Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Bộ Công an: 95,9% vụ án giết người là do nguyên nhân xã hội

(Dân sinh) - Báo cáo của Bộ Công an cho thấy, trong 6 năm (từ năm 2014 đến 2019), toàn quốc xảy ra 6.850 vụ án giết người. Trong đó, có 6.571 vụ án giết người do nguyên nhân xã hội (chiếm 95,9%).

Chiều ngày 7/7, Bộ Công an tổ chức Hội nghị tăng cường các biện pháp phòng ngừa tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Lê Văn Thanh cho biết, trong những năm qua, Bộ LĐ-TB&XH đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước bằng hệ thống chính sách pháp luật, đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong công tác cai nghiện, quản lý sau cai nghiện ma túy…

Bộ Công an: 95,9% vụ án giết người do nguyên nhân xã hội - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương phát biểu tại Hội nghị.

Trung bình mỗi ngày xảy ra khoảng 3 vụ án giết người

Theo báo cáo của Bộ Công an, số vụ tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội trong 6 năm qua (từ 2014 – 2019) nhìn chung đã được kiềm chế. 

Tuy nhiên, tính chất, mức độ và thiệt hại do tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội gây ra ngày càng nghiêm trọng, dẫn đến hậu quả nặng nề đối với người thân, gia đình bị hại và xã hội.

Cụ thể, trong 6 năm (từ năm 2014 đến 2019), toàn quốc xảy ra 6.850 vụ án giết người. Trong đó, có 6.571 vụ án giết người do nguyên nhân xã hội (chiếm 95,9%). 

Số vụ án giết người có năm tăng, năm giảm nhưng luôn ở mức cao. Trung bình hằng năm xảy ra khoảng 1.140 vụ, trung bình mỗi ngày xảy ra khoảng 3 vụ án giết người.

Đặc biệt, trong 2 năm gần đây, tình hình tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội có xu hướng gia tăng. Các vụ án giết người có tính chất, mức độ đặc biệt nghiêm trọng, để lại hậu quả nặng nề với hơn 6.000 người chết và gần 2.300 người bị thương. 

Các vụ án giết người chủ yếu xuất phát do ghen tuông tình ái, tranh chấp đất đai hoặc va chạm khi uống rượu bia. Trong đó, xảy ra trên 1.200 vụ án giết người thân như: con giết cha, mẹ hay cha, mẹ giết con; vợ chồng giết lẫn nhau...

Cũng theo báo cáo của Bộ Công an, mặc dù chiếm tỷ lệ thấp trong cơ cấu phạm pháp hình sự nhưng tính chất và thiệt hại ngày càng nghiêm trọng gây hoang mang, lo lắng, bức xúc trong nhân dân, để lại những hậu quả và các hệ lụy nặng nề cho xã hội. 

Đối tượng gây ra các vụ án giết người do nguyên nhân dân xã hội chủ yếu là nam giới; nguyên nhân trực tiếp của tội phạm chiếm 80,4% số vụ giết người xuất phát từ những mâu thuẫn thù tức trong nội bộ nhân dân… và xảy ra nhiều ở khu vực nông thôn (chiếm 54,8%)…

Bộ Công an: 95,9% vụ án giết người do nguyên nhân xã hội - Ảnh 2.

Toàn cảnh hội nghị

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương đánh giá, thời gian tới, tình hình tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gia tăng nếu không có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.

Đồng thời nhấn mạnh, quan điểm của Bộ Công an trong công tác phòng ngừa tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội là phát huy vai trò của hệ thống chính trị trong phòng, chống tội phạm giết người, nhất là giết người do nguyên nhân xã hội. Trong đó chú trọng kết hợp tốt giữa phòng ngừa, tuyên truyền giáo dục với đấu tranh trấn áp, điều tra xử lý; lấy phòng ngừa, giáo dục là chính, coi trọng phòng ngừa xã hội, phòng ngừa từ gia đình, nhà trường và cơ sở.

Theo ông Lê Quý Vương, Bộ Công an xác định phòng ngừa là một nội dung công tác trọng tâm rất quan trọng, với mục tiêu kéo giảm từ 03% đến 05% số vụ phạm pháp hình sự mỗi năm. 

"Bảo vệ tính mạng nhân dân là mục tiêu cao nhất, đồng thời có ý nghĩa xã hội, nhân văn sâu sắc; nếu giảm được khoảng 2.500 vụ phạm pháp hình sự mỗi năm thì sẽ có khoảng hơn 2.000 gia đình không có người phạm tội, trại giam bớt đi được số phạm nhân", Thượng tướng Lê Quý Vương nói.

Bộ LĐ-TB&XH có những giải pháp cụ thể trong cai nghiện, quản lý sau cai

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh cho biết, trong những năm qua, Bộ đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước bằng hệ thống chính sách pháp luật, đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong công tác cai nghiện, quản lý sau cai nghiện ma túy…

Cùng với đó, xây dựng hệ thống dịch vụ hỗ trợ cai nghiện ma túy tại 63 tỉnh, thành phố với hơn 100 cơ sở cai nghiện ma túy và hàng ngàn điểm tư vấn, hỗ trợ cai nghiện tại cộng đồng, tạo điều kiện cho hàng trăm lượt người nghiện ma túy được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ cai nghiện ma túy, ổn định sức khỏe của những người tham gia cai nghiện, giảm các loại tội phạm do nghiện ma túy gây ra;

Đồng thời, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh, theo đó, cũng góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Thời gian tới, Thứ trưởng cho biết, Bộ Lao động – TB&XH tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về cai nghiện ma túy. Bên cạnh đó tích cực, chủ động phối hợp với các Bộ: Công an, Y tế, Tư pháp và các bộ, ngành liên quan đề xuất, sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống ma túy (sửa đổi); Luật phòng, chống HIV/AIDS; Luật xử lý vi phạm hành chính để đảm bảo tính thống nhất và phù hợp với thực tiễn… 

Để phòng ngừa tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội, tại hội nghị, nhiều ý kiến cũng đề xuất tăng cường kiểm soát các tụ điểm có sử dụng rượu, bia...; 

Thực hiện tốt công tác quản lý nghiệp vụ đối tượng nghiện ma tuý, chủ động phát hiện sớm các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân để vận động, hòa giải các mâu thuẫn; Chỉ rõ những nguyên nhân tồn tại và phương hướng thực hiện trong thời gian tới…