Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Báo lãi lớn, nhiều ngân hàng hạ lãi suất cho vay

Bất chấp kinh tế khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều ngân hàng công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm với lợi nhuận tăng trưởng mạnh.

Nhiều ngân hàng báo lãi lớn

Theo báo cáo kết quả kinh doanh đến hết ngày 30/09/2020, ABBANK đạt 924 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế; Vốn chủ sở hữu đạt trên 8.348 tỷ đồng; Tổng tài sản đạt 93.076 tỷ đồng. Bên cạnh đómdư nợ tín dụng đạt 59.139 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ 2019 và tăng 4% với đầu năm. Huy động từ khách hàng đến cuối Quý 3 đạt 73.493 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ lệ nợ xấu của ABBANK được kiểm soát ở mức 2,26% tổng dư nợ, tăng 0,54% so với cuối năm 2019.

Báo lãi lớn, nhiều ngân hàng hạ lãi suất cho vay - Ảnh 1.

Nhiều ngân hàng báo lãi trong 9 tháng đầu năm.

Báo cáo của Ngân hàng TMCP Hàng hải (MSB) cho thấy lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm đạt trên 1.666 tỷ đồng, vượt mức 1.439 tỷ đồng kế hoạch của cả năm 2020. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 1.328 tỷ đồng, bằng 127% tổng lợi nhuận sau thuế của năm 2019. Tương tự như vậy là Ngân hàng TMCP Liên Việt (LienVietPostBank), tính đến hết quý 3/2020, lợi nhuận lũy kế đã vượt mục tiêu cả năm 2020, đạt hơn 1.740 tỷ đồng. Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) quý 3/2020 đạt 1.668 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 30% so với quý trước và tăng 52% so với cùng kì năm ngoái. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này đạt 4.025 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kì năm 2019 và đạt 89,4% kế hoạch cả năm.

Còn Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) ghi nhân lợi nhuận trước thuế quý 3/2020 đạt 3.015 tỷ đồng; luỹ kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 8.134 tỷ đồng, tăng 6,8% và thực hiện được 90% kế hoạch năm 2020. Với các ngân hàng, lợi nhuận chủ yếu vẫn đến từ hoạt động cho vay vốn, chiếm khoảng 75% tổng thu nhập tại 27 ngân hàng trong nửa đầu năm. Cho dù năm nay dư nợ tín dụng tăng trưởng thấp thì lợi nhuận của nhiều ngân hàng vẫn tăng trưởng.

Công ty Chứng khoán SSI ước tính, lợi nhuận của một số ngân hàng trong quý 3 năm 2020 tăng. Chẳng hạn, lãi trước thuế tại Ngân hàng TMCP Á châu (ACB) ước tăng 23%, đạt 2.370 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Tiên phong (TPBank) lãi trước thuế 1.000 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kì; Ngân hàng TMCP Phát triển nhà TP.HCM (HDBank) dự báo tăng 30%, đạt hơn 1.600 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) ước đạt 3.260 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kì năm trước. Theo SSI, năm 2020 lợi nhuận trước thuế dự báo giảm 15,9% đối với 4 ngân hàng lớn có vốn Nhà nước nhưng tăng 3,3% đối với các ngân hàng TMCP.

Khách hàng đang được vay với lãi suất ưu đãi

Với nền tảng kinh doanh ổn định và lợi nhuận lớn, trong bối cảnh lãi suất điều hành giảm sâu thị trường đang chờ 1 đợt giảm lãi suất từ các ngân hàng. Hiện tại, khách hàng cá nhân tại ABBANK được hưởng lãi suất ưu đãi chỉ từ 5,9%/năm trong chương trình "Vay ưu đãi – Lãi an tâm" và từ 7%/năm trong chương trình "Vay kinh doanh - phát tài nhanh" dành cho các hộ kinh doanh cá thể. Trong khi đó, Vietcombank áp dụng lãi suất cho vay kinh doanh đối với các doanh nghiệp chỉ từ 5,9%/năm, áp dụng cho các khoản giải ngân mới từ ngày 13/10/2020. Còn với khách hàng là cá nhân vay vốn kinh doanh, mức lãi suất cho vay sẽ chỉ từ 6,5%/năm. Đặc biệt, khách hàng vay vốn theo sản phẩm Kinh doanh Tài lộc sẽ được áp dụng mức lãi suất ưu đặc biệt ưu đãi chỉ từ 5,7%/năm.

Vietcombank áp dụng mức lãi suất cho vay kinh doanh đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ từ 5,9%/năm. Còn với khách hàng là cá nhân vay vốn kinh doanh, mức lãi suất cho vay sẽ chỉ từ 6,5%/năm. Đặc biệt, khách hàng vay vốn theo sản phẩm "Kinh doanh tài lộc" sẽ được ưu đãi mức lãi suất chỉ từ 5,7%/năm, áp dụng cho các khoản giải ngân mới từ ngày 20/10/2020. Trước đó, Agribank cũng tuyên bố giảm tiếp 0,3% lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên. Cụ thể, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa 4,5%/năm; lãi suất cho vay trung, dài hạn tối thiểu 7,5%/năm. Bên cạnh đó, từ nay đến hết 30/6/2021, Agribank còn triển khai các gói tín dụng ưu đãi nhằm hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa với tổng quy mô lên đến 35.000 tỷ đồng.

Ngoài 2 ngân hàng thương mại Nhà nước, một số ngân hàng tư nhân cũng giảm sâu thêm lãi suất cho vay. Đơn cử như MBBank đang áp dụng lãi suất cho vay kinh doanh từ 6,8%/năm với hạn mức 80% nhu cầu vốn trong thời hạn tối đa 180 tháng. Hay tại VPBank, gói lãi suất cho vay kinh doanh chỉ từ 5,99%/năm, áp dụng từ nay đến hết 31/12/2010 cho khách hàng cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình. Hạn mức vay của gói hỗ trợ lên tới 20 tỷ đồng cho mỗi khách hàng.

Được biết, tính đến ngày 14/9/2020, các ngân hàng thương mại đã miễn giảm và hạ lãi suất cho 1,18 triệu tỷ đồng (13,7% tổng dư nợ) cho dư nợ hiện hữu bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản số 7751/NHNN-TD yêu cầu các ngân hàng xem xét giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại do mưa lũ tại khu vực Miền Trung và Tây Nguyên.

Một số ngân hàng còn lấy lãi suất huy động cao nhất dành cho khoản tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên để tính lãi vay cho khách hàng. Hiện lãi suất huy động với khách hàng gửi từ 500 tỷ đồng trở lên ở mức 8,2%-8,5%/năm, dành riêng cho một đối tượng rất nhỏ và không có tính phổ biến, trong bối cảnh nhiều ngân hàng khác đã giảm lãi suất huy động xuống thấp.