Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Bài toán nhà ở xã hội tại TP.HCM

(Dân sinh) - Theo đánh giá tại TPHCM cần khoảng 134.000 căn hộ loại hình nhà ở xã hội (NƠXH), tuy nhiên, hiện nay dự án được triển khai chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong khi, nhiều dự án NƠXH lại đang tìm cách chuyển đổi sang nhà thương mại với nhiều nguyên do. Vậy lời giải nào cho bài toán nhà ở tại TP HCM?

Đang bị ách tắc, chưa có sự thống nhất giữa các Bộ, ngành

Theo Sở Xây dựng TP HCM, trong 10 năm qua, dân số TP HCM tăng hơn 1,8 triệu người. Tổng dân số dự kiến đến năm 2030 là trên 11 triệu người. Dự báo, nhu cầu về nhà ở tại TP HCM trong 10 năm tới là gần 150 triệu m2 sàn. Một áp lực cho TP HCM là trung bình 5 năm dân số tăng thêm 1 triệu người, dẫn tới hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, nhà ở… không đáp ứng kịp. Hiện mật độ dân số của thành phố là hơn 4,2 người/km2, cao hơn mật độ dân số cả nước 14,7 lần, tập trung tại các quận trung tâm của thành phố.

Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho biết, hiện thành phố có khoảng 476.000 hộ chưa có nhà hoặc đang sống chung với người thân, chiếm gần 1/4 tổng số hộ gia đình trên địa bàn. Khoảng 50% dân số thành phố là người thu nhập thấp, bao gồm cán bộ, công chức, người lao động và dân nhập cư. Những đối tượng này có nhu cầu lớn về nhà ở giá rẻ, vừa túi tiền. Để giải quyết bài toán nhà ở phân khúc này, TP HCM cần dành quỹ đất công và 20% từ các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội.

Bài toán nhà ở xã hội tại TP.HCM - Ảnh 1.

T ừ năm 2014 đến nay, TPHCM có 41 dự án NƠXH độc lập với tổng diện tích đất hơn 133ha, quy mô hơn 41.000 căn hộ (ảnh: minh họa)

Theo số liệu của Bộ Xây dựng cho thấy, nhu cầu NƠXH trên toàn quốc trong giai đoạn 2011-2020 là khoảng 440.000 căn hộ, riêng TPHCM cần khoảng 134.000 căn.

Thông tin từ Sở Xây dựng TP HCM cho thấy từ năm 2014 đến nay, TP HCM có 41 dự án NƠXH độc lập với tổng diện tích đất hơn 133ha, quy mô hơn 41.000 căn hộ. Trong đó, có 14 dự án đã hoàn thành, 9 dự án đang thi công xây dựng, 18 dự án đang thực hiện thủ tục đầu tư.

Tuy nhiên, hàng loạt dự án NƠXH tại TP HCM đang gặp vướng mắc về pháp lý hoặc xin chuyển đổi qua căn hộ thương mại. Điều này khiến người dân khó mua NƠXH.

Từ thực tế chương trình nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở 2014 đang bị ách tắc và có những ý kiến còn khác nhau giữa các Bộ, Ngành, Hiệp hội nhận thấy, trước hết, cần phải thống nhất nhận thức trong chính các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trước hết là nhận thức của các cơ quan hoạch định chính sách, về vị trí, tầm quan trọng của chính sách nhà ở xã hội, để thống nhất triển khai thực hiện.

Ách tắc nguồn vốn là điểm nghẽn lớn nhất trong 04 năm vừa qua, do chậm bố trí nguồn vốn ngân sách để thực hiện chính sách nhà ở xã hội. Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) nói.

Nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp rất lớn

Chính sách nhà ở xã hội là một bộ phận hữu cơ của chính sách an sinh xã hội của Nhà nước, góp phần thực hiện quyền có chỗ ở của công dân đã được Hiến pháp quy định. Luật Nhà ở 2014 đã quy định 10 đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, trong đó, có đối tượng là người có thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị.

Trong cơ cấu dân cư đô thị nước ta, thì người có thu nhập trung bình và người có thu nhập thấp đô thị chiếm tỷ lệ lên đến khoảng 80% và có nhu cầu nhà ở rất lớn, nhất là loại nhà ở thương mại 1-2 phòng ngủ có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội. Đối với người nhập cư, nhất là công nhân, lao động thì có nhu cầu cao về nhà trọ, phòng trọ giá rẻ.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng thương mại Lê Thành, đơn vị chuyên phát triển phân khúc nhà ở giá rẻ cho người thu nhập thấp cho rằng, để bán căn hộ với mức giá từ 400 đến 500 triệu đồng/căn thì cần chọn địa điểm nằm ở vùng ven thành phố, diện tích xây dựng từ 35 đến 45 m2.

