Quay lại Dân trí
Dân Sinh

“Bão” sa thải nhân viên của các doanh nghiệp bất động sản

Thị trường bất động sản năm 2022 gặp khó khăn, trong tình trạng trầm lắng, mức thanh khoản thấp. Do đó, để tồn tại một số doanh nghiệp đã phải cắt giảm mạnh lượng nhân sự và bước vào thời kỳ tái cấu trúc.

Thị trường bất động sản trầm lắng, nhiều nhân viên môi giới bất động sản thất nghiệp phải chuyển nghề.

Thị trường bất động sản trầm lắng, nhiều nhân viên môi giới bất động sản thất nghiệp phải chuyển nghề.

Một doanh nghiệp sa thải 3.000 nhân viên  trong một quý

Một trong những nhà phân phối bất động sản lớn bậc nhất cả nước là Tập đoàn Đất Xanh đã phải  giảm nhân sự nhiều nhất trong năm. Tính đến cuối năm 2022, lượng nhân sự của Tập đoàn là 3.773 người. Như vậy, chỉ trong 3 tháng giảm 3.191 người, tương đương giảm gần 46% so với cuối tháng 9/2022 và giảm 2.660 người so với cuối năm 2021, tương đương 41,4%.

Trước đó, quy mô nhân sự của Tập đoàn Đất Xanh đã ghi nhận đà tăng mạnh từ 6.433 người ở cuối năm 2021 lên đỉnh 7.392 người vào cuối quý II/2022. Đất Xanh thông tin do tình hình khó khăn chung của thị trường bất động sản dẫn đến doanh số bán hàng ở mảng dịch vụ giảm. Đồng thời, doanh nghiệp chưa kịp ghi nhận doanh thu, lợi nhuận từ các dự án do doanh nghiệp làm chủ đầu tư và đã triển khai bán hàng thành công.

Ngoài Đất Xanh, CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova (NVL) ghi nhận lượng nhân sự 1.404 người vào cuối năm 2022, trong khi đó, cuối quý II con số này là 1.932, tương đương đã giảm 528 người. Lượng nhân sự giảm mạnh nhất của doanh nghiệp này được ghi nhận vào thời điểm 3 tháng cuối năm là 434 người, tương đương giảm 27,3%.

NVL cho biết, trước tình hình biến động của kinh tế thế giới và cả trong nước ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp, Tập đoàn đã và đang tái cấu trúc để ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh. Hội đồng Quản trị và Ban Điều hành của Tập đoàn quyết liệt đưa ra những giải pháp mạnh mẽ, cụ thể như tinh giảm các hoạt động chưa cần thiết, củng cố đội ngũ nhân sự vững chuyên môn, dày kinh nghiệm.

Tính đến cuối năm 2022, CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR) có 355 nhân sự, giảm 15,5% so với cuối tháng 9/2022, tương đương 67 người. Tương tự, CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (KDH) đến cuối năm vừa qua có 342 nhân sự, giảm nhẹ 9 người so với cuối tháng 9/2022.

Trước Tết Nguyên Đán chừng 1 tháng, nhưng nhiều công ty môi giới bất động sản đã phát đi thông báo cho nhân viên nghỉ Tết sớm vì tình hình khó khăn. Điển hình như Công ty Bất động sản Đất Xanh Miền Bắc đã thông báo cho nhân viên nghỉ Tết sớm và thời gian nghỉ kéo dài gần 2 tháng, từ ngày 12/12/2022 đến ngày 5/2/2023. Đây cũng là tình trạng đang diễn ra khá phổ biến trên thị trường.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản phải đóng cửa, tạm ngừng hoạt động. Các công ty còn hoạt động trong lĩnh vực này phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, cắt giảm bộ máy nhân sự hoặc một nhân sự kiêm 2 đến 3 công việc để có thể sinh tồn. Thậm chí có doanh nghiệp giảm đến 60-70% lượng nhân sự và cắt giảm lương, nhiều công ty buộc phải cho nhân viên nghỉ tết sớm.

Doanh nghiệp bất động sản đối mặt với nhiều khó khăn

Theo số liệu thống kê của Viện nghiên cứu kinh tế, tài chính BĐS Dat Xanh Services, trong 10 tháng đầu năm 2022, số lượng doanh nghiệp (DN) môi giới BĐS tạm dừng kinh doanh có thời hạn là gần 2.300, tăng gần 53% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng DN hoàn tất thủ tục giải thể gần 1.000, tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều DN phải tái cơ cấu lại mô hình, giảm quy mô, tinh giảm hệ thống nhân sự. Hiện thị trường nhiều biến động không chỉ ảnh hưởng đến DN, nhà đầu tư, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến những người làm môi giới. Trước đó, theo thống kê của Hội môi giới BĐS Việt Nam (VARS), trong phạm vi một phân khúc đã có khoảng 10.000 nhân viên môi giới phải nghỉ việc, hoặc chuyển sang công việc khác để kiếm sống.

Các chuyên gia cho biết, thị trường BĐS có thể tiếp tục diễn biến xấu kéo dài, trong khi môi giới tồn tại và bám trụ lại thị trường dựa vào việc bán được nhà đất, được chi trả phí hoa hồng. Nếu thanh khoản thị trường tiếp tục yếu, những khó khăn của thị trường không được giải quyết, làn sóng môi giới mất việc cũng sẽ diễn ra mạnh hơn.

Công bố mới đây của Bộ Xây dựng về nhà ở và thị trường bất động sản trong quý 4 năm 2022 và cả năm 2022 cho thấy các doanh nghiệp bất động sản đang gặp rất nhiều khó khăn. Số lượng doanh nghiệp bất động sản tuyên bố phá sản, giải thể trong năm tăng khoảng 38,7% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2022, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản gặp nhiều khó khăn do khó tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng, dẫn đến nhiều doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn tiến độ hoặc tạm dừng triển khai thực hiện dự án.

Bên cạnh đó lãi suất cho vay, tỉ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng tăng, dẫn đến chi phí của doanh nghiệp cũng tăng cao gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Thiếu dòng tiền để trả cho doanh nghiệp cung ứng và trả lương người lao động do chủ đầu tư không có nguồn để thanh toán và thực hiện các nghĩa vụ thuế. Không những vậy, khách hàng mua bất động sản khó tiếp cận vốn vay của các tổ chức tín dụng gián tiếp ảnh hưởng đến thanh khoản các sản phẩm, dự án bất động sản, dẫn đến các doanh nghiệp không bán được sản phẩm để thu hồi vốn và tái đầu tư.

Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế, tài chính BĐS Dat Xanh Services, TS Phạm Anh Khôi nói: “Những khó khăn hiện nay của nhiều DN trong lĩnh vực dịch vụ môi giới BĐS là vấn đề tài chính. Trên thực tế những DN này đang phải tái cơ cấu lại mô hình, tinh gọn bộ máy nhân sự hay phải cho nhân viên nghỉ việc tạm thời. Nhưng đây cũng là khoảng thời gian để thanh lọc những DN uy tín, có năng lực và DN môi giới BĐS cũng cần phải xây dựng được chiến lược lâu dài, sẵn sàng đối phó với kịch bản xấu trong dài hạn và hoàn thiện hệ sinh thái ngành, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực này”.