Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Bất động sản “phi mã” theo Thành phố Thủ Đức

(Dân sinh) - Sau khi được Thủ tướng đồng ý chủ trương thành lập TP Thủ Đức (tên tạm gọi) thuộc phía Đông TP.HCM trên cơ sở sáp nhập các quận 2, 9 và Thủ Đức, thị trường BĐS của khu Đông đã có nhiều khởi sắc và trên đà tiếp tục “phi mã” theo đề án này.

Có nên đầu tư BĐS lúc này?

Nhìn lại sự phát triển thị trường bất động sản khu vực 3 quận phía Đông của TPHCM trong vòng 3 năm qua từ 2017 đến 2019 có thể thấy giá bán sơ cấp căn hộ tại 3 quận được quy hoạch thuộc thành phố phía Đông TP.HCM đã tăng chóng mặt.

Theo khảo sát của phóng viên, cuối năm 2019, giá đất diện tích nhỏ khu vực đường Đỗ Xuân Hợp và đường Liên Phường (quận 9) khoảng 80-90 triệu đồng/m2. Thời điểm này, mặt bằng giá chung đã tăng khoảng 10-20 triệu đồng/m2, lên mức 90-110 triệu đồng/m2 tùy vị trí. Giá đất các khu vực quận 2 vốn đã có mức sàn rất cao, nay còn nhích nhẹ so với năm 2019 khoảng 10 triệu đồng/m2. Giá đất trên tuyến đường Song Hành hiện khoảng 250-350 triệu đồng/m2, đường Trần Não khoảng 300-380 triệu đồng/m2…

Bất động sản “phi mã” theo Thành phố Thủ Đức - Ảnh 1.

Nhìn lại sự phát triển thị trường bất động sản khu vực 3 quận phía Đông của TPHCM trong vòng 3 năm qua từ năm 2017 đến 2019 có thể thấy giá bán sơ cấp căn hộ tại 3 quận được quy hoạch thuộc thành phố phía Đông TP.HCM đã tăng chóng mặt.

Theo ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Bộ phận R&D DKRA Vietnam:Việc Thủ tướng đồng ý chủ trương thành lập "Thành phố Thủ Đức" trực thuộc TP.HCM sẽ mang đến những tác động về mặt phát triển kinh tế.

Trước mắt, tác động về kinh tế có thể tạm thời chưa nhìn thấy rõ nhưng theo ông Hoàng tác động lên thị trường BĐS thì luôn dẫn đầu. "Đây sẽ là thông tin tích cực để các chủ đầu tư tận dụng làm lợi thế gia tăng quảng cáo, thu hút người mua… cho các dự án thuộc khu vực, từ đó đẩy mặt bằng giá lên một mức mới", ông Hoàng chia sẻ.

Theo ông Ngô Quang Phúc – TGD Phú Đông Group, động lực thúc đẩy mạnh mẽ cho sự phát triển của thị trường BĐS khu vực phía Đông không chỉ là thông tin quy hoạch "thành phố bên trong thành phố" mà chính là sự bứt tốc mạnh mẽ về hạ tầng trong vài năm trở lại đây.

Bất động sản “phi mã” theo Thành phố Thủ Đức - Ảnh 3.

Trong bối thành phố phía Đông sắp hình thành, việc khan hiếm nguồn cung chưa thể giải quyết được trong ngày một ngày hai thì giá bất động sản khu vực phía Đông nhiều khả năng sẽ tiếp tục thiết lập mặt bằng mới.

Ngoài yếu tố hạ tầng, yếu tố nữa kéo giá thành nhà đất khu Đông tăng mạnh là sự khan hiếm nguồn hàng. Thống kê từ Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, trong 7 tháng đầu năm, số lượng dự án nhà ở được phép huy động vốn tại TP.HCM là 16 dự án, toàn thành phố chỉ có 5.500 căn hộ được bán nhà ở hình thành trong tương lai. 

Trong khi đó, trong 2 năm trở lại đây, các chủ đầu tư phần lớn triển khai dự án mới tại khu Đông, tuy nhiên việc dự án tắc nghẽn về mặt pháp lý từ năm 2018 khiến nguồn cung nhà sụt giảm nghiêm trọng. Điều này đã góp phần đẩy giá bán sản phẩm lên cao.

Theo Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu, trong bối thành phố phía Đông sắp hinh thành, việc khan hiếm nguồn cung chưa thể giải quyết được trong ngày một ngày hai thì giá bất động sản khu vực phía Đông nhiều khả năng sẽ tiếp tục thiết lập mặt bằng mới.

Thành phố phía đông sẽ được xây dựng theo mô hình khu đô thị sáng tạo nên phân khúc BĐS nhà ở, căn hộ, văn phòng cao cấp đang có rất nhiều cơ hội phát triển trong thời gian tới. Bởi khi TP phía đông hình thành sẽ thu hút một lượng lớn cư dân là những nhà khoa học, các chuyên gia cố vấn nước ngoài có mức thu nhập rất cao. BĐS hạng A sẽ có nhiều cơ hội tăng trưởng.

