Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi

(Dân sinh) - Ngày 25/12/2020, Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực tổ chức Hội thảo khoa học về “Bộ chuẩn phát triển trẻ em năm tuổi”.

Hỗ trợ xác định mục tiêu, kế hoạch, nội dung chăm sóc, giáo dục trẻ

Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho biết, Bộ chuẩn phát triển trẻ em năm tuổi được ban hành theo Thông tư số 23/2010/TT-BGDĐT ngày 22/7/2010. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội của đất nước thì sự phát triển của trẻ em nói chung và trẻ 5 tuổi nói riêng có những thay đổi đáng kể, vì vậy xem xét Bộ chuẩn, đặc biệt là tính xác thực của một số chỉ số để điều chỉnh phù hợp là điều cần thiết.

Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi - Ảnh 1.

Bộ chuẩn cũng là căn cứ để xây dựng chương trình, tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn các bậc cha mẹ và cộng đồng trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ em 5 tuổi.

"Đây là Hội thảo quan trọng, là cơ hội để các cơ quan quản lý, các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận, đánh giá việc triển khai thực hiện Bộ chuẩn phát triển trẻ em năm tuổi, làm cơ sở cho việc điều chỉnh hoặc ban hành mới Bộ chuẩn phát triển trẻ em năm tuổi, đáp ứng yêu cầu phát triển của trẻ và nhu cầu xã hội trong giai đoạn tới", Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh.

Báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Bộ chuẩn phát triển trẻ em năm tuổi, Vụ Giáo dục mầm non cho biết, cán bộ quản lý và giáo viên mầm non đều đánh giá cao vai trò của Bộ chuẩn phát triển trẻ em năm tuổi trong việc xác định mục tiêu, xây dựng kế hoạch, lựa chọn nội dung chăm sóc, giáo dục và đánh giá sự phát triển của trẻ năm tuổi trong thực hiện Chương trình Giáo dục mầm non, góp phần nâng cao chất lượng, chuẩn bị tâm thế cho trẻ em năm tuổi vào lớp 1.

Bộ chuẩn cũng là căn cứ để xây dựng chương trình, tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn các bậc cha mẹ và cộng đồng trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ em 5 tuổi. Cha mẹ trẻ đánh giá cao vai trò của Bộ chuẩn phát triển trẻ em năm tuổi trong sự hỗ trợ chăm sóc, giáo dục con tại gia đình. Tuy vậy, công tác tuyên truyền và phối hợp với cha mẹ và cộng đồng sử dụng Bộ chuẩn còn hạn chế. Một số bậc cha, mẹ trẻ cho rằng, Bộ chuẩn này là nhiệm vụ của giáo viên và trường mầm non.

Bên cạnh những ưu điểm, Vụ Giáo dục mầm non cũng ghi nhận những bất cập về hình thức và nội dung của Bộ chuẩn. Trong đó, có ý kiến cho rằng, số lượng 28 chuẩn và 120 chỉ số hiện tại là nhiều hoặc một số chỉ số quá dễ hoặc quá khó sau 10 năm ban hành.

Chuẩn không phải để "gán nhãn, phân loại" trẻ

Kết quả nghiên cứu "Điều chỉnh Bộ chuẩn phát triển trẻ em năm tuổi" thực hiện năm 2015 của Trung tâm Giáo dục mầm non, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho thấy, 120 chỉ số về cơ bản vẫn đảm bảo sự phù hợp, thậm chí dưới ngưỡng đạt được trong mức độ phát triển của trẻ em năm tuổi Việt Nam.

Hầu hết các chỉ số giáo viên mầm non đánh giá là khó so với trẻ năm tuổi thì kết quả kiểm tra trực tiếp trên trẻ cho thấy đều ở mức phù hợp với khả năng của trẻ (từ 40% trở lên trẻ thực hiện được), thậm chí có chỉ số lại là quá dễ đối với trẻ (> 90% trẻ thực hiện được); một số chỉ số còn khó đối với một số trẻ nhưng độ khó trong khoảng chấp nhận được (từ 40% trở lên trẻ thực hiện được).

Từ kết quả khảo sát thực trạng cách thực hiện Bộ chuẩn cho thấy một vấn đề đặt ra, đó là cách sử dụng Bộ chuẩn để hỗ trợ thực hiện Chương trình Giáo dục mầm non chưa hoàn toàn phù hợp, như lấy 120 chỉ số trong Bộ chuẩn làm mục tiêu giáo dục và tổ chức rèn luyện từng chỉ số, coi chuẩn là để đánh giá trẻ.

Nhóm nghiên cứu khuyến nghị, Bộ chuẩn cần định kỳ điều chỉnh hoặc xây dựng mới cho phù hợp với sự phát triển của trẻ em trên toàn lãnh thổ, đồng thời là căn cứ để điều chỉnh Chương trình Giáo dục mầm non. Đặc biệt, cần xây dựng Bộ chuẩn phát triển trẻ em mang tính liên thông ở tất các độ tuổi và có sự kết nối với yêu cầu đầu vào của học sinh lớp 1. Cấu trúc và số lượng của các tiêu chuẩn, chỉ số cần xem xét sao cho phù hợp, phản ánh và bao hàm được sự phát triển toàn diện của trẻ.

Báo cáo khẳng định, chuẩn thực sự là căn cứ cho việc xây dựng chương trình giáo dục cũng như các tác động mà các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa... đều hướng đến để đảm bảo cho sự phát triển toàn diện của trẻ.