Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Bình Dương đào tạo nghề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và giải quyết việc làm

Thời gian qua, nhờ xã hội hóa công tác dạy nghề bằng đa dạng hóa các hình thức đào tạo, kết hợp dạy nghề chính quy và không chính quy, gắn kết giữa cơ sở dạy nghề của Nhà nước với tư nhân đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và giải quyết việc làm ở địa phương.

 

Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85%

Đánh giá tổng quan về nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao và những giải pháp, chính sách để xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Thực tế cho thấy, Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã dẫn đến sự ra đời của nhiều ngành nghề mới, do đó tác động đến cung cầu lao động và sự dịch chuyển cơ cấu nguồn lao động, nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao gia tăng, đặc biệt là các địa phương thuộc Vùng trọng điểm phía Nam, trong đó có Bình Dương. Trong khi đó hiện nay xã hội đang thiếu hụt nguồn nhân lực có tay nghề cao, trình độ chuyên môn sâu để đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập.

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, hiện nay, toàn tỉnh có 108 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 07 trường cao đẳng, 01 Phân hiệu cao đẳng Đường sắt Phía Nam, 10 trường trung cấp, 19 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 71 cơ sở khác có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Hàng năm, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh tuyển sinh khoản hơn 35.000 học viên. Năm 2021, tuy bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài nhưng toàn tỉnh đã tuyển sinh được 34.873 người đạt tỉ lệ 87,2% kế hoạch năm (trong đó, cao đẳng là 1.639 sinh viên, trung cấp là 4.234 học sinh, còn lại là sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng).

Doanh nghiệp đến tham quan tại khoa Cơ khí.

Doanh nghiệp đến tham quan tại khoa Cơ khí.

Theo ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, thời gian tới, Bình Dương sẽ tiếp tục xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực với nhiều nội dung, giải pháp, phù hợp với từng đối tượng được đào tạo. Cụ thể, đối với học sinh phổ thông tập trung nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo; sinh viên các trường đại học, cao đẳng đẩy mạnh đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao đến đầu tư tại tỉnh. Đối với công nhân, lực lượng lao động trực tiếp trong các nhà máy, công ty sẽ quan tâm đến việc đào tạo theo hướng nâng cao tay nghề, kỹ năng, tác phong công nghiệp.

 

Đồng thời tỉnh sẽ mở rộng mô hình các cơ sở giáo dục đào tạo, xem xét triển khai thực hiện các chương trình hợp tác đào tạo với các trường đại học trong nước và nước ngoài để thực hiện đào tạo theo cơ chế đặt hàng; khuyến khích, hỗ trợ các trường đại học của tỉnh tập trung nguồn lực phát triển đào tạo nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực kỹ thuật công nghệ cao để phục vụ triển khai các đề án Thành phố thông minh và Vùng Đổi mới sáng tạo Bình Dương. Phát triển giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động; đẩy mạnh phân luồng sau trung học cơ sở, tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề để tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức về tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp đối với toàn xã hội. Xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng của thị trường lao động (hướng nghiệp, dịch vụ việc làm, thông tin và dự báo thị trường lao động) và tổ chức cung cấp các dịch vụ công về việc làm có hiệu quả; khảo sát và tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu và cổng thông tin chung về tuyển dụng để phục vụ các doanh nghiệp.

"Tỉnh cũng sẽ nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp bao gồm đào tạo và nghiên cứu phát triển, gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với cơ sở giáo dục - đào tạo theo mô hình ba nhà; khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp liên kết với doanh nghiệp để đào tạo mới, đào tạo lại cho doanh nghiệp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp cùng tham gia vào hoạt động đào tạo nghề" – Phó chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

GIờ thực hành của sinh viên trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore.

GIờ thực hành của sinh viên trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore.

Những giải pháp tâm huyết nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Sau 25 năm tái lập tỉnh, Bình Dương từ một tỉnh thuần nông trở thành thủ phủ công nghiệp và hiện đang hướng tới xây dựng đô thị thông minh. Toàn tỉnh hiện có 29 khu công nghiệp (trong đó 27 khu công nghiệp đi vào hoạt động) với diện tích 10.963 ha, tỷ lệ cho thuê đất đạt 88,13% và 12 cụm công nghiệp, với tổng diện tích 790 ha, tỷ lệ lắp đầy đạt 67,4%. Về đầu tư trong nước, toàn tỉnh có hơn 53.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, tổng vốn đăng ký hơn 515.000 tỉ đồng.

Hiện tỉnh có hơn 4.000 dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 37 tỉ đô la Mỹ. Cách mạng công nghiệp 4.0 với xu hướng phát triển dựa trên nền tảng tích hợp cao độ của hệ thống kết nối và sự phát triển của trí tuệ nhân tạo… nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những lĩnh vực chịu sự tác động mạnh mẽ và trực tiếp nhất từ cuộc cách mạng nay.

