Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Bạo lực đối với trẻ em trong gia đình và nhà trường có xu hướng tăng

(Dân sinh) - Tại Hội nghị tập huấn Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 với chủ đề “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em” do Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp với Tổ chức ChildFund Việt Nam tổ chức ngày 18/5, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em cho biết, theo số liệu thống kê từ số cuộc gọi đến Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, tình trạng bạo lực đối với trẻ em năm 2022 gia tăng so với năm 2021, đặc biệt là bạo lực trong trường học và trong gia đình.

Cũng theo thống kê tư Tổng đài 111, trong 4 tháng đầu năm 2023, chỉ tính riêng các cuộc gọi đến Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 liên quan đến bạo lực học đường đã tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Thống kê thông qua các vụ việc cơ quan công an thụ lý, xác minh và giải quyết cũng cho thấy, xu hướng xâm hại trẻ em năm 2023 gia tăng so với năm 2022.

Ông Đặng Hoa Nam: Tháng hành động vì trẻ em là dịp để vận động xã hội cùng nhà nước giải quyết các vấn đề liên quan đến trẻ em.

Ông Đặng Hoa Nam: Tháng hành động vì trẻ em là dịp để vận động xã hội cùng nhà nước giải quyết các vấn đề liên quan đến trẻ em.

Ông Đặng Hoa Nam cho biết thêm, năm nay là năm thứ 29 Việt Nam tổ chức phát động Tháng Hành động vì trẻ em nhằm tăng cường sự quan tâm tổ chức cá nhân, xã hội, gia đình chung tay cùng nhà nước giải quyết những vấn đề liên quan đến trẻ em. Mỗi năm Tháng hành động vì trẻ em có một chủ đề gắn với vấn đề liên quan đến trẻ em. Năm nay Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 với chủ đề “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em”. “Tháng hành động vì trẻ em không nên hiểu là tháng hành động vì trẻ em của Bộ LĐ-TB&XH mà của toàn xã hội để vận động xã hội cùng nhà nước giải quyết các vấn đề liên quan đến trẻ em”, ông Nam nhấn mạnh.

Mục đích của Tháng hành động vì trẻ em năm nay là xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh để thực hiện đầy đủ quyền trẻ em, bảo đảm trẻ em được phát triển toàn diện. Nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc giải quyết các vấn đề về trẻ em và phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ xâm hại trẻ em, tai nạn, thương tích trẻ em.  Thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Chủ động giải quyết các vấn đề về trẻ em, phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ trẻ em bị xâm hại, trẻ em bị tai nạn, thương tích, nhất là đuối nước, tai nạn giao thông. Thúc đẩy việc phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật về bảo vệ trẻ em, kỹ năng phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em, đặc biệt cho cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và trẻ em. Xây dựng kế hoạch, phân công cụ thể trách nhiệm của cơ quan, tổ chức chủ trì, phối hợp thực hiện, vận động nguồn lực để mọi trẻ em có một mùa hè an toàn, lành mạnh. Ông Nam cho rằng, Tháng hành động vì trẻ em rơi vào đúng dịp đặc biệt đối với trẻ em đó là dịp tất cả các em được nghỉ hè. Vì thế, các cấp, các ngành, đoàn thể và gia đình có trách nhiệm bảo vệ và tạo điều kiện để các em có mùa hè an toàn, lành mạnh.

Ông Nam phân tích, theo quy định hiện nay, Chủ tịch UBND tỉnh có trách nhiệm phân bổ nguồn lực bao gồm ngân sách trung hạn và ngắn hạn; bố trí nhân lực để làm tốt hơn công tác trẻ em. Theo Luật Trẻ em, phải có đội ngũ cộng tác viên ở cấp thôn/ bản để sát sao và bảo vệ trẻ em tốt hơn.

Làm xích đu bằng ghế, đồ tái chế để thêm khu vui chơi cho trẻ em dịp hè.

Làm xích đu bằng ghế, đồ tái chế để thêm khu vui chơi cho trẻ em dịp hè.

Hay vấn đề phòng chống đuối nước, hiện có 3 giải pháp can thiệp hiệu quả đó là dạy bơi, dạy các kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em; Tạo lập môi trường sống an toàn phòng chống đuối nước (có rào chắn, biển cảnh báo ở những nơi có nguy cơ xảy ra đuối nước trẻ em, phải có người cứu hộ cứu nạn ở các bãi tắm biển; công trình xây dựng phải có rào chắn, nắp chắn, biển cảnh báo; Công tác truyền thông, giáo dục bố mẹ những kỹ năng phòng chống đuối nước phải được triển khai sâu rộng. Muốn triển khai dạy bơi cho trẻ em cần có bể bơi, có thể bể bơi tiêu chuẩn, bể bơi thông minh (chi phí lắp đặt khoảng 200 triệu đồng/ bể). Hiện có các tài liệu hướng dẫn dạy bơi, kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em đã được xây dựng hoàn thiện. Tuy nhiên để triển khai để bảo vệ trẻ em thì các địa phương phải chủ động phân bổ ngân sách và nhân lực để cứu sinh mạng con người. Những địa phương đầu tư thì số lượng trẻ em đuối nước giảm hẳn.

Cục trưởng Cục Trẻ em cũng chỉ ra rằng, để bảo vệ trẻ em thì trách nhiệm đầu tiên là của cha mẹ. Cha mẹ cần thực hiện tốt trách nhiệm bảo vệ trẻ em, tạo môi trường lành mạnh cho trẻ em cũng như học làm cha mẹ trên web chính thống, địa chỉ chính thống để lấy kiến thức bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Theo ông Nam: “"Chúng ta thấy rằng trách nhiệm của gia đình, cha mẹ đối với việc phòng ngừa tổn hại cho trẻ, trong đó có phòng ngừa xâm hại, tai nạn thương tích, đuối nước... Nhà nước có chính sách, truyền thông giáo dục, hỗ trợ gia đình nhưng nếu cha mẹ không quan tâm thì trẻ em không được bảo vệ, không được sống an toàn".

Các hoạt động trọng tâm trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2023:

1. Xây dựng kế hoạch phối hợp tổ chức các hoạt động trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2023.

2. Tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 từ cuối tháng 5 hoặc ngày 01/6/2023.

3. Tổ chức các hoạt động truyền thông trong Tháng hành động vì trẻ em

3. Triển khai các giải pháp, mô hình hoạt động về xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em.

4. Vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ủng hộ, hỗ trợ trẻ em là nạn nhân của xâm hại, bạo lực; thăm, tặng quà, trao học bổng và hỗ trợ khám, chữa bệnh cho trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em mồ côi...; hỗ trợ các mô hình hoạt động bảo vệ trẻ em, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em; xây dựng các công trình, trường, lớp học, nhà bán trú, điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em.