Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Bình Dương: "Không những giảm nghèo nhanh mà phải bền vững"

(Dân sinh) - Đó là phương châm của các cấp, ngành, địa phương trong triển khai hiệu quả các chính sách đã đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Bình Dương (cuối năm 2019 còn 1,31%) và năm 2020, Bình Dương tiếp tục phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 1%, với phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau.

Nhiều chính sách hay, bền vững đến với người nghèo

Xác định giảm nghèo là mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Bình Dương đã ban hành chương trình hành động và kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn với nhiều chính sách, giải pháp được triển khai thực hiện có hiệu quả.

Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành kịp thời các quyết định, kế hoạch cụ thể để triển khai tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo. Các văn bản, chính sách hỗ trợ, trợ giúp người nghèo, người cận nghèo được ban hành đúng pháp luật, đáp ứng được yêu cầu và phù hợp điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn cụ thể; đồng thời, hệ thống các văn bản được ban hành đã cơ bản có sự thống nhất so với mục tiêu chung của chương trình giảm nghèo.

Cùng với việc xây dựng, triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo, tỉnh Bình Dương cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về giảm nghèo. Công tác tuyên truyền luôn là một trong những nội dung được các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các Hội đoàn thể quan tâm chỉ đạo, thực hiện nhằm tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật đến người dân, đặc biệt là người nghèo, người thuộc hộ cận nghèo, làm chuyển biến và nâng cao ý thức thực hiện các mục tiêu về giảm nghèo và ý chí vươn lên thoát nghèo, làm giàu của người dân.

Bình Dương:  Không những giảm nghèo nhanh mà phải  bền vững - Ảnh 1.

Xác định giảm nghèo là mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong các chính sách phát triển kinh tế - xã hội,

Theo ông Lê Minh Quốc Cường, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương: Năm 2019, từ những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp, các dự án, chính sách hỗ trợ kịp thời của nhà nước, sự chung tay của cả cộng đồng, chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh Bình Dương đã đạt nhiều kết quả khả quan. Tính đến cuối năm 2019 toàn tỉnh có 3.808 hộ nghèo, đạt tỷ lệ 1,31% trong đó hộ nghèo thuộc chính sách giảm nghèo là 1.901 chiếm tỷ lệ 0,65%, hộ nghèo thuộc chính sách BTXH là 1.907 chiếm tỷ lệ 0,66%  và hộ cận nghèo là 2.790 hộ, chiếm tỷ lệ 0,96%. Và phấn đấu trong năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1% theo chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh.

Để đạt được kết quả trên, trước hết phải kể đến những thành tựu vượt bậc trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong suốt thời gian qua, kinh tế phát triển là tiền đề, điều kiện thuận lợi để địa phương thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, trong đó có việc chăm lo cho người nghèo. Cùng với đó là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh qua các thời kỳ đối với công tác giảm nghèo với quan điểm "gắn phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh, giải quyết các vấn đề xã hội" và việc triển khai thực hiện các giải pháp một cách đồng bộ, linh hoạt của các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh", ông Cường chia sẻ.

Bình Dương đã tổ chức nhiều cuộc kiểm tra, giám sát về công tác giảm nghèo. Qua đó, kịp thời chỉ đạo khắc phục, sửa chữa những tồn tại, thiếu sót trong công tác tổ chức thực hiện nhằm đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Bình Dương:  Không những giảm nghèo nhanh mà phải  bền vững - Ảnh 2.

Tỉnh ủy, UBND tỉnh qua các thời kỳ đều quan tâm tới công tác giảm nghèo với quan điểm "gắn phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh, giải quyết các vấn đề xã hội" và việc triển khai thực hiện các giải pháp một cách đồng bộ, linh hoạt của các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh

Vì vậy trong năm 2019, kết quả thực hiện chính sách giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Bình Dương luôn đạt và hoàn thành kế hoạch đề ra. Với tổng số tiền đã đầu tư cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 243 tỷ 739 triệu đồng nhằm chi hỗ trợ cho các đối tượng chính sách là hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo; hỗ trợ miễn giảm học phí, tiền điện, y tế, hỗ trợ xây, sửa nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo... cũng đã được các cấp, các ngành triển khai, hỗ trợ kịp thời đến từng đối tượng được nhận.