Bài toán nhà ở xã hội tại TP.HCM - Ảnh 3.

trong thời gian tới, để phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp cần phải có tầm nhìn cao hơn, gắn với quy hoạch vùng

Ông Nghĩa đề xuất những thành phố lớn như TPHCM trong quá trình quy hoạch nên có khu vực cụ thể để phát triển nhà ở xã hội, dành những quỹ đất rải rác ở nhiều vị trí khác nhau để đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người dân. "Tôi cho rằng thành phố phải có quy trình riêng, khi đã quy hoạch khu vực xây dựng nhà ở xã hội thì có quy trình duyệt pháp lý thật nhanh, làm sao thi công và đưa vào sử dụng tốt nhất, có nguồn cung tốt cho người dân. Khi đó người dân được an cư lạc nghiệp, tinh thần thoải mái hơn, khi đó sẽ tăng năng suất lao động của thành phố". Ông Nghĩa nói.

Về phía lãnh đạo thành phố, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho biết trong thời gian tới, để phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp cần phải có tầm nhìn cao hơn, gắn với quy hoạch vùng. Khi kinh tế - xã hội ở các đô thị trong vùng phát triển thì sẽ giảm bớt áp lực di dân đổ về TP HCM.

Theo ông Hoan, doanh nghiệp làm nhà ở xã hội hiện vẫn phải thực hiện các thủ tục, quy trình giống như nhà ở thương mại nên rất chậm, cần phải có sự thay đổi để khuyến khích phát triển phân khúc này. Đối với người dân, cần có cơ chế tài chính hỗ trợ để người thu nhập thấp mua được nhà ở xã hội.

Cùng giải bài toán nhà ở để hạn chế vi phạm xây dựng

Thời gian qua, tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp diễn ra tại huyện Bình Chánh, Hóc Môn và Củ Chi trở thành 'điểm nóng' của thành phố.

Bài toán nhà ở xã hội tại TP.HCM - Ảnh 4.

Dự kiến, đến tháng 8/2020, TP HCM sẽ hình thành xong đề án phát triển nhà ở cho người dân trong 10 năm tới

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đã đi thị sát thực tế tình trạng vi phạm trật tự xây dựng ở huyện Bình Chánh vừa qua không chỉ để chấn chỉnh công tác quản lý. Mà còn khảo sát nhu cầu nhà ở của người dân, có thể thấy nếu làm tốt việc phát triển nhà ở cho người dân, đặc biệt là những người thu nhập thấp, thì sẽ giảm bớt được tình trạng xây nhà không phép, sai phép. Người dân có nhà ở hợp pháp thì sẽ không lâm vào tình trạng "biết mà vẫn vi phạm", vì nhu cầu an cư, ổn định sinh hoạt là nhu cầu chính đáng.

"Người dân bức xúc chính đáng thì mình cũng phải bức xúc để cùng suy nghĩ, giải quyết. Nếu người dân có nhu cầu chỗ ở chính đáng mà chúng ta chưa đáp ứng được, thì phải suy nghĩ làm thế nào để đáp ứng". Ông Nhân nói.

Dự kiến, đến tháng 8/2020, TP HCM sẽ hình thành xong đề án phát triển nhà ở cho người dân trong 10 năm tới. Đây là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa phải có tầm nhìn chiến lược trong dài hạn. Trước mắt là để đáp ứng mong mỏi về chỗ ở chính đáng cho người dân TP HCM, còn về lâu dài thì lãnh đạo thành phố cần có quy hoạch khu vực phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp, tính toán về quy hoạch vùng để phát triển các khu vực lân cận.

Tháng 04/2020, sau khi làm việc với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã quyết định bố trí 3.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, trong đó phân bổ 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội và 2.000 tỷ đồng cấp bù lãi suất, phân bổ cho 04 ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank, để thực hiện ưu đãi tín dụng cho người mua nhà ở xã hội.

Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai kế hoạch xây dựng 39 dự án nhà ở xã hội với tổng số 44.701 căn hộ, và đến năm 2020, có thể hoàn thành 20.000 căn. Nhưng trên thực tế, do nguồn lực ngân sách có hạn, kể cả khi thực hiện phương thức xã hội hóa nên vẫn thiếu nguồn cung nhà ở xã hội chưa thể đáp ứng được nhu cầu nhà ở rất lớn của xã hội, nhất là tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh công nghiệp hóa cao, mà cần phải có lộ trình, kế hoạch và các giải pháp thực hiện đồng bộ.