Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Bạc Liêu: Tạo cơ hội để người có công vươn lên trong cuộc sống

(Dân sinh) - Tỉnh Bạc Liêu có hơn 65.000 đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, công tác đền ơn đáp nghĩa luôn được coi là trách nhiệm không của riêng ai. Trong những năm qua, người có công trên địa bàn tỉnh luôn được chăm lo chu đáo, được tạo nhiều cơ hội để vươn lên trong cuộc sống.

Hết lòng chăm lo cuộc sống người có công

Tỉnh Bạc Liêu hiện có trên 69.000 người có công với cách mạng, trong đó: 12.159 liệt sĩ, 6.563 thương binh, bệnh binh, 2.098 Mẹ Việt Nam anh hùng. Mỗi năm, tỉnh thực hiện chế độ chi trả kịp thời đối với gia đình có công, với kinh phí hơn 160 tỉ đồng. Hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa" luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương trong tỉnh quan tâm và thể hiện bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, như: Hỗ trợ xây mới – sửa chữa nhà ở, chính sách chi trả một lần, miễn giảm tiền sử dụng đất, giảm học phí cho con em người có công, ưu đãi vốn vay phát triển kinh tế, chăm lo về y tế…

Xác định chính sách hỗ trợ nhà ở cho đối tượng gia đình chính sách, người có công là một chủ trương lớn mang nhiều ý nghĩa nhân văn, những năm qua, Bạc Liêu đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và cụ thể nhằm hỗ trợ nhà ở cho các hộ gia đình chính sách, người có công gặp khó khăn về nhà ở theo kế hoạch đề ra. 

Thị xã Giá Rai là điểm sáng nổi bật. Tính đến ngày 27/7/2020, toàn thị xã đã giải quyết dứt điểm chế độ Nhà tình nghĩa cho các gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng thuộc diện khó khăn về nhà ở.

Bạc Liêu: Tạo nhiều cơ hội để người có công vươn lên trong cuộc sống - Ảnh 1.

Đoàn công tác của Tỉnh ủy Bạc Liêu thăm hỏi gia đình chính sách tại Thành phố Bạc Liêu.

Đại diện Phòng LĐ-TB&XH thị xã Giá Rai cho biết, toàn thị xã có gần 7.000 hộ gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Trong đó, gần 2.000 gia đình liệt sĩ, thương binh được hưởng trợ cấp hằng tháng. Không chỉ tích cực triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có công, gia đình chính sách theo quy định, thị xã còn tranh thủ các nguồn lực để chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình. Nhờ đó đến nay, 100% hộ chính sách, hộ gia đình có công của thị xã có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn với mức sống trung bình của các hộ dân ở địa phương.

Số liệu của UBND tỉnh Bạc Liêu cho thấy, thời gian qua, tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 6.653 căn nhà ở, gồm: Xây dựng mới 5.519 căn, sửa chữa 1.134 căn, phân kỳ đầu tư trong 5 năm (2016 – 2020) là kết thúc với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 299 tỷ đồng. Đề án 22 được Bạc Liêu hoàn thành và kết thúc trước 1 năm so kế hoạch được phê duyệt. Tuy nhiên, sau khi kết thúc Đề án 22, Bạc Liêu vẫn còn nhiều gia đình chính sách thật sự khó khăn về nhà ở. Do vậy, Bạc Liêu tiếp tục việc hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng nằm ngoài Đề án 22. Qua kết quả rà soát, tỉnh còn 1.915 căn, trong đó: 1.347 căn xây dựng mới và 568 căn sửa chữa với tổng kinh phí hỗ trợ gần 79 tỷ đồng.

Tại Hội nghị Tổng kết việc thực hiện hỗ trợ nhà ở trong Đề án và phát sinh ngoài Đề án theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng vừa qua, đồng chí Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước đã ghi nhận và đánh giá cao sự cố gắng của các cấp, ngành và địa phương tỉnh Bạc Liêu trong việc triển khai xây dựng nhà ở cho người có công. Đặc biệt, dù có số lượng người có công có nhu cầu xây dựng nhà ở cao nhưng tỉnh đã thực hiện tốt việc rà soát đối tượng, bảo đảm các yêu cầu đề ra; đồng thời, tích cực huy động được nguồn kinh phí xã hội hóa xây dựng nhà ở cho người có công.

