Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa cho dân tộc Chứt tại Hà Tĩnh

Cộng đồng bà con dân tộc Chứt ở Hà Tĩnh được phát hiện từ năm 1969 trong rừng rậm, được Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh đưa về định cư nay có trên 40 hộ dân, sinh sống tại bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê.

Theo bảng danh mục thành phần các dân tộc Việt Nam công bố năm 1979, Chứt là một dân tộc trong tổng số 54 dân tộc của Việt Nam, bao gồm 5 nhóm tộc người: Sách, Rục, Mày, Mã Liềng và Arem hợp thành, thuộc nhóm ngôn ngữ Việt-Mường; địa bàn cư trú tại tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh. Tại Hà Tĩnh chỉ có nhóm tộc người Mã Liềng định cư tại bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê.

Mã Liềng là một trong những nhóm tộc người lạc hậu và kém phát triển. Tuy nhiên cho đến những năm cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, cả giới nghiên cứu dân tộc học cũng như dư luận xã hội chưa biết hoặc chưa quan tâm nghiên cứu gì về nhóm người Mã Liềng. Do chỗ coi tộc người này là một bộ phận của dân tộc Chứt, người ta luôn lầm tưởng rằng những giới thiệu cơ bản về người Chứt dựa theo sự hiểu biết về nhóm tộc người Sách, Rục cũng đã là những hiểu biết về nhóm người Mã Liềng.

Người Mã Liềng xưa nay không tự nhận là người dân tộc Chứt. Họ giải thích họ là người Mã Liềng vì ngôn ngữ của họ. Mã Liềng-M’Liêng có nghĩa là Người. Họ gọi họ là Người như người của dân tộc khác để tránh sự miệt thị, coi họ là Người Rừng.

Từ trước đến nay, về dân tộc Chứt đã có một số tác giả trong và người nước đề cập. Trong nước có các tác giả như Lê Quí Đôn với tác phẩm “Phủ biên tạp lục”, Quốc sử quán triều Nguyễn với tác phẩm “Đại Nam nhất thống chí”. Ngoài nước có học giả người Pháp Cadiere với 2 tác phẩm “Những con người ở vùng cao sông Gianh” và “Cuộc sống trong những đồn bốt nhỏ ở Quảng Bình”.

Lễ hội Chăm - Cha Bới

Lễ hội Chăm - Cha Bới

Những năm 60 của thế kỷ XX, một số nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế mới quan tâm đến dân tộc Chứt một cách toàn diện. Những tài liệu này là cơ sở khoa học cho việc xác định thành phần dân tộc Chứt. Tuy nhiên, nhiều vấn đề về xác định nguồn gốc, đặc trưng văn hóa của các nhóm tộc người còn chưa được đi sâu nghiên cứu, nhất là đối với nhóm người Mã Liềng.

Những năm gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng đề cập đến người Mã Liềng ở Hà Tĩnh. Đây là những bài viết sơ lược về cuộc sống, một số phong tục tập quán, hôn nhân gia đình, tang ma của người Mã Liềng và đề nghị Nhà nước cần quan tâm có chủ trương đầu tư bảo tồn bản sắc văn hóa. Tộc người Mã Liềng hiện nay có khoảng trên 600 người, ở Quảng Bình có khoảng hơn 400 người, Hà Tĩnh trên 200 người (trong tổng số trên 3500 người thuộc dân tộc Chứt), cư trú chủ yếu ở huyện miền núi Tuyên Hóa tỉnh Quảng Bình và huyện Hương Khê tỉnh Hà Tĩnh, nơi có dãy Hoành Sơn giăng ngang và núi Trường Sơn vây kín về phía tây. Đây là một vùng địa hình hết sức hiểm trở, núi non trùng điệp.

Đối với tộc người Mã Liềng, cách đây trên 60 năm họ có một đời sống kinh tế văn hóa hết sức thấp kém, lạc hậu, lại cư trú trong một điều kiện hết sức hoang sơ trong các hang đá, lều cây trong rừng sâu, cho nên nhiều hiện tượng văn hóa như trạng thái cư trú, trang y phục, các hình thức ăn uống, các sinh hoạt văn hóa tinh thần còn ở dạng hoang sơ nguyên thủy của loài người.