Nhà đầu tư quyết định khả năng sinh lợi

Được biết, TP.HCM đang triển khai 216 dự án hạ tầng giao thông với tổng vốn 350.000 tỷ đồng, trong đó 70% đổ vào khu Đông với loạt dự án tăng khả năng kết nối với các khu vực như: Dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội, nút giao Mỹ Thủy, Đồng Văn Cống, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đại lộ Mai Chí Thọ, cầu qua đảo Kim Cương, dự án 4 cầu Thủ Thiêm kết nối về Cát Lái, Thạnh Mỹ Lợi.

Bất động sản “phi mã” theo Thành phố Thủ Đức - Ảnh 4.

TP.HCM đang triển khai 216 dự án hạ tầng giao thông với tổng vốn 350.000 tỷ đồng.

Cuối tháng 4 vừa qua, UBND TP.HCM cũng quyết định thành lập Ban Chỉ đạo về xây dựng đô thị sáng tạo phía Đông khiến thị trường nhà đất khu vực này càng hấp dẫn hơn với tiềm năng sinh lợi tốt trong tương lai.

Vốn là tâm điểm của thị trường địa ốc, thời gian gần đây, khu vực cửa ngõ phía Đông liên tục được ưu tiên phát triển với hàng loạt công trình trọng điểm cùng nhiều quy hoạch mang tầm quốc tế, khiến nơi đây ngày một bứt phá và lan tỏa sang các vùng lân cận.

Ông Nguyễn Nam Hiền – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh chia sẻ: Với lợi thế vị trí địa lý ở nơi cửa ngõ, TP. Thủ Đức trong tương lai với hơn 1 triệu dân được xem là vùng động lực phát triển kinh tế trên nền tảng công nghệ cao và xã hội tiên tiến, ước tính đóng góp 30% GDP của TP.HCM, tương đương 4-5% GDP cả nước.

Theo ông Nam Hiền, việc thành lập TP Thủ Đức sẽ kích thích phát triển kinh tế ở khu vực TP.HCM, còn đối với thị trường bất động sản, thông tin này sẽ kích thích phát triển thị trường tại các khu vực xung quanh, bên ngoài TP.HCM. Nhất là các khu vực nằm giáp ranh như: Bình Dương, Đồng Nai, Biên Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu.

Bất động sản “phi mã” theo Thành phố Thủ Đức - Ảnh 5.

Quan trọng là nhà đầu tư có chọn được sản phẩm phù hợp với khả năng của mình để sinh lợi hay không.

"Điều này không những tác động tích cực đến sự tăng nhiệt của thị trường bất động sản TP.HCM mà còn là động lực cho các đô thị vệ tinh phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là Bình Dương vốn được xem là "sân sau" của TP.HCM. Ngoài ra, Bình Dương còn là tỉnh thành duy nhất của Việt Nam được vinh danh là đô thị có chiến lược phát triển thông minh tiêu biểu của thế giới, mở ra nhiều cơ hội hợp tác quốc tế và thu hút đầu tư hiệu quả. Cùng với việc thành lập hai thành phố mới là Dĩ An và Thuận An khiến Bình Dương trở thành một trong những khu vực sôi động bậc nhất hiện nay", ông Hiền chia sẻ.

Để đón được các cơ hội đầu tư, ông Hiền cho rằng, doanh nghiệp cần định hướng dòng sản phẩm có chất lượng cao hơn, phát triển nâng tầm bất động sản cho phù hợp với định hướng, xu hướng, xu thế sử dụng ở khu vực. Điển hình hiện nay, Tập đoàn Hưng Thịnh đang phát triển dùng sản phẩm nhà thông minh giúp các thiết bị điện trong căn hộ được kết nối linh hoạt, vận hành theo một kịch bản thông minh như: Tự động bật tắt đèn, điều khiển từ xa hệ thống tivi, máy lạnh... góp phần giúp tiết kiệm điện năng tối ưu cũng như sự tiện lợi cho cư dân tại New Galaxy.

Chuyên gia BĐS Phan Công Chánh nhìn nhận thị trường BĐS tăng lên là phản ứng bình thường của thị trường trước một thông tin tích cực. Theo ông Chánh, khi có đề án thành lập TP mới, một mô hình đô thị mới sẽ tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế của TP rất lớn. Do đó, nhà đầu tư nào cũng sẽ kỳ vọng giá BĐS tăng lên.

Tuy nhiên, quan trọng là nhà đầu tư có chọn được sản phẩm phù hợp với khả năng của mình để sinh lợi hay không. Giá tăng càng nhiều càng có lợi cho nhà đầu tư cũ nhưng vẫn còn cơ hội cho nhà đầu tư mới tham gia.

Mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong vừa có ý kiến chỉ đạo về tình hình triển khai công tác xây dựng Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía đông TP.HCM.

Theo đó, Sở QH-KT được giao chủ trì, phối hợp với Sở TN&MT, Sở GTVT và các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng quy định tạm thời về quản lý đất đai, quy hoạch và đầu tư xây dựng của TP Thủ Đức. Sau đó lấy ý kiến UBND các quận 2, 9 và Thủ Đức; tổng hợp ý kiến, hoàn chỉnh quy định tạm thời, trình ban chỉ đạo xem xét, thông qua trong tháng 10 năm nay.