Hiện nay, toàn tỉnh có 108 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 07 trường cao đẳng, 01 Phân hiệu cao đẳng Đường sắt Phía Nam, 10 trường trung cấp, 19 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 71 cơ sở khác có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Hiện nay, toàn tỉnh có 108 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 07 trường cao đẳng, 01 Phân hiệu cao đẳng Đường sắt Phía Nam, 10 trường trung cấp, 19 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 71 cơ sở khác có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí của việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong quá trình công nghiệp hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, Nghị quyết Tỉnh Đảng bộ có yêu cầu “Phát triển nguồn lao động có tay nghề đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, có cơ cấu hợp lý, gắn đào tạo với giải quyết việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống của người dân.

Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bình Dương cho biết, tỉnh đã xác định chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố tiên quyết làm nên thành công chứ không chỉ dừng ở công nghệ. Đồng thời, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong những thế mạnh giúp địa phương thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Tỉnh ủy Bình Dương đã ban hành Chương trình số 19/CTr-TU đặt ra mục tiêu hướng đến năm 2030 nguồn nhân lực chất lượng cao được phát triển theo bậc đào tạo, ngành đào tạo và chủ thể phát triển kinh tế - xã hội, tập trung cho ngành, lĩnh vực có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao, trong đó một số ngành đạt trình độ khu vực và quốc tế, tạo bước đột phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu của một trung tâm công nghiệp hiện đại.

Đến năm 2045, nguồn nhân lực của tỉnh đáp ứng yêu cầu của một trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, có năng suất lao động cao có đủ năng lực làm chủ, áp dụng công nghệ hiện đại trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội của một đô thị thông minh của vùng và cả nước.

Những nhiệm vụ và giải pháp đặt ra là theo dõi, phát hiện và xây dựng cơ sở dữ liệu về học sinh, sinh viên xuất sắc có năng lực, tâm huyết, có hướng gắn bó lâu dài để tuyển chọn hoặc tổ chức đặt hàng đào tạo nhân lực chất lượng cao, nhân lực cho ngành nghề mà nền kinh tế của tỉnh rất cần như logistics, điện tử, công nghệ mới, tự động hóa, phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, khoa học sức khỏe…

Tỉnh đẩy mạnh phân luồng sau trung học cơ sở; định hướng nghề nghiệp ở trung học phổ thông; chú trọng giới thiệu và định hướng ngành nghề phát triển trong tương lai của kỷ nguyên số, công nghiệp 4.0 (các ngành trong lĩnh vực công nghệ, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin…) ở bậc phổ thông nhằm mục tiêu ươm mầm nguồn nhân lực kỹ thuật công nghệ đáp ứng cho nhu cầu phát triển của địa phương đến năm 2045. 

Liên kết đào tạo nguồn nhân lực với doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp có các ngành cần nhu cầu nhân lực cao, hoặc ưu tiên doanh nghiệp có quy mô lớn.

Liên kết đào tạo nguồn nhân lực với doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp có các ngành cần nhu cầu nhân lực cao, hoặc ưu tiên doanh nghiệp có quy mô lớn.

Đồng thời, nâng cao chất lượng giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao và hội nhập quốc tế; xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ các trường đại học của địa phương tập trung nguồn lực phát triển đào tạo nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ cao, phát triển đô thị, quản trị, quản lý, kinh tế, chính sách, khoa học sức khỏe… để phục vụ triển khai các đề án thành phố thông minh và vùng Đổi mới sáng tạo Bình Dương.

Để khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động có tay nghề, có trình độ trong bối cảnh hiện nay, theo TS.Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH trước hết cần đẩy mạnh công tác tuyển sinh, đào tạo và nâng cao tay nghề cho người lao động ngay trong doanh nghiệp; công tác kết nối cung - cầu lao động cần được đẩy mạnh và số hoá mạnh mẽ hơn. Về lâu dài, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đang xây dựng lộ trình 5 năm, 10 năm về giáo dục nghề nghiệp cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong đó nâng cao năng lực cho đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, hiện đại hoá các cơ sở đào tạo giáo dục nghề nghiệp, đổi mới phương thức đào tạo, xây dựng các phương thức đào tạo linh hoạt.  Phấn đấu trong thời gian tới, trong khu vực phía Nam có khoảng 30 trường đào tạo nghề chất lượng cao, có 2 trung tâm quốc gia về đào tạo nghề chất lượng cao.

Ngoài ra, còn có nhiều giải pháp được các đại biểu đề xuất tại hội thảo: Học sinh phải được hướng nghiệp sớm. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần nâng chất đào tạo để đáp ứng nhu cầu đào tạo và tăng cường kết nối đào tạo vùng. Đa số các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay là theo giáo trình đào tạo, chưa đào tạo theo nhu cầu và chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Liên kết đào tạo nguồn nhân lực với doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp có các ngành cần nhu cầu nhân lực cao, hoặc ưu tiên doanh nghiệp có quy mô lớn, có nhà máy sản xuất đặt tại các tỉnh, thành phố lớn trong vùng, đáp ứng các xu hướng ngành nghề mới. Cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lớn đặt nhà máy, tuyển dụng các nhân sự chất lượng cao hoặc sàng lọc nhân lực ngay từ các cơ sở đào tạo. Kết nối dữ liệu thông tin lao động chung…​