Tình trạng du canh du cư ở trong rừng sâu vùng cửa Ba, bản Quạt giáp giới giữa 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình, gần biên giới Việt-Lào là phổ biến, cho nên đời sống của đồng bào gặp rất nhiều khó khăn, đói khát, dịch bệnh, nạn quần hôn và đặc biệt là bom đạn của đế quốc Mỹ trong thời kỳ chiến tranh phá hoại ác liệt đã đưa họ đến bên bờ của sự diệt vong, các mối quan hệ thân tộc không có điều kiện phát triển, họ bị biệt lập với thế giới bên ngoài. Họ là một trong những tộc người trên đất nước ta đang có chiều hướng suy thoái về mọi mặt, thậm chí có thể nói là đang ở trong giai đoạn rất nghiêm trọng. Những năm 1959-1960, bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh và chính quyền địa phương huyện Hương Khê đã ứng cứu kịp thời và đã đưa nhóm tộc người này đến định cư ban đầu ở bản Giằng II xã Hương Vĩnh, năm 1976 chuyển cư về bản Rào Tre, dưới chân núi Cà Đay thuộc xã Hương Liên để sinh sống.

bản Rào Tre

bản Rào Tre

Tộc người Mã Liềng khi về định cư tại bản Giằng II năm 1966 có 7 hộ, 30 người, nhập với tộc người Ma Coong với dân số 40 người 10 hộ, đưa tổng số người của bản này lên 70 người, 17 hộ. Năm 1976, nhóm người Mã Liềng chuyền về định cư tại bản Rào Tre với 10 hộ 36 người. Năm 1995, người Mã Liềng ở bản Rào Tre có 94 người với 22 hộ (số liệu của Ban miền núi di dân và phát triển KTM Hà Tĩnh).

Năm 2001, theo số liệu của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, người Mã Liềng ở bản Rào Tre có 109 người với 24 hộ. Vấn đề dân số của người Mã Liềng ở bản Rào Tre tăng hay giảm không phải do tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên, mà do tình trạng một số người ở bản Rào Tre đến tuổi lấy vợ lấy chồng mà không tìm được người bạn đời trong bản, thì họ phải đi tìm người đồng tộc ở các bản khác ở tỉnh Quảng Bình để xây dựng gia đình, trong số họ nhiều người không về bản cũ của mình và ngược lại nhiều người ở các bản khác đến lấy vợ lấy chồng ở bản Rào Tre và họ ở lại bản. Cho nên dân số người Mã Liềng ở bản Rào Tre trong những năm gần đây phát triển ổn định và gia tăng không đáng kể theo tỉ lệ phát triển dân số tự nhiên.

Như đã đề cập, người Mã Liềng thuộc dân tộc Chứt là một cư dân nông nghiệp, nhưng do điều kiện phân tán thành những nhóm nhỏ, sống trong điều kiện địa lý gần như tách biệt nhau, cho nên trong sinh hoạt kinh tế của các nhóm tộc người thuộc dân tộc Chứt cũng khác nhau ít nhiều. Đối với người Mã Liềng trước khi định cư tại bản Giằng II, về kinh tế chủ yếu nông nghiệp nương rẫy du canh, săn bắt và hái lượm, với lối canh tác chọc lỗ trỉa hạt hết sức thô sơ, năng suất thấp, dẫn đến nguồn thu rất hạn chế, chỉ đủ nuôi sống đồng bào trong vài ba tháng. Thời gian còn lại trong năm, đồng bào không có cách nào khác là phải vào rừng kiếm củ nâu, củ mài, bột nhúc. Hầu như đồng bào chưa biết đến việc canh tác ruộng nước và ruộng khô (ruộng vãi). Cơ cấu kinh tế gồm những hình thái: kinh tế khai thác (hái lượm, săn bắt và đánh cá), nương rẫy, chăn nuôi ở dạng sơ khai.

