Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Bàn giải pháp thúc đẩy Chương trình đưa thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản

(Dân sinh) - Trong bối cảnh dịch Covid-19 tại Nhật Bản ảnh hưởng tới chương trình thực tập sinh giữa hai nước, ngày 16/11, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã phối hợp với tổ chức giao lưu Nhật- Việt, Tập đoàn AIC và các tổ chức liên quan tổ chức Hội thảo xúc tiến đào tạo thực tập sinh kỹ năng lần thứ nhất nhằm thúc đẩy và triển khai tốt Chương trình đưa thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản trong tình hình mới cũng như giải quyết một số vấn đề phát sinh của Chương trình do ảnh hưởng của Covid-19 thời gian gần đây.

Kiên quyết loại bỏ những doanh nghiệp xấu tham gia phái cử lao động

Phát biểu tại điểm cầu tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng, hợp tác phát triển nhân lực giữa hai nước Việt Nam-Nhật Bản trong  thời gian qua tiếp tục được coi trọng và có bước phát triển vượt bậc.  Đến nay đã có trên 300.000 thanh niên Việt Nam tới Nhật Bản để thực tập kỹ năng. Việt Nam hiện là  một trong 15 nước đứng đầu phái cử thực tập sinh sang Nhật Bản, số lượng thực tập sinh tại Nhật Bản hiện nay là trên 200.000 người và hiện có khoảng 435 doanh nghiệp tham gia phái cử.

Tuy nhiên, bên cạnh số lượng thực tập sinh tăng thì vẫn còn nhiều điều cần chấn chỉnh như tình trạng thực tập sinh vi phạm pháp luật, bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp… Nguyên nhân là do không thực hiện tốt việc tuyển chọn, đào tạo ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho thực tập sinh trước khi xuất cảnh, một bộ phận doanh nghiệp, nghiệp đoàn thu tiền dịch vụ cao hơn mức quy định, giữ tiền đặt cọc của thực tập sinh, điều kiện làm việc và thu nhập thấp hơn mức quy định….

"Sau khi Bản ghi nhớ hợp tác về thực tập sinh kỹ năng (MOC) giữa hai nước được ký kết, các tổ chức quản lý lao động giữa hai nước đã tăng cường các biện pháp nhằm hạn chế và ngăn chặn tình trạng này. Cụ thể, trên cơ sở tiêu chuẩn MOC, Việt Nam cũng như các tổ chức của Nhật Bản đã xây dựng cơ chế làm việc định kỳ,  trao đổi thông tin, phối hợp xử lý vi phạm nhằm kiên quyết loại bỏ những doanh nghiệp xấu tham gia phái cử. Thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam cũng đã  thu hồi giấy phép và đình chỉ một số hoạt động của doanh nghiệp vi phạm", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin.

Bàn giải pháp thúc đẩy Chương trình đưa thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản - Ảnh 1.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, Việt Nam sẽ kiên quyết loại bỏ những doanh nghiệp xấu tham gia phái cử lao động (Ảnh: Tống Giáp)

Nhân  dịp này, Bộ trưởng cũng thông báo với phía Nhật Bản, ngày 13/11 vừa qua, Quốc hội Việt Nam cũng đã chính thức  thông qua qua Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó có rất nhiều điểm mới. Cụ thể: mở rộng đối tượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài;  bổ sung  thêm các chính sách khuyến khích để  nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuât cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với thị trường lao động; phát huy và sử dụng có  hiệu quả nguồn lao động từ nước ngoài trở về;  đảm bảo cơ hôi việc làm và kiên quyết không phân biệt đối xử trong hoạt động tuyển chọn, đào tạo bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp, ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Luật mới cũng đã sửa đổi , bổ sung thêm các quy định nhằm tăng cường quản lý hoạt động của các doanh nghiệp nhất là các chi nhánh, các đầu mối hoạt động và kiên quyết xử lý  nghiêm minh tất cả các doanh nghiệp, các nghiệp đoàn vi phạm; quy định chặt chẽ các điều kiện khi cấp giấy phép dịch vụ và công khai, minh bạch các chế độ thu của người lao động…

"Dịch Covid -19 đã làm đã ảnh hưởng rất lớn đến việc phái cử lao động giữa hai nước. Hiện nay ở trong nước Việt Nam có hàng chục nghìn lao động theo chương trình hợp tác giữa hai nước đã trúng tuyển đi thực tập kỹ năng tại Nhật Bản và đã hoàn thành các chương trình đào tạo, giáo dục  định hướng nhưng do dịch bệnh nên chưa thể xuất cảnh được. Vì vậy, chúng tôi rất  hoan nghênh Chính phủ Nhật Bản đã có chủ trương mở cửa trở lại để tiếp nhận lao động. Nhân dịp này,  chúng tôi đề nghị, bên cạnh việc tăng cường số lượng lao động thì có thể áp dụng các giải pháp để một số  doanh nghiệp phối hợp với nhau, thống nhất cùng chung các chuyến bay đưa lao động Việt Nam đi, như thế vừa tiết kiệm cho người lao động, vừa tiết kiệm cho doanh nghiệp, đồng thời đáp ứng được nhu cầu giữa hai quốc gia.  Thời gian tới, trên cơ sở MOC đã ký kết giữa hai bên, tôi đề nghị phía Nhật Bản tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng  phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam để thực hiện tốt các quy định mà hai bên đã ký kết, hạn chế các hiện tượng tiêu cực, tăng cường quan hệ  hợp tác Việt Nam- Nhật Bản ngày càng hiệu quả hơn", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Bàn giải pháp thúc đẩy Chương trình đưa thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản - Ảnh 2.