Xoá nghèo bền vững trong đối tượng người có công

Mục tiêu giảm nghèo bền vững trong gia đình chính sách được xem là nhiệm vụ quan trọng nhất trong Phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bạc Liêu đang ra sức thực hiện.

Bạc Liêu: Tạo nhiều cơ hội để người có công vươn lên trong cuộc sống - Ảnh 2.

Bà Trần Hồng Chiến, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bạc Liêu trao quà cho gia đình chính sách.

Xét định chuẩn nghèo đa chiều, đến tháng 9/2018, tỉnh Bạc Liêu có 107 hộ nghèo và 213 hộ cận nghèo thuộc đối tượng chính sách. Tuy nhiên, bằng các giải pháp quyết liệt, cuối năm 2019, tỉnh đã thành công khi xóa được hộ nghèo, cận nghèo đối với gia đình chính sách, người có công.

Là địa phương đầu tiên thành công trong công tác xóa nghèo thuộc gia đình chính sách, bà Đỗ Ái Lam, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội TP. Bạc Liêu cho biết, đơn vị đã triển khai mô hình phân công đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức nhận giúp đỡ hộ nghèo (cơ quan, đơn vị nhận giúp đỡ hộ nghèo).

Theo bà Lam, hằng năm, UBND thành phố phân công các cơ quan, ban, ngành, hội, đoàn thể nhận giúp đỡ hộ nghèo, phân công phường nội đô có điều kiện vận động nhận giúp đỡ hộ nghèo của 3 xã và phường Nhà Mát. "Các ban, ngành, đoàn thể, địa phương không chỉ hỗ trợ về vốn mà còn theo sát từng hộ trong quá trình sử dụng vốn nhằm giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Nhiều đơn vị không trao vốn mà trực tiếp mua cây, con giống hoặc phương tiện sản xuất trao tặng hộ nghèo", bà Lam cho biết.

Đối với huyện Phước Long, xác định "an cư mới lạc nghiệp", ngoài sự hỗ trợ của cấp trên, huyện còn huy động tối đa nguồn lực xã hội để chăm lo nhà ở và nâng mức sống cho các hộ chính sách. Từ cách làm trên, trong 2 năm (2018-2019), huyện đã xây dựng được 1.363 căn nhà cho gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo và cận nghèo với tổng kinh phí gần 49 tỷ đồng. Cùng với đó, công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, xây dựng tổ hợp tác phát triển kinh tế cũng được địa phương quan tâm thực hiện.

Gia đình bà Trương Thị Quang (vợ liệt sĩ, ngụ tại ấp 2, thị trấn Hộ Phòng, huyện Giá Rai) là một trong những điển hình về nỗ lực thoát nghèo với sự trợ lực của các cấp chính quyền, đoàn thể và cộng đồng. Chồng hy sinh trong chiến tranh, bà Quang một mình nuôi dạy hai người con khôn lớn. Nhưng hai người con mất đi khi tuổi đời còn rất trẻ, để lại cho bà 3 đứa cháu nhỏ. Hằng ngày, bà phải nhọc nhằn kiếm tiền nuôi mấy miệng ăn, cuộc sống vô cùng chật vật trong căn nhà Tình nghĩa ngày càng xuống cấp.

Với sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, các cháu của bà đều được hỗ trợ tiền học, được đào tạo nghề miễn phí và giới thiệu việc làm ở doanh nghiệp tại địa phương, còn bản thân bà ngoài khoản phụ cấp cho gia đình chính sách thì hằng tháng còn được hỗ trợ them 1,5 triệu đồng. Căn nhà dột nát xưa kia cũng được sửa sang trở nên khang trang hơn. Nhờ đó, cuộc sống của gia đình bà từng bước ổn định, vượt qua ngưỡng hộ nghèo.

