Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Báo chí- Doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ vì một Việt Nam phát triển thịnh vượng

Ngày 29/6, tại Hà Nội, Tạp chí Người Làm Báo, Ban Nghiệp vụ – Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp tổ chức diễn đàn “Báo chí – doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ vì một Việt Nam phát triển thịnh vượng” với sự tham gia của trên 100 đại biểu là lãnh đạo cơ quan quản lý Nhà nước, Hội Nhà báo Việt Nam, lãnh đạo các cơ quan báo chí ở Trung ương và Hà Nội, các cấp Hội Nhà báo và các doanh nhân, doanh nghiệp.

Diễn đàn Báo chí - doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ vì một Việt Nam phát triển thịnh vượng là cơ hội để các cơ quan báo chí, các nhà báo, doanh nghiệp thảo luận, phân tích làm rõ thực trạng, vấn đề đặt ra trong hoạt động thực tiễn về mối quan hệ giữa báo chí - doanh nghiệp; chia sẻ kinh nghiệm tác nghiệp, nâng cao hơn nữa hiệu quả truyền thông doanh nghiệp; khẳng định vai trò của báo chí là cầu nối giữa Nhà nước với doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền phát triển kinh tế, xây dựng chiến lược truyền thông doanh nghiệp hiệu quả, từ đó xây dựng một nền kinh tế phát triển bền vững vì một Việt Nam phát triển thịnh vượng.

Ông Lê Quốc Minh - Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.

Ông Lê Quốc Minh - Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong hai năm rưỡi qua, Việt Nam đã giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo, an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được ổn định, tạo niềm tin, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam cũng là một trong những nước được thế giới đánh giá trên đà phục hồi vững chắc và dự báo có tốc độ tăng trưởng cao trong năm 2023. Đây chính là thành quả xứng đáng khi chúng ta thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa chống dịch hiệu quả, vừa ổn định sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh khẳng định, trong quá trình thực hiện “mục tiêu kép”, báo chí đã thể hiện vai trò quan trọng trong việc phản ánh kịp thời những khó khăn của doanh nghiệp khi phải đảm bảo vừa sản xuất vừa phải chống dịch, qua đó, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước. Trong bối cảnh dịch bệnh xuất hiện nhiều thông tin xấu độc gây hoang mang dư luận, thì những thông tin chính thống trên báo chí đã trở thành điểm tựa cho doanh nghiệp vững tin kinh doanh sản xuất. Bên cạnh đó, quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp còn thể hiện ở sự đồng hành trong hoạt động xây dựng thương hiệu, quảng cáo sản phẩm.

Diễn đàn góp phần khẳng định vai trò của báo chí là cầu nối giữa Nhà nước với doanh nghiệp

Diễn đàn góp phần khẳng định vai trò của báo chí là cầu nối giữa Nhà nước với doanh nghiệp

 “Sự minh bạch được hiểu là thái độ hợp tác tích cực, cởi mở về thông tin giữa doanh nghiệp và báo chí, ngay cả trong trường hợp thông tin bất lợi đối với doanh nghiệp. Khả năng tạo ra kênh đối thoại thẳng thắn, trực diện sẽ giúp cho doanh nghiệp tránh khỏi các thông tin đồn đại, thiếu chính xác, hoặc ít nhất có thể tạo ra các cơ hội giải quyết khủng hoảng truyền thông một cách tích cực. Đương nhiên, tinh thần thiện chí, khách quan của báo chí trước các vấn đề của doanh nghiệp cũng đồng nghĩa với tính nghiêm túc, độ tin cậy của cơ quan báo chí. Sự minh bạch chính là mối quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi giữa báo chí và doanh nghiệp. Báo chí cần doanh nghiệp, không phải với tư cách các nhà quảng cáo có thể mở hầu bao nuôi sống báo chí, mà như những nguồn thông tin minh bạch, chính xác, tạo ra giá trị tin cậy cao đối với bạn đọc. Ngược lại, doanh nghiệp cần báo chí với tư cách các kênh truyền thông trung lập, mạnh mẽ, hiệu quả, để thông điệp truyền thông của doanh nghiệp được lan toả tới công chúng. Thời gian tới, tình hình địa chính trị thế giới, nhất là xung đột Nga - Ukraine và hậu đại dịch COVID-19 sẽ tác động tiêu cực lên nền kinh tế toàn cầu, như áp lực lạm phát, lãi suất, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu… Các vấn đề về an ninh phi truyền thống, an ninh lương thực, an ninh năng lượng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp”, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh nhấn mạnh.

Các ý kiến, tham luận tại Diễn đàn đều khẳng định: Thời gian tới, mối quan hệ đồng hành giữa báo chí - doanh nghiệp cần được duy trì, phát triển hơn nữa. Tuy nhiên, để mối quan hệ này thực sự có hiệu quả, các doanh nghiệp cần chủ động, minh bạch thông tin với báo chí. Cơ quan báo chí cần phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, đề cao đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Các phóng viên, nhà báo phụ trách thông tin về lĩnh vực này cần được trang bị kiến thức cơ bản về kinh tế; thông tin chính xác, khách quan, đa chiều, tránh gây hoang mang dư luận. Bà Trần Thị Lan Anh, Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, báo chí cần thực hiện tốt tôn chỉ mục đích, thông tin trung thực, khách quan, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, hạn chế các hoạt động tiêu cực và thông tin sai lệch, không chính xác, ảnh hưởng đến doanh nghiệp và môi trường kinh doanh; đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí, đồng thời phát huy vai trò của báo chí cho việc cổ vũ, góp phần xây dựng văn hóa, chuẩn mực đạo đức kinh doanh văn minh hội nhập cho doanh nghiệp.