Do sinh sống trong môi trường tự nhiên của núi rừng, người Mã Liềng đã biết tận dụng các sản vật sẵn có như các loại cây có củ lấy bột, có quả, hột, trái cây, các loại măng, nấm, rau rừng, mật ong, các loại cây dược liệu có giá trị như sâm nam, sâm trúc, sa nhân, đương qui, ngãi trời…để nuôi sống và chữa bệnh. Trong số đó cây lấy bột chiếm vị trí quan trọng, nhất là cây nhúc (loại cây thuộc họ nhà dừa). Hiện nay người Mã Liềng đã định cư và biết trồng lúa nước. Hình thái kinh tế hái lượm được thu hẹp.

Với một địa bàn rừng núi dân cư thưa thớt, lắm núi nhiều khe suối rất thuận lợi cho các loài động vật sinh sôi nẩy nở, các loài cá, cua ốc phát triển. Động vật ở đây không những phong phú về loài, mà còn nhiều về số lượng, đó là các loại thú như cọp, mang, hoẵng nai, chồn, nhím…Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến công việc săn bắt khá phát triển ở người Mã Liềng trong quá khứ. Hình thái kinh tế này góp phần đáng kể vào việc cải thiện bữa ăn hàng ngày, cung cấp thực phẩm cho từng gia đình, tăng cường tính cộng đồng làng bản mỗi khi các thành viên trong bản săn bắt được thú rừng. Công việc săn bắt chủ yếu thuộc về đàn ông, có 2 hình thức săn bắt là tập thể và cá nhân, với các kiểu săn đón, săn vây, bẫy, bắn ná…Công việc đánh cá, mò cua bắt ốc là của các thành viên trong gia đình không phân biệt nam nữ. Phụ nữ chủ yếu mò cua, bắt ốc, tôm cá nhỏ ở trong các hốc đá dọc khe suối. Đàn ông dùng các dụng cụ tự tạo để đánh bắt cá như đó, lừ, chài, lao có bịt sắt. Ngày nay công việc này vẫn được tiến hành thường xuyên nhằm cải thiện bữa ăn cho đồng bào.

Chị Hồ Thị Xuân lấy chồng người Kinh

Chị Hồ Thị Xuân lấy chồng người Kinh

Trước đây do điều kiện sống du cư cho nên nương rẫy cũng phải du canh. Đây là tập quán lâu đời của đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung và của đồng bào Mã Liềng nói riêng. Rẫy thường được chọn ở những khu rừng thoai thoải, cách nơi cư trú khoảng 1-2km. Mùa đầu trỉa lúa, mùa thứ hai thứ ba trồng ngô, thứ tư trồng sắn với các quy trình chung như: chọn đất, phát, cốt, đốt, trỉa và cuối cùng là thu hoạch. Trong những năm gần đây, nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, thông qua chương trình khuyến nông và sự giúp đỡ trực tiếp của Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh, đồng bào Mã Liềng đã không canh tác nương rẫy nữa, vì làm rẫy là phá rừng, cuộc sống bấp bênh, mà đã chuyển sang canh tác lúa nước, trồng màu như ngô, lạc đậu, cho thu nhập ổn định.

Làng bản cư trú của người Mã Liềng thường có qui mô nhỏ, tạm bợ ở ven rừng, ven suối và núi không cao, trong những túp lều tranh lợp bằng lá cây rừng, gọi là cây Nọo. Mỗi bản thường chỉ có khoảng 10-15 gia đình. Cùng với thời gian, họ cũng đã tạo dựng được một nền văn hóa tương đối độc đáo, mang bản sắc riêng. Tuy nhiên hiện nay cùng với quá trình phát triển, người Mã Liềng ở Hà Tĩnh nói riêng và các nhóm tộc người Rục, Mày, Arem và Sách thuộc dân tộc Chứt nói chung đáng có nguy cơ đánh mất bản sắc của mình. Vì vậy việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của người Mã Liềng đang đặt ra hết sức cấp thiết, với một chương trình đầu tư đồng bộ và những giải pháp có hiệu quả theo phương châm “cho cần câu cá chứ không phải con cá”, nhằm bảo tồn đúng mức và lâu dài đối với đồng bào.