Thương binh Lê Trung Tính (phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu) dù bị thương tật do chiến đấu nhưng sau khi rời quân ngũ trở về gia đình, ông vẫn lao vào sản xuất. Được xét hỗ trợ vốn vay với lãi suất thấp, ông kết hợp trồng rau màu và chăn nuôi heo, gà… Sau khi trả hết nợ, năm 2015, ông được hỗ trợ xây nhà tình nghĩa và vay 50 triệu đồng để làm ăn. Thấy mô hình trồng nhãn cho hiệu quả kinh tế cao, ông mạnh dạn vay thêm vốn để mở rộng quy mô sản xuất. Nhờ chịu khó làm ăn, năm 2018, gia đình ông chính thức ra khỏi danh sách hộ nghèo.

Bạc Liêu: Tạo nhiều cơ hội để người có công vươn lên trong cuộc sống - Ảnh 3.

Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu thăm hỏi, động viên gia đình chính sách vươn lên trong cuộc sống.

Chị Nguyễn Thị Đầy (người thờ cúng liệt sĩ), một trong những hộ được hỗ trợ thoát nghèo ở ấp Bình Tốt A, huyện Phước Long, chia sẻ: "Ngoài xây nhà và nguồn tiền trợ cấp hằng tháng, chồng tôi được dạy nghề hàn cửa sắt, địa phương cũng cho vay vốn để phát triển ngành, nghề. Riêng tôi được hướng dẫn cải tạo vườn tạp để trồng hẹ, giới thiệu vào tổ hợp tác trồng hẹ, vừa được hỗ trợ kỹ thuật, vừa không lo đầu ra nên mấy năm nay cuộc sống đỡ vất vả hơn".

Bà Trần Hồng Chiến, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bạc Liêu cho rằng, một bài học kinh nghiệm về công tác giảm nghèo trong đối tượng người có công đạt hiệu quả cao ở Bạc Liêu những năm qua là phát huy hiệu quả chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực này. Điển hình như ngành Thuế đã vận động cán bộ, đảng viên và người lao động, các mạnh thường quân đóng góp vào công tác đền ơn đáp nghĩa đối với người có công và nhận hỗ trợ thương binh nghèo, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, với tổng số tiền đến nay gần 4 tỷ đồng. Hay ở huyện Đông Hải, Câu lạc bộ "Uống nước nhớ nguồn một ngàn" đóng góp đến nay gần 1,4 tỷ đồng, dùng để xây dựng, sửa chữa mộ Mẹ Việt Nam anh hùng, sửa chữa nâng cấp nhà bia liệt sĩ, xây nhà tình nghĩa, cúng giỗ Mẹ Việt Nam anh hùng, tặng tủ thờ cho gia đình chính sách nghèo xã Long Điền Đông A; Câu lạc bộ "Tấm lòng nhân đạo, hạt gạo nghĩa tình" vận động được gần 2,2 tấn gạo và trên 110 triệu đồng, nhằm chăm lo, giúp đỡ các hộ gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau, neo đơn của Thánh thất Cao đài Minh Chơn đạo…

Bà Trần Hồng Chiến đánh giá, công tác xây dựng "Xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công" đã được cấp uỷ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân quan tâm, tạo cơ sở vững chắc cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu nâng cao đời sống người có công.

Đến nay, 100% hộ gia đình chính sách trong tỉnh có cuộc sống bằng hoặc khá hơn mức sống trung bình của người dân cùng nơi cư trú; 100% xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công. Những hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa" là nghĩa cử cao đẹp, mang ý nghĩa chính trị - xã hội và nhân văn sâu sắc; góp phần quan trọng vào việc nâng cao tinh thần yêu nước thương nòi, tạo nên một nét đẹp tiêu biểu trong đời sống văn hóa - xã hội; tăng thêm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta.

Chăm lo cho thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với nước là một việc nghĩa lớn. Tất cả chúng ta đang được hưởng độc lập, tự do là đang chịu ơn của các anh hùng liệt sĩ cho nên tất cả chúng ta phải có trách nhiệm thực hiện tốt việc nghĩa này bằng nhiều việc làm thật cụ thể, thiết thực, bằng tấm lòng đền ơn đáp nghĩa thật sự đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình chính sách.