Quay lại Dân trí
Dân Sinh

"Bất thường" điểm chuẩn đại học

(Dân sinh) - Theo dữ liệu của Bộ GD&ĐT, có 61 thí sinh đạt 29,5 điểm trở lên mà không đỗ nguyện vọng vào trường đại học nào trong mùa tuyển sinh năm nay. Cũng theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm nay, cả nước có 30 mã ngành lấy điểm chuẩn cao hơn năm 2020 từ 9 - 11 điểm, có 265 ngành tăng từ 5 điểm trở lên, chiếm 8%.

Mức tăng này gây sốc với nhiều thí sinh bởi 26 - 27 điểm vẫn có thể rớt cả chục nguyện vọng!

Những nhóm ngành tăng điểm chuẩn của năm nay là kỹ thuật, công nghệ; khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên, kinh doanh, khoa học xã hội nhân văn...

Nhớ lại những năm trước, ngay cả cái thời mà đậu đại học còn khó hơn "hái sao trên trời", thì đa số thí sinh chỉ cần trên dưới 20 điểm là đều có thể vào đại học, thậm chí còn có học bổng.

"Bất thường" điểm chuẩn đại học - Ảnh 1.

"Bất thường" điểm chuẩn đại học (Ảnh minh họa)

Thế nhưng thực tế hiện giờ, có những thí sinh đạt tới 26-27 điểm vẫn trượt toàn bộ các nguyện vọng. Thậm chí, có trường còn có mức điểm chuẩn hơn... 30 điểm - có nghĩa ngay cả khi thí sinh đạt điểm tuyệt đối tất cả các môn vẫn bị trượt như thường!

Nếu nhìn vào bảng điểm của thí sinh dự tuyển đại học năm nay, mọi người dễ có cảm giác là học sinh hiện giờ... quá giỏi! Cái sự "giỏi" ấy vượt xa so với chỉ vài năm trước. Tức, chất lượng dạy học đã được "nâng cao đáng kể" (!?). Nhưng thực tế có đúng như vậy không?

Theo giải thích của Bộ GD&ĐT, lý do khiến điểm chuẩn đại học năm nay "đội trần" là do: Điểm bài thi tiếng Anh tăng; số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển tăng mạnh (số trẻ sinh năm 2003 tăng, xu hướng chọn học ĐH tăng); giới hạn chỉ tiêu của các trường top trên; xu hướng chọn ngành (tác động của nền kinh tế trong điều kiện dịch bệnh).

Nhiều người cho rằng, lý giải trên không thật hợp lý, bởi điểm chuẩn tăng phản ánh điểm số của thí sinh năm nay có sự "tăng đột biến" so với các năm trước, không liên quan tới việc số lượng thí sinh tăng hay điểm số một vài môn tăng so với trước.

Chỉ có thể giải thích theo hai hướng: Hoặc chất lượng học sinh hiện nay là "quá cao", nên mới có rất nhiều em đạt điểm tối đa hoặc gần như tối đa như vậy; hoặc đề thi quá dễ, cùng với việc chấm thi có hiện tượng "lỏng tay" khiến cho đa số thí sinh đều đạt mức điểm từ khá cao đến... rất cao - điều đã thể hiện rõ ở điểm chuẩn "cao đột biến" của rất nhiều trường.

Nhiều ý kiến thiên về hướng thứ hai, và chỉ ra đó là hệ quả của bệnh thành tích - vốn đã trở nên "thâm căn cố đế" trong ngành Giáo dục suốt nhiều năm qua.

Việc có nhiều trường lấy điểm chuẩn ở mức 27-30 điểm, hay thậm chí là trên 30 điểm (trên 3 môn), trong khi có rất nhiều thí sinh đạt được những mức điểm "không tưởng" này, còn cho thấy tính phân hóa theo cấp độ trình độ, năng lực thí sinh không được đảm bảo. Nhiều người lo ngại trong số những thí sinh đạt mức điểm gần như tuyệt đối kia - vốn chỉ dành cho những học sinh có năng lực đặc biệt xuất sắc, có không ít thí sinh chỉ có học lực chỉ trung bình hoặc khá. Đồng nghĩa với việc chất lượng đầu vào của nhiều trường đại học không đảm bảo.

Lâu nay, nhiều chuyên gia thị trường lao động đã không ít lần lên tiếng về tình trạng hàng trăm ngàn cử nhân không có việc làm sau khi ra trường; hay một tỷ lệ rất lớn cử nhân, kỹ sư sau khi tốt nghiệp cần phải đào tạo lại thì các doanh nghiệp mới có thể sử dụng được. Đó chính là thước đo chuẩn xác nhất về chất lượng đào tạo đại học của ta.

Từ những điều "bất thường" từ kỳ thi này, có rất nhiều vấn đề đặt ra - từ đẩy mạnh hướng nghiệp, phân luồng từ THCS, cải tiến cách thức tổ chức thi cử... để tránh lãng phí nguồn nhân lực.