Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Báo in trong cơn "cuồng phong" thời công nghệ 4.0

(Dân sinh) - Trước sự bùng nổ của thời đại công nghệ 4.0, sự phát triển "chóng mặt" của các dịch vụ internet, máy tính, smat phone thông minh…báo mạng điện tử đang ngày càng chiếm ưu thế bởi tính nhanh chóng, ưu việt, điều này đã làm xáo trộn, giảm sâu số lượng phát hành mà báo giấy trước đây chiếm lĩnh.

Báo in trong suy nghĩ của giới trẻ

Trong một chuyến công tác tại Hà Nội vào trung tuần tháng năm, Nhà báo Hải Luận (Báo Biên Phòng) kể, khoảng 4h sáng tôi đến "chợ báo" bờ hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, thấy công đoạn cuối cùng của báo in. Ấn tượng nhất là người đàn ông quê Hưng Yên đã 30 năm bán báo dạo ở Thủ đô Hà Nội. Ông nói, trước đây dân bán báo dạo nhiều lắm, vì lúc đó kiếm ăn được, ngày kiếm 300 - 500.000 đồng/ngày. Gặp những vụ án chấn động sẽ kiếm cả triệu, thế nên dân bán báo dạo có rất nhiều. Bây giờ chỉ còn một mình ông bán báo dạo ở Hà Nội, bắt đầu từ 5h nhận báo, đóng báo, đạp xe bán đến 2h chiều, kiếm được 100.000 đồng. Tiền nhà 1 triệu/tháng, tiền ăn 1 triệu, còn dư 1 triệu. Mùa mưa thì ế hơn nữa. Âu cũng là thời đại công nghệ.

Báo in trong cơn "cuồng phong" thời công nghệ 4.0 - Ảnh 1.

Khó tìm văn hóa đọc báo giấy trong giới trẻ thời bùng nổ công nghệ 4.0

Không chỉ ở thủ đô, báo giấy ở các tỉnh lẻ cũng khó khăn không kém. Trước đây, thị trường báo giấy ở TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, có thể nói rất thịnh hành, lượt phát hành lên đến vài ngàn tờ mỗi ngày bởi nhu cầu thông tin của nhiều lượt đọc giả đến từ nhiều lứa tuổi như thanh niên, trung niên, đến những người hưu trí. Tuy nhiên, với sự phát triển "chóng mặt", ra đời của các thế hệ smat phone thông minh đã khiến báo in ngày càng bị giới trẻ quên lãng.

Hiện nay, mỗi khi bước ra đường, những nơi công cộng, công sở, quán cà phê… chúng ta đều dễ dàng bắt gặp những chiếc smat phone thông minh có kết nối internet được giới trẻ sử dụng phổ biến. Dù ở đâu, làm gì, những chiếc điện thoại này không hề rời mắt của giới trẻ nói chung và người dùng mạng di động nói riêng. Nó đã trở thành vật bất ly thân, trở thành món ăn tinh thần không thể thiểu trong thực đơn mỗi ngày của giới trẻ.

Báo in trong cơn "cuồng phong" thời công nghệ 4.0 - Ảnh 2.

Người đàn ông ở Hưng Yên 30 năm hành nghề bán bao dạo (ảnh Hải Luận)

Anh Nguyễn Văn Chiến (30 tuổi, ngụ TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) chia sẻ: "Mình chuyên phân phối sản phẩm Osi cho các đại lý, cửa hàng bán lẻ trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột và những vùng lân cận, công việc hàng ngày cũng rất bận rộn. Tuy nhiên, trước năm 2015 khi những chiếc smat phone thông minh chưa thịnh hành, chưa có điều kiện để sở hữu bởi giá cả cao so với thu nhập, thế nên để tiếp cận thông tin thời sự tôi lại ra sạp báo để mua báo giấy rồi ra quán cà phê ngồi đọc. Thói quen đọc báo giấy vào mỗi buổi sáng, nhâm nhi ly cà phê như trước đây đã không còn bởi nay tôi đã sở hữu chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet vì vậy việc cập nhật thông tin rất tiện lợi, nhanh chóng, dù ngồi bất kỳ nơi đâu cũng có thể lướt đọc mà không cần phải mất thời gian đi tới rạp mua báo như trước đây".

Báo in trong cơn "cuồng phong" thời công nghệ 4.0 - Ảnh 3.

Vì nhà ở dưới huyện xa xôi, mỗi lần lên TP Buôn Ma Thuột cô Đức lại chọn 5-6 tờ báo để dành về nhà đọc thông tin

Chia sẻ với chúng tôi anh Hoàng Minh Vương ( 34 tuổi, trú tại TP Buôn Ma Thuột), nghành Công an cho biết, anh làm bên mảng điều tra nên thường xuyên mua các tờ báo như: An ninh Thủ Đô, Công an TP Hồ Chí Minh, Công an TP Đà Nẵng…về để đọc và nắm bắt thông tin. Tuy nhiên, để mua được những tờ báo cũng không phải đơn giản bởi nhiều lý do, như tài chính, hoặc công việc điều tra bận rộn không có nhiều thời gian cho việc đọc báo giấy. "Trước đây chỉ xài điện thoại trắng đen, không thể kết nối internet, nhưng giờ chuyển sang dùng smat phone tôi rất hài lòng bởi tính ưu việt của nó mang lại. Chỉ cần ngồi uống xong một ly cà phê là thông tin từ trong nước và trên thế giới đều được cập nhật, không phải lặn lội đi đến sạp báo để kiếm tìm thông tin như trước đây" anh Vương chia sẻ.

Khi tiếp xúc với các bạn trẻ từ sinh viên, giáo viên, công nhân viên chức…họ đều cho rằng chỉ cần một chiếc smat phone là họ có cả thế giới trong tầm tay. Chiếc máy tính, smat phone không chỉ phục vụ nhu cầu thông tin, mà nó trở thành phương tiện liên lạc hữu ích, nhanh chóng, tiện lợi cho việc kinh doanh, giải trí khác và giờ đây hiếm gặp giới trẻ ngồi thơ thẩn đâu đó trong quán cà phê, góc công sở hay công viên để đọc báo giấy như lúc trước.

Báo in "món ăn" tinh thần của những vị cao niên, hưu trí

Trong xu hướng bùng nổ công nghệ như hiện nay, việc cập nhật tin tức trên thế giới không còn xa lạ với giới trẻ thì các bậc cao niên, hưu trí cũng đã và đang tiếp cận với công nghệ này. Tuy nhiên, việc tiếp cận những công cụ thông minh như, máy tính, smat phone…còn gặp nhiều khó khăn bởi tính đa năng, khó sử dụng của nó và để cập nhật tin tức các vị hưu trí, cao niên vẫn tìm đến "món ăn" tinh thần không thể thiếu mỗi ngày là báo giấy.

Báo in trong cơn "cuồng phong" thời công nghệ 4.0 - Ảnh 4.

Đọc báo giấy đã trở thành thói quen đối với những người lớn tuổi

Có mặt tại sạp bán báo giấy duy nhất ở TP Buôn Ma Thuột (ngã tư giao nhau giữa đường Nơ Trang Lơng, Lý Thường Kiệt) trong một buổi sáng, chúng tôi chỉ ghi nhận được hình ảnh khách đến mua báo đều những người đã lớn tuổi (55-75 tuổi - PV), chỉ có vãng lai những người trẻ đến mua, nhưng hầu hết mua về nhà cho bố hoặc ông bà đọc.

Chị Thủy (52 tuổi) chủ nhân của sạp báo duy nhất trên phố núi chia sẻ: "Tôi mới tiếp quản sạp báo cách đây 5 năm, trước đây do bà chị làm chủ. Hiện nay lượng đọc giả mua báo in quá ít, số lượng phát hành giảm sâu so với trước đây. Khách hàng chủ yếu những người lớn tuổi, các bác đã về hưu, hay những cụ cao niên là khách "ruột" của sạp, bởi ngày nào cũng tới mua báo".

Báo in trong cơn "cuồng phong" thời công nghệ 4.0 - Ảnh 5.

Lượng phát hành báo giấy đang ngày càng giảm sâu do sự bùng nổ của công nghệ 4.0

Cũng theo chị Thủy, khoảng 4-5 năm về trước số lượng phát hành báo rất lớn, có thể bán 2.000-3.000 ngàn tờ mỗi ngày, thu nhập từ việc bán báo rất ổn định. Những tờ báo giấy có lượng phát hành nhiều gồm: Báo Thanh Niên, Tuổi trẻ, báo Công an Thành Phố Hồ Chí Minh…). Tuy nhiên, những năm trở lại đây sạp báo rất "hẩm hiu" vì số lượng khách hàng mua, đặt báo nhỏ giọt, mỗi ngày chỉ bán ra 150-200 tờ. "Tờ báo bán chạy nhất tại sạp hiện giờ vẫn là báo Thanh Niên, mỗi ngày có thể bán gần 100 tờ, tiếp đó báo tuổi trẻ phát hành khoảng 60-70 tờ mỗi ngày. Các tờ báo khác như báo Pháp Luật Việt Nam, Công An Thành Phố Hồ Chí Minh…chỉ bán nhỏ giọt. Việc số lượng đọc giả ngày càng khan hiếm, chủ yếu những khách quen (hưu trí, những người cao tuổi - PV) người bán báo như chúng tôi thu nhập ít ỏi nên nhiều sạp báo bây giờ đã đóng cửa chỉ còn duy nhất sạp của tôi còn bán với nhiều tờ báo ở thành phố Buôn Ma Thuột." chị Thủy cho hay.

Báo in trong cơn "cuồng phong" thời công nghệ 4.0 - Ảnh 6.

Đọc báo giấy đã trở thành thói quen đối với những người lớn tuổi

Ông Trần Hồng Phát (70 tuổi, ngụ TP Buôn Ma Thuột) cho biết, sáng nào ông cũng ra sạp báo của chị Thủy để mua báo Thanh Niên về đọc. Ông là bạn đọc trung thành của báo Thanh Niên mười mấy năm nay. "Nhà tôi có tivi, máy tính, điện thoại đều kết nối internet, nhưng thói quen đọc báo đã ngấm vào máu, nó trở thành món ăn tinh thần hàng ngày không thể thiếu. Mỗi ngày tôi dành ra 2-3 giờ đồng hồ đọc báo, bài viết nào hay tôi nghiền ngẫm đọc đi đọc lại. Việc đọc báo giấy thú vị với tuổi già của chúng tôi, ngoài nắm bắt thông tin nó còn là người bạn thân thiết của tôi khi về già." ông Phát chia sẻ.

Cụ ông Nguyễn Văn Đàm (75 tuổi, ngụ TP Buôn Ma Thuột) cho hay: "Dù trời mưa hay nắng, cứ sáng nào cụ cũng phải ra sạp để mua tờ báo Tuổi Trẻ về đọc. Mấy chục năm nay tôi chỉ trung thành với tờ này, bởi nhiều tin tức đa dạng, phong phú, có nhiều bài viết hay. Nhà tôi giờ còn nguyên một kệ đựng báo. Mặc dù có dùng điện thoại thông minh nhưng tôi ít xem tin tức chỉ thích đọc thông tin trên báo giấy mà thôi".

Trước khi các dòng điện thoại thông minh chưa phổ biến, việc bán báo giấy không chỉ được bày bán những nơi cố định tại các sạp, quán ở trung tâm thành phố, mà được những người vé số mang theo bán để kiếm thêm thu nhập. Nhưng những năm gần đây trước sự bùng nổ của công nghệ 4.0 những "chân rết" này không còn mặn mà với việc bán báo dạo. "Tôi bán vé số cũng được mấy chục năm rồi, trước đây chưa có điện thoại thông minh ngoài bán vé số, việc bán báo dạo cũng có thêm thu nhập đáng kể. Giờ ra quán cà phê, quán nhậu hay bất cứ đâu cũng thấy người ta xài điện thoại để lướt tin tức, mình cầm báo giấy đi bán không ai ngó ngàng tới nữa…" chị Vân người bán vé số dạo cho biết.