Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Bình Định: Hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19

(Dân sinh) - Trong cuộc họp mới đây ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã có những chỉ đạo nhằm hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, giao cho các sở, ban ngành liên quan và địa phương chủ động nhanh chóng triển khai khoản hỗ trợ đến người dân.

Theo đó, ngày 21/4 ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chủ trì cuộc họp liên quan đến việc hỗ trợ người dân theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Thủ tướng Chính Phủ.

Tại cuộc họp, ông Hồ Quốc Dũng yêu cầu các Sở, Ban ngành nắm chắc số lượng người lao động mất hay ngừng việc để thực hiện hỗ trợ, doanh nghiệp khó khăn. Cụ thể, giao Cục Thuế tỉnh phải xác thực danh sách 819 hộ kinh doanh có thu nhập dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh do dịch Covid-19 từ ngày 1/4/2020, hỗ trợ chậm nhất vào đầu tháng 5/2020. Với Sở GD&ĐT, ngoài giáo viên trường mầm non, tư thục, cần rà soát danh sách bảo mẫu các trường tiểu học, cấp dưỡng trường mầm non công lập... vì đây là đối tượng chưa tham gia BHXH và không thuộc nhóm đối tượng thuộc Nghị quyết 42.

Bình Định: Người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 được hỗ trợ - Ảnh 1.

Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo tại cuộc họp (Ảnh: Báo Bình Định online)

Riêng với nhóm lao động trong doanh nghiệp, đặc biệt lưu ý chỉ hỗ trợ cho người lao động trực tiếp bị ảnh hưởng sâu của dịch bệnh. Sở LĐ-TB&XH, LĐLĐ tỉnh, Sở Công Thương và Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh xét 17 doanh nghiệp trong Khu kinh tế Nhơn Hội để rút kinh nghiệm triển khai toàn tỉnh.

Báo cáo tại cuộc họp ông Nguyễn Mỹ Quang, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, các địa phương đang rà soát 26.172 đối tượng người có công cách mạng, 88.791 đối tượng bảo trợ xã hội, 150.118 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. 2 tổ công tác của tỉnh tiến hành rà soát danh sách người lao động, hộ kinh doanh cá thể gặp khó khăn do đại dịch. Bên cạnh đó, các tổ công tác cũng tiếp tục rà soát người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm, thuộc các nhóm: Bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định.

Đặc biệt, Sở LĐ-TB&XH và các địa phương rà soát, đề xuất hỗ trợ ngay trong tháng 4 này cho 3 nhóm đối tượng: Hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Riêng 2 nhóm đối tượng bảo trợ xã hội và người có công với cách mạng, trước mắt ưu tiên hỗ trợ người thực sự khó khăn. Với lao động tự do, chính quyền cơ sở xét duyệt kỹ từng trường hợp đáp ứng các điều kiện về cư trú và lao động trên địa bàn, ưu tiên hỗ trợ trước những người khó khăn như: Lao động làm thuê, bán hàng rong, vé số, chạy xe ôm…

Đến nay 11 huyện, thị xã, thành phố đã rà soát danh sách đối tượng người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội; hộ nghèo, cận nghèo gửi về Sở LĐ-TB&XH cập nhật vào phần mềm quản lý do Sở TT&TT xây dựng, nhằm đảm bảo đúng đối tượng, không để lợi dụng, trục lợi chính sách, còn đối tượng là người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm..., dự kiến đến ngày 23/4/2020 hoàn thành.

Tại cuộc họp Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng cũng đồng ý cho Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với Tỉnh đoàn, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh triển khai "ATM gạo" thứ hai theo phương thức phù hợp tại Khu công nghiệp Phú Tài (TP Quy Nhơn) để kịp thời hỗ trợ cho người lao động tại đây. "Chính quyền địa phương các cấp lập ngay hội đồng rà soát, xét duyệt với sự giám sát của Ủy ban MTTQ. Tinh thần hỗ trợ là hết sức khẩn trương, nhưng chặt chẽ, công khai, minh bạch", Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.