Những năm 70-90 của thế kỷ XX, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước và một số tổ chức phi chính phủ đã đầu tư xây dựng cho đồng bào một số công trình như nhà ở, hệ thống thủy lợi, đào giếng, điện thắp sáng, xây dựng khu sinh hoạt văn hóa cộng đồng…nhưng do nóng vội, chủ quan và nhất là sự thiếu hiểu biết về văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, dẫn đến nhiều công trình không đem lại hiệu quả, không đáp ứng được đời sống của đồng bào, như làm nhà trệt thay cho nhà sàn, láng nền xi măng không phù hợp với tập quán và làm mất vệ sinh nơi cư trú.

Về sản xuất kinh tế, chúng ta vận động đồng bào bỏ lối canh tác nương rẫy du canh để chuyển sang làm ruộng nước. Đây là một công việc quá mới mẻ đối với đồng bào, nhưng thiếu sự hướng dẫn kỹ thuật thường xuyên, cho nên năng suất lúa không cao. Về quan hệ xã hội chúng ta chưa quan tâm đến vấn đề hôn nhân gia đình, chưa có biện pháp ngăn chặn hôn nhân cận huyết thống, chưa có phương pháp tổ chức các cuộc hôn nhân ngoại tộc, công tác giáo dục chưa nâng dần trình độ dân trí. Y tế chưa chú trọng chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Theo chúng tôi, để vấn đề bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của người Mã Liềng thu được hiệu quả thì cần có một chương trình kế hoạch đồng bộ với một thời gian tương đối dài, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành với chính quyền địa phương và phải thành lập một tổ chức trực tiếp điều hành, chỉ đạo hướng dẫn đồng bào về mọi mặt và cần tập trung vào 3 vấn đề như sau:

1. Về đời sống văn hóa vật chất: Trong những năm gần đây, đời sống của đồng bào có nhiều đổi thay, từ chỗ sản xuất nương rẫy du canh, săn bắt và hái lượm, cuộc sống du cư lang thang trong rừng sâu với những mái nhà sàn đơn sơ ọp ọep, đói rét bệnh tật hoành hành, với các tập tục lạc hậu đã đưa đến tộc người đến bên bờ của sự diệt vong. Có hiểu được như vậy mới thấy hết sự đổi thay trong đời sống văn hóa vật chất của đồng bào hôm nay thật đáng tự hào và một kỳ tích. Đồng bào hiện nay đã chuyển hẳn sang làm kinh tế ruộng nước cấy lúa, với năng suất tương đối cao. Đây là sự thay đổi lớn trong tập quán canh tác. Tuy nhiên cần có sự hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc thường xuyên của cán bộ quản lý, để thay đổi tâm lý ỷ lại trông chờ của đồng bào.

Việc quản lý sản phẩm nông nghiệp làm ra cũng cần được đặt ra một cách cụ thể, tránh để đồng bào đem đổi lấy rượu uống. Trong vận động canh tác, cần tính đến tập quán lâu đời của đồng bào là làm nương rẫy và lợi thế của vùng đất cư trú là rừng. Tất nhiên đốt rừng làm nương rẫy cần phải cấm tuyệt đối, nhưng như thế không có nghĩa là đưa đồng bào thoát hẳn khỏi kinh tế rừng, một công việc mà đồng bào rất có kinh nghiệm.

Ngoài hướng dẫn canh tác ruộng nước, trồng hoa màu, cần tổ chức cho đồng bào trồng và chăm sóc bảo vệ rừng, nhất là trồng cây công nghiệp và cây dược liệu. Xem đây là một mũi nhọn kinh tế trước mắt cũng như lâu dài, vừa tạo được cảnh quan môi trường lại vừa có thu nhập ổn định và còn bảo lưu được bản sắc văn hóa của đồng bào. Về chăn nuôi và các ngành nghề phụ: do chỗ người Mã Liềng sống trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, cho nên đồng bào mất dần thói quen chăn nuôi gia súc, gia cầm và các ngành nghề phụ gia đình như đan lát, mộc. Đồng bào chưa có tư duy chăn nuôi gia súc dùng làm sức kéo và chăn nuôi gia cầm cải thiện bữa ăn, mà chủ yếu dùng làm vật cúng thần linh, trao đổi hàng thiết yếu. Cho nên để phát triển chăn nuôi và ngành nghề phụ, cần tuyên truyền về nhận thức chăn nuôi, trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, chữa bệnh, vệ sinh chuồng trại…