Song song với đó, về nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 cho các hộ nghèo, cận nghèo cũng được sở triển khai đến từng địa phương kịp thời như: Các dự án, chính sách hỗ trợ người nghèo về vốn vay ưu đãi, các mô hình sinh kế, hỗ trợ dạy nghề, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động… Cùng với đó, các địa phương cũng tích cực xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, thực hiện chính sách hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất, tạo việc làm và tăng thu nhập.

Các chương trình, mô hình giảm nghèo hiệu quả, đang tích cực để triển khai nhân rộng: Mô hình "Dạy nghề, tạo việc làm cho người nghèo dựa vào cộng đồng"; "Hỗ trợ sinh kế cho người nghèo, người cận nghèo" hay " Hỗ trợ kinh phí điều trị bệnh cho những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo" (ung thư, chạy thận, bệnh tim)…

Ngoài ra, sở cũng tích cực phối hợp với các hội, ngành, đoàn thể các cấp và các tổ chức phi chính phủ, hội từ thiện (như tổ chức Holt, Tzu Chi...) tiếp tục khảo sát hỗ trợ sinh kế, hỗ trợ cây, con giống cho người nghèo, người cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn chăn nuôi, trồng trọt, buôn bán nhỏ, phương tiện sản xuất, kinh doanh để vươn lên thoát nghèo bền vững.

Năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1%

Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, năm 2020, Bình Dương phấn đấu đưa tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1% theo chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020.

Theo ông Lê Minh Cường, trong thời gian tới, sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền của hệ thống thông tin - truyền thông cơ sở để tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, định hướng của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo cũng như nâng cao nhận thức về giảm nghèo của toàn xã hội, của người nghèo, khơi dậy ý thức tự vươn lên ổn định cuộc sống; tiếp tục tập trung hỗ trợ cho hộ nghèo trong lĩnh vực y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường, thông tin, vay vốn tín dụng ưu đãi... 

Bình Dương:  Không những giảm nghèo nhanh mà phải  bền vững - Ảnh 4.

Tạo điều kiện cho người nghèo, người cận nghèo được học nghề theo nhu cầu, nguyện vọng của họ, đảm bảo sau khi học nghề có việc làm để tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo.

Tích cực xây dựng và nhân rộng về công tác giảm nghèo, các mô hình giảm nghèo hiệu quả giữa các địa phương trong tỉnh; đồng thời tổ chức Hội nghị tổng kết, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Đảm bảo thực hiện hiệu quả và đầy đủ các chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh theo hướng tiếp cận đa chiều nhằm đạt mục tiêu thoát nghèo bền vững

Ông Cường cho biết, tiếp tục thực hiện Đề án "Dạy nghề - tạo việc làm dựa vào cộng đồng" cho người nghèo, người cận nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2030. Tạo điều kiện cho người nghèo, người cận nghèo được học nghề theo nhu cầu, nguyện vọng của họ, đảm bảo sau khi học nghề có việc làm để tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo.

Chia sẻ về bí quyết giảm nghèo bền vững, ông Cường cho biết: Để giảm nghèo hiệu quả, cần xác định và hiểu rõ nguyên nhân nghèo của các hộ nghèo, cận nghèo để nắm bắt được nhu cầu, từ đó hướng dẫn cách làm ăn và sử dụng nguồn vốn thiết thực cho người nghèo, cận nghèo. Giảm nghèo cần gắn liền với công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, tổ chức dạy nghề phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả. Đặc biệt cần làm tốt công tác vận động tuyên truyền người dân cùng thực hiện chương trình giảm nghèo bằng nhiều hình thức khác nhau.