Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Bảo vệ trẻ em khỏi vấn nạn bạo lực học đường giống như “đẩy xe lên dốc”

(Dân sinh) - Những vụ bạo lực trẻ em trong đó có bạo lực học đường xảy ra trong thời gian qua khiến phụ huynh đề có chung câu hỏi: “Làm thế nào để bảo vệ con em chúng ta khỏi bạo lực học đường?”. Chuyên gia Tâm lý học, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: “Công tác bảo vệ trẻ em, đặc biệt là bảo vệ trẻ em khỏi vấn nạn bạo lực học đường giống như “đẩy xe lên dốc”. Nếu dừng lại, chúng ta có thể bị lùi lại phía sau”.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, sau bối cảnh đại dịch Covid-19, mặc dù cả nước đã trở lại giai đoạn bình thường mới nhưng tỷ lệ học sinh gặp những vấn đề tổn thương sức khỏe tinh thần (như căng thẳng, stress, lo âu, trầm cảm,…) khi quay lại trường học lại cao hơn. Lý do bởi khi sau 2 - 3 năm bị gián đoạn bởi dịch Covid-19, tất cả nguồn lực hoặc dịch vụ cho công tác phòng ngừa bạo lực học đường trong nhà trường có thể chưa được tái kích hoạt một cách đầy đủ. Ví dụ như các hệ thống, phòng tâm lý học đường đã có một số bộ phận bị tê liệt. Bản thân các gia đình, về an sinh, tài chính của họ đã gặp những vấn đề, bởi vậy bố mẹ dường như thiếu cam kết hơn trong việc chú ý đến vấn đề của con cái.

Phòng tham vấn học đường là nơi để các em chia sẻ những tâm tư thầm kín.

Phòng tham vấn học đường là nơi để các em chia sẻ những tâm tư thầm kín.

Trong khi đó, sau khoảng thời gian học online, các em đang có thói quen gắn kết quá mức với không gian mạng xã hội, mà không gian ấy tràn ngập các chủ đề liên quan đến bạo lực hay những nội dung không phù hợp. Điều này có thể làm thay đổi cách nhìn của rất nhiều em. Chính tổ chức Y tế thế giới cũng đã nói rằng sau khủng hoảng dịch bệnh Covid-19 sẽ đến khủng hoảng về sức khỏe tâm thần, dẫn đến một số vấn đề về hành vi trong xã hội. “Những nạn nhân của bạo lực học đường sẽ trải qua rất nhiều tổn thương về mặt thể chất. Bên cạnh đó, vấn đề khó nhận diện hơn là những tổn thương về mặt sức khỏe tâm thần. Nạn nhân của bắt nạt bao giờ cũng ở trong tâm trạng rất lo lắng, bất an, cảm thấy tự ti, thấy mình không có giá trị, thấy bị cô lập, không được yêu thương. Và những kẻ bắt nạt luôn tìm đủ mọi cách làm cho nạn nhân lo lắng, sợ hãi, không dám tiết lộ các vụ việc với người xung quanh. Do đó, nạn nhân thường có xu hướng hơi trầm cảm hoặc lo lắng”, PGS.TS Trần Thành Nam cho hay.

Để nhận biết một đứa trẻ đang bị bạo lực học đường, nhất là những trẻ đang có suy nghĩ tiêu cực sau thời gian dài bị bạo lực không, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, với sự để tâm của bố mẹ một cách chăm chú hơn có thể dễ dàng nhận ra các dấu hiệu con bị bạo lực. Đơn cử như sách vở, quần áo của trẻ tự nhiên bị rách, hỏng hóc; đồ dùng học tập có thể bị hư hại. Rồi có thể con nói bị ngã, nhưng lại thấy có những dấu hiệu xây xát, bầm tím bất thường trên cơ thể.

Nếu thấy cảm xúc của con thay đổi một cách đột ngột, những gì trước đây hứng thú nay không còn hứng thú nữa; hay đứa trẻ cứ nói rằng không thích đến trường hoặc từ chối đến trường, đề nghị bố mẹ chuyển lớp, chuyển cô giáo cũng là dấu hiệu cần phải nghi ngờ. Một dấu hiệu khác là đứa trẻ tìm cách trốn học, tìm cách bỏ tiết; con luôn phải đi đường xa, đường vòng để đến trường. Rồi trong hành vi ứng xử hằng ngày, đột nhiên đứa trẻ thu mình lại, không tương tác với những người bạn mà trước đây con từng tương tác nữa. Đôi lúc, chúng ta cảm thấy con trở nên cảm xúc quá mức hoặc cáu gắt quá mức. Rồi con có nhiều điều bí mật giấu cha mẹ, ví dụ chúng ta vào phòng đột ngột thì thấy con có phản xạ bất bình thường như giật mình quá mức. Tất cả những dấu hiệu này, bố mẹ đều cần đặt ra giả thuyết liệu rằng có vấn đề gì xảy đến với con hay không. Và trong rất nhiều vấn đề, bạo lực học đường hay bị bắt nạt, tẩy chay, cô lập ở trường là giả thuyết chúng ta nên đưa ra để kiểm tra.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, để phòng, chống bạo lực học đường cần có sự phối hợp giữa cả gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội. Đối với nhà trường, cần thiết lập một hệ thống sàng lọc định kỳ để xác định được học sinh nào đang có những vấn đề tổn thương sức khỏe tinh thần, có nguy cơ về các vấn đề tâm lý, hay vấn đề hành vi có thể dẫn đến bạo lực. Phải có một quy trình, trong đó có phương thức thuận lợi để mọi người khiếu nại về các hành vi thiếu thân thiện hoặc bạo lực trong nhà trường. Sau đó, phải có quy trình từ khi tiếp nhận thông tin phản ánh khiếu nại về bạo lực, đến biện pháp xử lý thế nào. Nên có những chương trình giáo dục cho giáo viên về cách thức quản lý lớp tích cực, giáo dục cho cha mẹ cách ứng xử với con theo kỷ luật tích cực để không làm hình mẫu xấu, hình mẫu bạo lực cho con cái. Bên cạnh đó, phải đưa ra những nguyên tắc ứng xử cho học sinh. Những giá trị yêu thương, an toàn , tôn trọng cần được cụ thể hóa trong các hành vi ở lớp học, ngoài lớp học. Nếu trong trường có những góc khuất là nơi kẻ bắt nạt thường xuyên kéo bạn học vào đó để tiến hành hành vi bạo lực, nhà trường nên bố trí camera và phải có những biện pháp để quản lý mọi lúc, mọi nơi.

Đặc biệt, không chỉ từ phía nhà trường, gia đình mà cần các tổ chức địa phương tham gia vào quy trình này. Bởi bạo lực học đường không chỉ diễn ra trên trường, mà có thể diễn ra trên đường các em về nhà, từ nhà đến trường, rồi có thể diễn ra trên mạng xã hội. Tất cả mọi người cùng chung tay mới có thể giúp cho môi trường học đường trở nên an toàn hơn.