Thứ ba, xu hướng các các doanh nghiệp hiện nay tập trung đầu tư công nghệ, ứng dụng khoa học, trí tuệ nhân tạo thay thế những vị trí việc làm thủ công trong sản xuất, vì vậy việc làm đòi hỏi chất lượng nguồn lao động tốt hơn và có trình độ được đào tạo phù hợp, điều kiện tuyển dụng và nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp yêu cầu ngày càng cao, bên cạnh đó các doanh nghiệp điện tử, may mặc có xu hướng trẻ hoá nguồn nhân lực (từ 18 – 25 tuổi) và ưu tiên tuyển lao động nữ nhiều hơn lao động nam. Vì vậy để tìm kiếm thị trường lao động tuyển nam và lao động cao tuổi rất khó khăn. Nhiều doanh nghiệp chưa thật sự coi trọng việc thông báo tình hình biến động lao động theo quy định của pháp luật nên việc khai thác, thu thập thông tin thị trường lao động gặp khó khăn, cơ sở dữ liệu về cung cầu lao động còn hạn chế đã ảnh hưởng đến việc cập nhật và khai thác thông tin ở cơ sở dữ liệu.

* Trong thời gian tới, Trung tâm có kế hoạch như thế nào để giúp cho người dân Bắc Kạn tiếp cận được với hệ thống việc làm phù hợp, tạo nguồn kinh tế cho gia đình, cũng như góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương?

- Phải khẳng định, khi người dân và doanh nghiệp đến với Trung tâm sẽ được hưởng các dịch vụ công hoàn toàn miễn phí. Doanh nghiệp (chủ sử dụng lao động) và người lao động có cơ hội gặp gỡ, trao đổi thông tin để hai bên hiểu rõ nhau hơn, cả hai bên được bày tỏ mong muốn của mình để từ đó doanh nghiệp và người lao động đi đến ký kết hợp đồng lao động, đặc biệt là lao động cũng gắn bó với doanh nghiệp làm việc có hiệu quả chất lượng công việc cao. Có thể nói, khi đến với trung tâm, người lao động sẽ được hỗ trợ tư vấn về pháp luật lao động, việc làm, chính sách Bảo hiểm thất nghiệp một cách chính xác và chân thực và hoàn toàn miễn phí.

Thời gian tới, Trung tâm sẽ thực hiện tốt công tác rà soát, sắp xếp bộ máy, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nhân viên, nâng cao chất lượng hiệu quả công việc, đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng hóa các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về pháp luật lao động, việc làm, chính sách Bảo hiểm thất nghiệp. Tăng cường khai thác thị trường lao động trong và ngoài tỉnh; giúp người lao động tìm được việc làm phù hợp, thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống.