Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Bình Dương: Người nghèo tiếp cận tốt các chính sách xã hội

Bình Dương là một trong 06 địa phương của cả nước có chuẩn nghèo về thu nhập cao hơn chuẩn nghèo Quốc gia (từ 1,7 – 3 lần). Tỉnh cũng đã sửa đổi bộ công cụ đo lường nghèo đa chiều theo hướng cụ thể hóa, sát hợp hơn, phản ánh được thực trạng, mức sống của cư dân, hộ gia đình theo đặc thù của địa phương. Có thể nói đây là một kết quả hết sức khả quan trong giai đoạn vừa qua. Công tác giảm nghèo luôn nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, tỉnh luôn quan tâm bố trí, dành nguồn lực tương xứng cho công tác giảm nghèo.

Xem xét nâng mức chuẩn nghèo giai đoạn 2022-2025

Thời gian qua, công tác giảm nghèo được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự triển khai kịp thời, đồng bộ, linh hoạt và hiệu quả của các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương. Ngoài các chính sách theo quy định, hướng dẫn của Trung ương, thực hiện tốt phương châm gắn phát triển kinh tế với đảm bảo an sinh, giải quyết tốt các vấn đề xã hội.

Nhờ đó, đầu năm 2021 toàn tỉnh có 3.114 hộ nghèo, tỷ lệ 0,95% và 3.032 hộ cận nghèo, tỷ lệ 0,93%, trên tổng số 326.729 hộ nhân dân. Cuối năm các địa phương tiến hành rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2021 toàn tỉnh giảm được 392 hộ nghèo, 451 hộ cận nghèo, cuối năm toàn tỉnh còn lại  2.732 hộ, nghèo đạt tỷ lệ 0,82% và 2.610  hộ cận nghèo, đạt tỷ lệ 0,79%.

Trao tiền và quà cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Trao tiền và quà cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

 Với mục tiêu thực hiện tốt hơn nữa chính sách an sinh xã hội; mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách giảm nghèo của tỉnh theo hướng tiếp cận gần hơn với mức sống tối thiểu của cư dân địa phương, điều kiện kinh tế-xã hội, khả năng cân đối ngân sách của địa phương, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất 02 phương án chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh giai đoạn 2022-2025.

Cụ thể, phương án 1: Đề xuất chuẩn nghèo đa chiều, trong đó chuẩn nghèo về thu nhập cao hơn của Trung ương khoảng 1,3 lần. Tiêu chí mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản gồm 06 dịch vụ là việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin. Ngưỡng thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản là 02 chỉ số trở lên. Tiêu chí về thu nhập: Ở khu vực nông thôn thu nhập bình quân 2 triệu đồng/người/tháng; ở khu vực thành thị thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng/người/tháng.

 

Phương án 2: Đề xuất chuẩn nghèo đa chiều, trong đó chuẩn nghèo về thu nhập cao hơn của Trung ương khoảng 1,5 lần. Tiêu chí mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản gồm 06 dịch vụ là việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin. Ngưỡng thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản là 02 chỉ số trở lên. Tiêu chí về thu nhập: Ở khu vực nông thôn thu nhập bình quân 2,3 triệu đồng/người/tháng; ở khu vực thành thị thu nhập bình quân 2,8 triệu đồng/người/tháng.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất UBND tỉnh xem xét lựa chọn phương án 2. Thực hiện chính sách này, dự kiến số hộ nghèo tăng lên khoảng 8.000 hộ (tăng khoảng 4.000 hộ so với mức chuẩn của Trung ương) và hộ cận nghèo là 5.000 hộ (tăng khoảng 2.000 hộ so với mức chuẩn của Trung ương). Tương ứng với dự kiến số hộ nghèo và hộ cận nghèo tăng như trên, dự kiến ngân sách tỉnh chi cho giai đoạn 2023-2025 là 140 tỷ 295 triệu đồng; tăng thêm 78 tỷ 272 triệu đồng so với thực hiện theo mức chuẩn Trung ương, tăng thêm 23 tỷ 790 triệu đồng so với phương án 1.

Hỗ trợ phát triển: Khơi dậy được ý chí, tinh thần tự lực vươn lên trong mỗi hộ nghèo

Nhằm nâng cao nhận thức cho các thành viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, thông qua việc nâng cao hiệu quả công tác dạy nghề - tạo việc làm, nhân rộng các mô hình sinh kế hiệu quả, từng bước nâng cao thu nhập cho người nghèo, người cận nghèo góp phần hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Bình Dương, năm 2022 và những năm tiếp theo.

Bình Dương xem xét nâng mức chuẩn nghèo giai đoạn 2022-2025.

Bình Dương xem xét nâng mức chuẩn nghèo giai đoạn 2022-2025.

Điểm sáng tạo trong thực hiện các chính sách giảm nghèo của tỉnh là không đầu tư dàn trải, mà có trọng tâm, trọng điểm và dồn lực theo phương châm "làm đến đâu chắc đến đó", hỗ trợ đúng với nhu cầu, nguyện vọng của người nghèo. Từ đó khơi dậy được ý chí, khát vọng vươn lên của mỗi hộ nghèo.

Cụ thể, năm 2021, Ngân hàng chính sách xã hội đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cho các cơ quan, ban ngành, đoàn thể hỗ trợ cho vay vốn tín dụng ưu đãi, kết quả giải ngân được: 107.087.000.000 đồng, cụ thể:  Cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo : 1.667 lượt hộ với số tiền: 79.162.000.000 đồng; Cho vay hộ mới thoát nghèo: 567 hộ, với số tiền: 27.925.000.000 đồng.

Thực hiên miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho 3.116 lượt học sinh, với tổng kinh phí 4.151.000.000 đồng. Ngoài ra trong năm các Phòng Lao động Thương binh và Xã hội cấp huyện phối hợp với các Hội đoàn thể trao học bổng cho con hộ nghèo hiếu học cụ thể được 154 suất học bồng với tổng số tiền 154.000.000 đồng. Bên cạnh đó Hội bảo trợ Người khyết tật Trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh Bình Dương phối hợp với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố tặng 950 suất học bổng cho học sinh nghèo hiếu học với tồng kinh phí là 987.200.000 đồng.

Đồng thời, người dân tiếp cận tốt các chính sách như: Hỗ trợ y tế; hỗ trợ nhà ở; Chính sách dạy nghề, tạo việc làm, phát triển sản xuất; Chính sách hỗ trợ trong dịch Covid 19; Hỗ trợ tiền điện; tuyên truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý cho người nghèo… Có thể nói, yếu tố then chốt quyết định đến hiệu quả, chất lượng của công tác giảm nghèo được các địa phương chú trọng là tạo sinh kế lâu dài cho người nghèo "cho cần câu thay vì cho cá". Theo đó, nhiều mô hình được triển khai có hiệu quả tại các địa phương, giải quyết việc làm tại chỗ cho hộ nghèo thông qua các mô hình kinh tế,  xây dựng các hợp tác xã, tổ hợp tác, tư vấn giới thiệu việc làm, mở các lớp dạy nghề.

Giai đoạn 2022 – 2025, tiếp tục thực hiện giảm nghèo trên cơ sở chuẩn nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều.

Giai đoạn 2022 – 2025, tiếp tục thực hiện giảm nghèo trên cơ sở chuẩn nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều.

Giai đoạn 2022 – 2025, tiếp tục thực hiện giảm nghèo trên cơ sở chuẩn nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều với các nhóm giải pháp chủ yếu để thực hiện giảm nghèo bền vững như:

Hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập: Tiếp tục thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo; tạo điều kiện thuận lợi, đơn giản về thủ tục hồ sơ để người nghèo dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn, đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo trên địa bàn có nhu cầu vay vốn sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đều được vay từ nguồn vốn do Ngân hàng chính sách xã hội quản lý với lãi suất ưu đãi theo quy định;

Khuyến khích những hộ mới thoát nghèo vay vốn để phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống, thoát nghèo một cách bền vững và chống tái nghèo. Tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ về vốn và khoa học kỹ thuật để nông dân thực hiện các dự án khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư có vốn  sản xuất và ứng dụng khoa học kỹ thuật – công nghệ cao vào sản xuất; góp phần nâng cao đời sống vật chất, tạo tiền đề để người sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là người nghèo khắc phục những hạn chế, khó khăn trong điều kiện sản xuất hiện tại, từng bước củng cố và xây dựng các nguồn lực cần thiết và phù hợp để phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa.

Nâng cao khả năng tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản: Ngoài việc tiếp tục áp dụng các giải pháp nhằm nâng cao thu nhập cho người nghèo, tỉnh sẽ chú trọng các giải pháp hướng đến việc nâng cao khả năng tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo. Do đó, các cấp, các ngành tiếp tục phối hợp thực hiện một cách đồng bộ, có chiều sâu các chính sách giảm nghèo gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, xây dựng đô thị văn minh. Thông qua các chương trình này, đời sống vật chất, tinh thần của người dân sẽ được nâng lên, theo đó, người nghèo sẽ được thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản tại cộng đồng.