Đối với người Mã Liềng bản sắc văn hóa thể hiện qua trang phục và trang sức đã bị mai một hẳn. Trang phục truyền thống là nam đóng khố và nữ mặc váy theo kiểu người Mường được làm bằng vỏ cây, mình để trần. Hiện nay trang phục của đồng bào chịu tác động của người Kinh trong vùng. Nam giới vận trang phục giống người Kinh, nữ giới mặc váy màu đen không có hoa văn thêu thùa. Về trang sức trước đây và hiện nay người phụ nữ Mã Liềng rất thích đeo các loại cườm ở cổ, ở tay bằng các loại vỏ ốc núi và tai đeo vòng bạc. Đàn ông thường đeo vuốt hổ, răng nanh lợn rừng.

Do điều kiện kinh tế còn khó khăn cho nên vấn đề ăn uống của đồng bào cũng đơn sơ, đạm bạc. Tuy nhiên tập quán ăn uống hiện nay của đồng bào cũng đã thay đổi, đã biết ăn chín uống sôi, ăn bằng đũa thìa thay vì ăn bốc. Cơ cấu bữa ăn và thời gian ăn đã hợp lý thuận tiện cho việc sản xuất. Tập quán ăn nướng, ăn khô cũng đã giảm dần. Vấn đề nghiện rượu và thuốc lá đang còn là mối quan ngại lớn cần có các biện pháp khắc phục hiệu quả, nhất là công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và trình độ dân trí cho đồng bào.

2. Về văn hóa chuẩn mực xã hội: Cho đến nay, tuy đời sống vật chất còn khó khăn, nhiều hiện tượng văn hóa như trạng thái cư trú, trang phục, ẩm thực còn đơn sơ. Nhưng về các mối quan hệ xã hội của tộc người Mã Liềng đã ở vào một xã hội phát triển và đã hình thành được một số phong tục tập quán có ý nghĩa, mang bản sắc văn hóa riêng. Thiết chế quản lý xã hội của đồng bào lấy đơn vị bản làm cơ sở. Đồng bào chỉ biết tổ chức và điều hành là bản, ngoài ra không biết tổ chức quản lý xã hội nào lớn hơn hay nhỏ hơn. Các thành viên trong bản phải chịu sự quản lý mọi mặt của Trưởng bản về mặt xã hội và Thầy mo về mặt thần quyền. Với nền kinh tế nương rẫy tự cấp tự túc thấp kém, do đó sự phân hóa giàu nghèo chưa diễn ra. Quan hệ bóc lột giữa người với người chưa hình thành. Khái niệm giàu nghèo chưa xuất hiện rõ ràng.

Trong các mối quan hệ xã hội truyền thống và hiện tại, quan hệ huyết thống dòng họ là quan hệ còn tồn tại khá đậm nét và chi phối mạnh mẽ tinh thần đời sống xã hội, có tác dụng to lớn trong hoạt động đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của đồng bào. Đây là yếu tố tích cực cần được bảo lưu.

Quan hệ hôn nhân và gia đình hiện tại cũng như trong quá khứ đã tuân thủ nguyên tắc, hình thức nhất định và mang nhiều yếu tố tiến bộ. Đó là hôn nhân hoàn toàn dựa vào cơ sở tình yêu và sự thủy chung gắn bó. Các hình thức cưới hỏi được đơn giản hóa, vai trò ông Cậu trong hôn nhân được khẳng định. Hiện tượng thách cưới không xảy ra. Hôn nhân nội tộc đang là phổ biến, chưa xuất hiện hôn nhân ngoại tộc. Hôn nhân cận huyết thống đã bị cấm nhưng chưa triệt để. Quan hệ hôn nhân một vợ một chồng đã được xác lập chặt chẽ, chung thủy trọn đời, ít khi bỏ nhau, không có hiện tượng ngoại tình. Tình trạng đa thê chưa có. Họ chỉ lấy vợ hay chồng khác khi một trong hai người bị chết. Hôn nhân bạn con o, bạn còn gì không được chấp nhận.

