Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Báo cáo PAPI 2019: Kiểm soát tham nhũng khu vực công cải thiện mạnh mẽ

(Dân sinh) - Kết quả khảo sát PAPI năm 2019 cho thấy, lĩnh vực Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công và Công khai, minh bạch trong ra quyết định ghi nhận mức cải thiện mạnh mẽ nhất. Tuy nhiên, người dân vẫn còn 3 mối quan ngại lớn nhất là tham nhũng, đói nghèo và ô nhiễm môi trường.

Người dân hài lòng với nỗ lực chống tham nhũng

Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) là khảo sát hàng năm do nhóm chuyên gia của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc thực hiện.

Báo cáo PAPI 2019 vừa được công bố, đã lựa chọn ngẫu nhiên và phỏng vấn trực tiếp 14.138 công dân Việt Nam trên 63 tỉnh thành để đo lường hiệu quả các lĩnh vực điều hành, thực thi chính sách, cung ứng dịch vụ công dựa trên đánh giá và trải nghiệm của người dân.

Báo cáo cho thấy, tổng điểm trung bình chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) gốc (gồm 6 chỉ số lĩnh vực nội dung ban đầu) có sự cải thiện đáng kể, từ 34 điểm năm 2015 lên 37,4 điểm năm 2019.

Đáng chú ý, trong năm 2019, lĩnh vực Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công và Công khai, minh bạch trong ra quyết định ghi nhận mức cải thiện mạnh mẽ nhất. Kết quả này phù hợp với những nỗ lực chống tham nhũng thu hút sự quan tâm lớn của công luận.

Tuy điểm của chỉ số Kiểm soát tham nhũng đã cải thiện, vẫn còn tỷ lệ đáng kể (từ 20 đến 45%) người dân cảm nhận tham nhũng còn phổ biến trong một số dịch vụ công. 

Đặc biệt, kết quả PAPI 2019 cho thấy nhũng nhiễu, vòi vĩnh trong dịch vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không những không chuyển biến mà còn tăng đáng kể trong năm 2019. 

Ước tính tỉ lệ người dân đã phải trả chi phí ngoài quy định để làm xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tăng từ 15% năm 2018 lên 22,5% năm 2019.

Ba lĩnh vực Tham gia của người dân ở cấp cơ sở, Trách nhiệm giải trình với người dân, Cung ứng dịch vụ công được cải thiện rất ít. Điểm số của lĩnh vực Thủ tục hành chính công thậm chí đi xuống một chút trong năm 2019.

Mức biến chuyển rõ rệt nhất quan sát được ở chỉ số nội dung “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” và “Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định”. Đây là sự ghi nhận kết quả của nhiều nỗ lực đổi mới đã được nhiều báo cáo đề cập, trong đó có nỗ lực giải quyết các vụ việc tham nhũng lớn và việc ban hành và thực hiện Luật Tiếp cận thông tin 2016 và Luật Phòng, chống tham nhũng 2018.

Quan ngại đói nghèo vì không có BHXH

Đặc biệt, trong đánh giá tổng quan hiệu quả quản trị và hành chính công cấp quốc gia năm 2019, nghiên cứu PAPI cũng đo lường đánh giá của người dân về những vấn đề đáng quan ngại nhất trong năm.

Theo kết quả báo cáo, đây là năm thứ 5 năm liên tiếp, nghèo đói vẫn là vấn đề người dân lo ngại nhất và cần Nhà nước ưu tiên giải quyết. Gần 1/4 số người tham gia khảo sát coi đây là mối lo ngại chính, so với chỉ có 5,05% người trả lời coi tham nhũng là vấn đề lo ngại hàng đầu.

Báo cáo cho thấy, mặc dù tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong hai năm 2018 và 2019 đạt mức 7%, mức cao nhất liên tục trong thập niên qua, vẫn có tới gần 25% người dân trả lời khảo sát PAPI tiếp tục cho rằng "đói nghèo là mối quan ngại lớn nhất trong năm 2019".

