Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Bình Định: Tạm dừng dự án bức phù điêu "khủng"

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định đã thống nhất tạm dừng dự án tạc bức phù điêu Lạc Long Quân - Âu Cơ ngay ngã năm Đống Đa, thành phố Quy Nhơn với kinh phí dự kiến 86 tỷ đồng.

Chiều tối 25/9/2019, một nguồn tin cho biết, tại hội nghị diễn ra cùng ngày, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định đã thống nhất tạm dừng dự án tạc bức phù điêu Lạc Long Quân - Âu Cơ ngay ngã năm Đống Đa, thành phố Quy Nhơn với kinh phí dự kiến 86 tỷ đồng.

Bình Định: Tạm dừng dự án bức phù điêu 'khủng'  - Ảnh 1.

Phối cảnh bức phù điêu.

Theo đó, việc tạm dừng dự án bức phù điêu là để tập trung cải tạo nút giao thông tại nút giao thông ở ngã năm Đống Đa, mở cửa ngõ giao thông thoáng cho thành phố Quy Nhơn ra QL1A và hướng Khu kinh tế Nhơn Hội.

Bình Định: Tạm dừng dự án bức phù điêu 'khủng'  - Ảnh 2.

Việc tạm dừng dự án bức phù điêu là để cải tạo, nâng cấp nút giao thông tại đây. Ảnh: Tr.Định

Đầu tháng 9 này, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy về dự án có chủ đề: "Lạc Long Quân - Âu Cơ và cội nguồn sức mạnh đại đoàn kết".

Theo UBND tỉnh Bình Định, thời gian thực hiện công trình này từ năm 2020 - 2022 và dự kiến tổng mức đầu tư hơn 86 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách do tỉnh quản lý để triển khai phần hạ tầng cắt bạt núi, di dời và hạ ngầm đường điện… là hơn 34 tỷ, kêu gọi tài trợ xã hội hóa và các nguồn huy động hợp pháp khác để triển khai phần mỹ thuật phù điêu tạc vào vách núi là hơn 51 tỷ đồng.

Bình Định: Tạm dừng dự án bức phù điêu 'khủng'  - Ảnh 3.

Vách núi Bà Hỏa nơi dự kiến tác bức phù điêu. Ảnh: Tr.Định

Vị trí tạc phù điêu là núi Bà Hỏa (thành phố Quy Nhơn) nằm dọc giữa ngã 5 đường Trần Hưng Đạo giao với đường Võ Nguyên Giáp, Đống Đa, Nguyễn Tất Thành dẫn vào trung tâm thành phố Quy Nhơn.

Tác phẩm phù điêu này sẽ được khắc họa theo 3 lớp. Lớp thứ nhất là hình tượng Lạc Long Quân và Âu Cơ, khoác áo choàng, đầu đội mũ lông chim. Sau lưng, dưới chân là những lớp mây gợi lại huyền sử lung linh về dòng dõi Rồng Tiên của cư dân Lạc Việt.

Lớp thứ 2 thể hiện 18 nhân vật nam, tượng trưng cho 18 đời Hùng Vương. Các vua hùng với dáng đứng uy nghi, hai tay chắp ngang ngực cung kính lắng nghe lời căn dặn của cha mẹ. Lớp thứ 3 thể hiện các nhân vật, đại diện cho 54 dân tộc Việt Nam. Mỗi dân tộc khắc họa một người nam và một người nữ.

Liên quan đến bức phù điêu, ông Nguyễn Tấn Hiểu (74 tuổi, cựu Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, cựu Bí thư Thành ủy Quy Nhơn) cho biết đã nêu lên 4 vấn đề lo ngại địa phương cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi thực hiện công trình này.

Ông Hiểu lo ngại chất liệu đá của núi Bà Hỏa có đảm bảo để điêu khắc công trình; lo ngại việc điêu khắc công trình tại đây sẽ gây mất an toàn giao thông vì đây là cửa ngõ ra vào trung tâm thành phố Quy Nhơn.

Nói về bố cục của bức phù điêu, ông Hiểu cho rằng chưa phù hợp, “rối rắm”; ông Hiểu còn lo ngại kinh phí để triển khai công trình này sẽ phát sinh ra lớn hơn chứ không như kinh phí dự kiến ban đầu là 86 tỷ đồng.

Theo đó, ông Hiểu lưu ý: Cần phải nghiên cứu kỹ về chất liệu đá của núi Bà Hỏa có đủ điều kiện để điêu khắc công trình này hay không? Địa phương nên ưu tiên hoàn thiện các tín hiệu đèn, biển báo giao thông hài hòa, hiện đại ở nút giao thông này. Có thể ưu tiên phát triển cầu vượt hoặc đường hầm càng tốt.

“Cần phải tính toán thận trọng, dù tiền ngân sách hay tiền xã hội hóa cũng đều do dân đóng góp, vì vậy không nên chi sao cũng được”, ông Hiểu nói.

Cũng liên quan đến công trình này, ông Đào Quý Tiêu - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Bình Định trình bày: Trước mắt, tỉnh nên ưu tiên tất cả các không gian, diện tích để giải quyết, chống ùn tắc giao thông trước. Đây không chỉ là nhiệm vụ trước mắt mà còn lâu dài 10 năm, 20 năm. Bởi, vị trí đặt bức phù điêu nằm ngay nút “cổ chai” về giao thông ra vào thành phố Quy Nhơn.

Thế nên cần ưu tiên gỡ nút thắt giao thông để tránh sau này trở nên hỗn loạn, bế tắc, kìm hãm phát triển. Ngoài ra, tỉnh cũng nên xem xét xây dựng ở đây một công trình cô đọng hơn, tránh rườm rà chi tiết, rối mắt người tham gia giao thông.