Đại diện phía Nhật Bản khẳng định sẽ cải thiện mỗi trường sống và làm việc của thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản (Ảnh: Tống Giáp)

Chia sẻ  tại hội thảo về vấn đề ứng dụng công nghệ trong tuyển dụng, đào tạo và quản lý thực tập sinh ở nước ngoài, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Tập đoàn AIC cũng cho biết, mong muốn của AIC là hệ thống hóa và chuẩn hóa toàn bộ các quy trình có liên quan đến công tác thực tập sinh; nâng cao số lượng và chất lượng của thực tập sinh kỹ năng; nỗ lực tối đa để có thể hạn chế và giải quyết kịp thời các phát sinh có thể xảy ra; đặc biệt là hỗ trợ các đối tượng lao động nghèo, bộ đội suất ngũ, học sinh, sinh viên có mong muốn nâng cao trình độ, cải thiện cuộc sống và có tương lai tốt đẹp khi đi làm việc tại Nhật Bản

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, hợp tác về lao động giữa Việt Nam và Nhật Bản là chương trình hợp tác quan trọng hàng đầu trong hơp tác Việt- Nhật. Nhiều lao động Việt Nam ở Nhật Bản khi trở về nước đã đóng góp rất quan trọng vào sự phát triển của đất nước. Ông Lộc cho biết, thời gian tới, VCCI  sẽ hợp tác chặt chẽ với các đơn vị có liên quan của Việt Nam và Nhật Bản trong quá trình hỗ trợ tuyển dụng lao động Việt Nam và tạo công ăn việc làm cho họ khi trở về nước. Chủ tịch VCCI cũng hoan nghênh sáng kiến của Tập đoàn AIC trong việc ứng dụng giải pháp công nghệ trong  tuyển dụng, đào tạo, và quản lý thực tập sinh ở nước ngoài. Theo ông Lộc, việc  lập danh sách lao động Việt Nam làm việc tại Nhật Bản sẽ giúp họ khi trở về nước sẽ có doanh nghiệp nhanh chóng đón họ vào làm việc, giúp Viêt Nam tận dụng được nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự phát triển đất nước thời gian tới.

Nhật Bản sẽ tiếp tục cải thiện điều kiện sống và làm việc của thực tập sinh Việt Nam

Bàn giải pháp thúc đẩy Chương trình đưa thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản - Ảnh 3.

Các đại biểu Dự Hội thảo tại điểm cầu Bộ LĐ-TB&XH (Ảnh: Tống Giáp)

Tại đầu cầu Nhật Bản, ông Vũ Hồng Nam – Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản  cũng nhận định, thời gian qua, hợp tác lao động giữa Việt Nam và Nhật Bản là một thành công rất lớn. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều những tồn tại và phải tìm được nguyên nhân của những tồn tại đó. Ông Nam đề nghị các doanh nghiệp cần tập trung vào công tác đào tạo tu nghiệp sinh, để họ khi sang Nhật có thể trở thành những đại sứ đóng góp xây dựng cho mối quan hệ hữu nghị Việt- Nhật.

 Ông Kobayashi Kenichi- Cục trưởng Cục Nam Châu Á, Bộ ngoại giao Nhật Bản cho biết, vào tháng trước khi Thủ tướng Nhật Bản sang thăm Việt Nam trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi lên nhậm chức, ông đã khẳng định với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc rằng, mối quan hệ giữa hai nước đang trong giai đoạn tốt đẹp nhất trong lịch sử từ trước đến nay. Các thưc tập sinh kỹ năng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ phát triển nền kinh tế của Nhật Bản ngày nay. Trong bối cảnh đó, Thủ tướng hai nước đã nhất trí sẽ tiếp tục làm việc để đảm bảo rằng Chương trình hợp tác đưa thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản ngày càng phát triển tích cực.  Khi dịch Covid-19 tiếp tục gia tăng, Nhật Bản tuyên bố tình trạng khẩn cấp thì phía Nhật Bản buộc phải tạm dừng tiếp nhận người nước ngoài vào Nhật Bản. Trong bối cảnh đó, việc nhập cảnh của các thực tập sinh đã trở nên rất khó khăn. Tuy nhiên, trên cơ sở thỏa thuận giữa hai nước, phía Nhật Bản đã áp dụng biện pháp ngoại lệ cho phép tái triển khai Chương trình tiếp nhận thực tập sinh kỹ năng, hai nước cũng đã ký thỏa thuận chấp thuận tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản với điều kiện khi họ sang Nhật Bản phải kiểm tra sức khỏe và có thời gian cách ly hai tuần.

"Chúng tôi cũng hiểu rằng, khi dịch bệnh lây lan và kéo dài, cuộc sống của thực tập  sinh Việt Nam cũng trở nên khó khăn hơn, rất nhiều thực tập sinh kỹ năng mất việc, không thể về nước. Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ ngành liên quan ngăn chặn các công ty môi giới xấu và loại bỏ tình trạng thực tập sinh phải trả quá nhiều chi phí trước khi xuất cảnh cũng như cố gắng cải thiện mỗi trường sống và làm việc của thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản.", ông Kobayashi Kenichi cam kết.

Theo số liệu của Cục Quản lý lao động ngoài nước, hiện nay, chương trình hợp tác lao động giữa hai nước đang phát triển thuận lợi. Đến cuối năm 2019 có khoảng 220.000 thực tập sinh Việt Nam đang thực tập tại Nhật Bản. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, đến hết năm 2020 có khoảng 40.000 thực tập sinh đang chờ xuất cảnh, khoảng 15.000 thưc tập sinh đã hết hạn hợp đồng nhưng không thể về nước. Thời gian gần đây đã phát sinh các vấn đề vi phạm quy định, luật pháp Nhật Bản liên quan tới công dân, thực tập sinh Việt Nam gây dự luận không tốt trong cộng đồng Nhật Bản.