Câu hỏi được đặt ra là, tại sao người dân vẫn lo ngại về đói nghèo; trong khi các khảo sát cũng chỉ ra rằng, đa số người dân cho biết điều kiện kinh tế của gia đình họ đã được cải thiện?

Theo nhóm chuyên gia PAPI, giải thích có sức thuyết phục nhất trong khảo sát năm 2019 là khi so sánh giữa nhóm người có BHXH và không có BHXH. Đây là tiêu chí quan trọng khi đánh giá mức độ hài lòng của người dân trong tình hình đại dịch Covid-19 đã tác động đến kinh tế tất cả các quốc gia.

Gói hỗ trợ an sinh xã hội chưa có tiền lệ ước tính 62.000 tỷ đồng sẽ giúp giải quyết một số vấn đề này.

"BHXH có vai trò bảo vệ cho người lao động khi họ bị mất việc làm. Trong khi đó, diễn tiến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã khiến tỷ lệ người mất việc làm nhiều hơn. Đó là lý do có tới 27% người không có BHXH tham gia khảo sát cho rằng đói nghèo là quan ngại hàng đầu, trong khi chỉ có 18% người thuộc nhóm người có BHXH có chung nhận định này", các chuyên gia phân tích.

Theo kết quả khảo sát, những người làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp có rất ít điều kiện tham gia vào bất kỳ loại BHXH nào. Đây cũng là lý do quan trọng khiến những người làm trong lĩnh vực nông nghiệp lo ngại họ bị rơi vào nghèo đói trong tương lai.

Những người có công việc bấp bênh trong khu vực phi chính thức có xu hướng quan ngại về nghèo đói hơn, do họ ít được hưởng các phúc lợi khác ngoài tiền công lao động.

Chỉ an tâm khi có BHXH cho mai này

Việc không có BHXH, đặc biệt trong hoàn cảnh Việt Nam xảy ra thiên tai, hoặc đại dịch nào đó, những quan ngại tương lai mình sẽ ra sao khi mất việc làm đã khiến người dân càng lo ngại về đói nghèo và hy vọng Nhà nước giải quyết vấn đề này nhất.

"Phát hiện này cho thấy, mối quan ngại về đói nghèo không chỉ bị tác động bởi mức thu nhập, mà còn bởi cảm giác an tâm khi có BHXH cho mai này. Rất có thể những người không có lương hưu từ BHXH quan ngại hơn về mức thu nhập và tính ổn định của thu nhập hiện có", Báo cáo nhận định.

Trong khi đó, lao động và việc làm tiếp tục nằm trong nhóm 4 vấn đề người dân quan ngại nhất từ năm 2015, bất chấp nền kinh tế tăng trưởng nhanh và tạo ra nhiều việc làm mới.

Những quan ngại này có khả năng gia tăng trong những tháng tới, khi có nhiều người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Sự thiếu chắc chắn về nguồn lực dự phòng trong tương lai dường như khiến người dân lo lắng hơn.

"Các kết quả mang tính đại diện quốc gia về những vấn đề người dân quan ngại nhất bao gồm nghèo đói và mất việc làm, và đánh giá của người dân về những ưu tiên cải cách gần đây trong kiểm soát tham nhũng cung cấp góc nhìn hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách khi Việt Nam bước sang giai đoạn hồi phục sau dịch Covid-19," bà Cailtin Wiesen, Đại diện Thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam, nhấn mạnh tại lễ công bố trực tuyến.

Thêm vào đó, vấn đề tăng trưởng kinh tế và ô nhiễm môi trường quay trở lại là một trong ba nhóm mối quan ngại hàng đầu của người trả lời khảo sát PAPI năm 2019, tương tự kết quả khảo sát năm 2016 sau thảm họa ô nhiễm môi trường biển và cá chết hàng loạt.

Người dân cũng nhấn mạnh mong muốn đất nước phát triển bền vững, rất phù hợp với bối cảnh Việt Nam đang xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021- 2030.