Tình trạng sinh đẻ của người Mã Liềng trước đây còn lạc hậu như đẻ ở ngoài túp lều tạm bợ, tự đôi vợ chồng trẻ phải lo liệu mọi thứ từ đỡ đẻ, cắt rốn, cho đến vệ sinh cá nhân. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến nạn hữu sinh vô dưỡng. Đến nay đồng bào đã dựa vào y tế nhà nước để sinh đẻ. Mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình người Mã Liềng nhìn chung bình đẳng, tôn ty trật tự và sự phân công lao động đã rõ ràng. Người chồng là trụ cột gia đình về sản xuất làm ăn và tiến hành các nghi lễ cúng bái. Người vợ chịu trách nhiệm nội trợ và giáo dục con cái. Các con cái tùy theo sức của mình có thể lao động giúp đỡ gia đình.

3. Về đời sống văn hóa tinh thần: Sống trong điều kiện địa lý hết sức khắc nghiệt du canh du cư, đồng bào phải vất vả chống chọi trước sức mạnh của thiên nhiên, nhiều khi bất lực. Các hiện tượng như sấm chớp, mây mưa, bệnh tật, chết chóc…thường xuyên đe dọa đồng bào mà không thể giải thích nổi. Đó là một trong những nguyên nhân ra đời của tôn giáo tín ngưỡng.

Theo quan niệm của đồng bào, các lực lượng thần ma cai quản tất cả, muốn có cuộc sống bình yên, may mắn, tránh được rủi ro tai họa, ốm đau cần phải cúng tế. Làm nương rẫy, đi săn bắn, dựng nhà, cưới vợ chồng cho con cái, ốm đau bệnh tật chết chóc đều phải cúng. Đây là một thực tế xẩy ra thường xuyên trong đời sống của đồng bào trong quá khứ và cả hiện tại. Cùng với việc tuyên truyền, cần phải giúp đỡ và hỗ trợ đồng bào nâng dần mức sống và dân trí, đảm bảo một cuộc sống vật chất ổn định, một đời sống tinh thần vui tươi lành mạnh. Cần phục hồi một số lễ nghi tiến bộ, có ý nghĩa và tổ chức một số lễ hội có tính cộng đồng cao như Lễ hội xuống đồng, lễ Ăn cơm mới, lễ Tết 7/7 âm lịch ngày làm mùa gieo hạt, nhằm tạo ra không khí đoàn kết, giao lưu văn hóa cộng đồng. Cần có kế hoạch sưu tầm bảo tồn các hình thức văn hóa văn nghệ, gìn giữ bảo lưu một số nhạc cụ truyền thống của đồng bào như sáo bằng nứa, đàn ống tre và đàn môi.

Để thực hiện tốt 3 vấn đề nêu trên, với phương châm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của người Mã Liềng- thuộc dân tộc Chứt trong sự phát triển hiện nay, chúng ta cần có một số giải pháp cụ thể như tuyên truyền vận động, tổ chức phát triển kinh tế xã hội bền vững, có chính sách cụ thể về văn hóa giáo dục y tế và công tác đào tạo cán bộ. Trong đó chính sách cán bộ là khâu quyết định cho việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc nói chung và của đồng bào Chứt nói riêng. Nhất là trong tình hình hiện nay, đồng bào đã ổn định bước đầu cuộc sống định canh định cư, thay đổi tập quán canh tác.

Vấn đề cán bộ trực tiếp hướng dẫn, giúp đỡ đồng bào trên mọi mặt là vô cùng quan trọng. Bởi như tâm sự của đồng bào là họ không nhác, lười lao động mà chỉ vì họ chưa biết lao động làm ăn có hiệu quả. Cần có những cán bộ tâm huyết và có tri thức giúp đồng bào. Về lâu dài cần đào tạo cán bộ là con em đồng bào dân tộc để họ phục vụ ngày càng tốt hơn cho đồng bào của mình ngay tại quê hương của chính mình.