Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Bàn giao 669 kết quả giám định ADN hài cốt liệt sĩ

Từ tháng 8/2019 đến tháng 7/2020, trung tâm tiến hành 2870 lượt phân tích mẫu hài cốt liệt sĩ và 180 lượt phân tích mẫu thân nhân. Kết quả thu được 669 trường hợp mẫu hài cốt cho ra dữ liệu ADN có chất lượng tốt có thể được dùng cho so sánh đối khớp.

Chiều 27/7, tại Hà Nội, Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã tổ chức bàn giao kết quả giám định ADN hài cốt liệt sĩ chưa rõ thông tin năm 2020 và kỷ niệm 1 năm khai trương Trung tâm giám định ADN.

Mẫu giám định hài cốt liệt sĩ được Trung tâm và Cục Người có công lấy tại một số nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước (Vị Xuyên, Sông Mã, Việt Lào...), từ tháng 7/2019 đến nay. Sau 12 tháng, đã có 2.870 lượt phân tích mẫu hài cốt liệt sĩ và 180 lượt phân tích mẫu thân nhân được thực hiện. Kết quả thu được 669 trường hợp cho ra dữ liệu ADN có chất lượng tốt có thể được dùng cho so sánh đối khớp.

Bàn giao 669 kết quả giám định ADN hài cốt liệt sĩ - Ảnh 1.

Trung tâm giám định ADN, Viên Công nghệ Sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trao kết quả giám định ADN cho Cục Người có công.

PGS. TS Phí Quyết Tiến, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học cho biết, các cán bộ nghiên cứu, nhà khoa học đã nỗ lực để hoàn thành kết quả thực hiện nhiệm vụ định danh liệt sĩ. Ngoài giám định theo quy trình thường quy, bước đầu các nhà khoa học đã áp dụng kỹ thuật giải trình tự gene cho phép một lần chạy máy đạt 62 mẫu.

Cán bộ của Trung tâm đã làm chủ toàn bộ hệ thống thiết bị và hoàn thiện công nghệ. Trung tâm đã xây dựng, tối ưu hóa quy trình tách chiết ADN từ các mẫu xương. Trong đó có các quy trình tách chiết ADN từ xương lâu năm bằng phương pháp hữu cơ; tách chiết ADN từ xương lâu năm bằng hệ máy tự động EZ1 - Advantage và tách chiết ADN từ xương lâu năm bằng phương pháp tủa Isopropanol.

Trung tâm giám định ADN – Viện Công nghệ sinh học (Trung tâm) là một trong ba đơn vị chủ chốt được Chính phủ giao nhiệm vụ phân tích ADN để định danh cho các mẫu hài cốt liệt sĩ (Đề án 150), bên cạnh Viện Pháp y Quân đội (Bộ Quốc Phòng) và Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an).

Trung tâm được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hiện đại, bao gồm tổ hợp 10 phòng sạch với các chức năng xử lý mẫu hài cốt và mẫu thân nhân, các phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu và phát triển, khu vực lưu trữ mẫu, khu vực kiểm định/kiểm chuẩn, hệ thống server và hệ thống văn phòng trên diện tích 750 m2. Bên cạnh đó, Trung tâm Giám định ADN còn được được trang bị các thiết bị phục vụ cho công việc tách chiết ADN tự động, khuếch đại và kiểm định ADN, hệ thống giải trình tự ADN thế hệ mới, hệ thống server lưu trữ và phân tích dữ liệu…

Bên cạnh đó, Trung tâm cũng bước đầu thử nghiệm xây dựng quy trình giám định mới trên hệ máy giải trình tự thế hệ mới với mục đích tăng độ chính xác với những mẫu xương lâu năm và mẫu xương thoái hóa.

Bàn giao 669 kết quả giám định ADN hài cốt liệt sĩ - Ảnh 2.

Cán bộ Trung tâm ADN làm việc

Hiện nay, Trung tâm là đơn vị duy nhất tại Việt Nam có khả năng sử dụng các hệ máy giải trình tự hiện đại nhất thế giới áp dụng vào phân tích các mẫu hài cốt. Đây là những tiền đề quan trọng để trung tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ giám định nhận dạng hài cốt liệt sĩ.

