Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Bảo hiểm thất nghiệp đóng vai trò quan trọng trong công tác an sinh xã hội

(Dân sinh) - Bảo hiểm thất nghiệp đã và đang đóng vai trò quan trọng trong quá trình sử dụng nhân lực của xã hội. Bảo hiểm thất nghiệp giúp đảm bảo một phần an sinh xã hội khi giải quyết được một khó khăn cho người lao động khi họ bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì và tìm kiếm việc làm, hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề…

Đánh giá kết quả thực hiện bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian qua, ông Trần Tuấn Tú, Trưởng Phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Cục Việc làm - Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cho biết, tổng kết lại 10 năm thực hiện bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn năm 2009-2018, có 10 thành tựu nổi bật: Chính sách bảo hiểm thất nghiệp liên tục được khẳng định trong văn bản Luật và được hướng dẫn đầy đủ, kịp thời; tính đến hết năm 2018, cả nước có gần 13 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, chiếm 25,8% lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt so với dự kiến; hỗ trợ cho gần 5 triệu lượt người hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong đó có 96,8% được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; thực hiện bảo hiểm thất nghiệp đảm bảo nguyên tắc chia sẻ, đóng - hưởng và an toàn Qũy; hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề ngày càng được tăng cường hiệu quả; việc triển khai thực hiện bảo hiểm thất nghiệp đảm bảo theo phương châm 3 đúng "Đúng đối tượng, đúng chế độ, đúng thời hạn"; bảo hiểm thất nghiệp thực sự trở thành điểm tựa của người lao động và người sử dụng lao động; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính và hợp tác quốc tế trong việc thực hiện bảo hiểm thất nghiệp; phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp trong việc thực hiện bảo hiểm thất nghiệp; bảo hiểm thất nghiệp được các ngành, các cấp và xã hội đánh giá cao.

Bảo hiểm thất nghiệp đóng vai trò quan trọng công công tác an sinh xã hội - Ảnh 1.

Ông Trần Tuấn Tú, Trưởng Phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Cục Việc làm - Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội.

Hiện nay, chính sách bảo hiểm thất nghiệp do 2 cơ quan thực hiện: Cơ quan bảo hiểm xã hội thu, chi và quản lý Quỹ bảo hiểm thất nghiệp; cơ quan lao động (chủ yếu là trung tâm dịch vụ việc làm) tiếp nhận và giải quyết hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp cũng gây khó khăn cho người lao động khi phải đi lại hai cơ quan trong quá trình hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Mặt khác, việc kết nối, liên thông cơ sở dữ liệu thu, chi với tiếp nhận giải quyết hưởng bảo hiểm thất nghiệp giữa hai ngành lao động-thương binh và xã hội với ngành bảo hiểm xã hội đang trong lộ trình thực hiện nên mất khâu trung gian làm phát sinh thời gian và chi phí thực hiện.

Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. Cần Thơ, ông Tiêu Minh Dưỡng, Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội TP. Cần Thơ cho biết, Trong những năm qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. Cần Thơ (Trung tâm Cần Thơ), nhận thức việc được tham gia thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo Luật Việc làm vừa là trách nhiệm, vinh dự để để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người lao động và đơn vị sử dụng lao động (khách hàng), vừa là cơ hội để khẳng định và nâng cao năng lực, vị thể của mình.

Bảo hiểm thất nghiệp đóng vai trò quan trọng công công tác an sinh xã hội - Ảnh 2.

TP. Cần Thơ chú trọng thực hiện tốt bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động...

Số lượng hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trong 9 tháng đầu năm 2019 là 8.634 hồ sơ tăng 10,69% so với cùng kỳ năm 2018 (7.800 hồ sơ), trong đó số hồ sơ tiếp nhận tại Trụ sở chính: 5.296 hồ sơ; Văn phòng Phước Thới: 1.771 hồ sơ; Văn phòng Thới Lai: 451 hồ sơ và Văn phòng Thốt Nốt: 1.116 hồ sơ.

Trong 9 tháng đầu năm 2019, tỷ lệ rà soát kiểm tra, thẩm định hồ sơ và dự thảo quyết định đúng đối tượng, quy trình và tiến độ cũng như tỷ lệ theo dõi hồ sơ đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, lưu trữ hồ sơ kịp thời, đúng quy định đạt 100%.