Đặc biệt, Trung tâm đã tối ưu hóa quy trình giám định trên các hệ máy sẵn có, tăng công suất tách chiết và phân tích từ 60 mẫu/tháng (2018) lên 96 mẫu/ tuần. Xây dựng 4 cơ sở dữ liệu các dân tộc Kinh, Mông, Ê Đê, Tu Dí nhằm phục vụ cho công tác giám định và tăng độ chính xác cho các kết quả giám định. Trong đợt giãn cách xã hội do dịch COVID-19, Trung tâm cũng đã tham gia giải mã toàn bộ trình tự gene virus SARS-CoV-2 trong 4 ngày từ hệ máy giải trình tự sẵn có của trung tâm. Với công nghệ giải trình tự thế hệ 3 của trung tâm, hệ gene virus có thể được giải mã và lắp ráp mà không cần hệ gene tham chiếu đáp ứng được khả năng ứng biến khi có một dịch bệnh mới do virus gây ra mà không phải chờ đợi sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế.

Trung tâm cũng đã và đang hợp tác chặt chẽ với các tổ chức lớn tại Hoa Kỳ như dự án USAID hỗ trợ cung cấp và nâng cao năng lực kỹ thuật để sử dụng thông tin ADN nhằm phân tích và xác định danh tích hài cốt liệt sĩ Việt Nam. Các tổ chức nước ngoài như Ủy ban quốc tế về người mất tích (ICMP), Phòng thí nghiệm nhận dạng ADN của lực lượng vũ trang Hoa Kỳ (AFDIL) và tập đoàn QIAGEN (Đức) cùng song hành góp phần hiện đại hóa công nghệ giám định với những mẫu khó tại Việt Nam.

Sau 1 năm khai trương và đi vào hoạt động, Trung tâm đã thực hiện tốt nhiệm vụ và vai trò nòng cốt của mình trong việc giám định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục triển khai ứng dụng các quy trình đã tối ưu để định danh cho hơn 4.000 liệt sĩ cụ thể, góp phần trả lại tên cho các liệt sĩ không biết tên.

Cục trưởng Cục Người có công, Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Lợi cho biết, hiện Việt Nam còn khoảng 500.000 hài cốt liệt sĩ chưa được định danh, trong đó hơn 200.000 hài cốt nằm rải rác ở các tỉnh phía nam, Lào và Campuchia; khoảng 300.000 hài cốt liệt sĩ đã được quy tập và an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ nhưng còn thiếu thông tin. Trong những năm qua, công tác định danh hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin ở nước ta được thực hiện với hai hình thức: phương pháp phân tích di truyền (ADN) và phương pháp thực chứng (thông qua các thông tin tìm kiếm, quy tập, bằng chứng do đồng đội hoặc người dân cung cấp...). Trong đó, phương pháp giám định ADN là phương pháp khoa học và đem lại kết quả cao trong việc định danh hài cốt và tìm kiếm thông tin các liệt sĩ.

"Hiện nay có 3 đơn vị nhà nước tham gia giám định ADN liệt sĩ chưa rõ thông tin. Trong đó, từ năm 2000, Trung tâm giám định ADN - Viện Công nghệ sinh học bắt đầu sử dụng ADN trong phân tích giám định hài cốt liệt sĩ. Đến năm 2019, Trung tâm giám định ADN được thành lập để đảm nhiệm công việc này. Mặc dù tốc độ xử lý của Trung tâm hiện nay là khá nhanh nhưng chúng ta cần phải nỗ lực hơn nữa để các liệt sĩ sớm được đoàn tụ với gia đình" - Cục trưởng Đào Ngọc Lợi nói.

Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục triển khai ứng dụng các qui trình đã tối ưu để định danh cho hơn 4.000 liệt sĩ cụ thể, góp phần trả lại tên cho các liệt sĩ không biết tên và phần nào đáp ứng yêu cầu của nhân dân và kỳ vọng của Chính phủ.