Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Bộ Công an đề nghị thực hiện ngay việc bỏ sổ hộ khẩu giấy từ 1/7/2021

(Dân sinh) - Phát biểu kết thúc phiên thảo luận về dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) diễn ra sáng 21/10, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết: Trong phiên thảo luận đã có 21 đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến, 4 đại biểu Quốc hội tranh luận. Các đại biểu Quốc hội nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo luật đã được chỉnh lý nhưng vẫn còn 3 nội dung trong dự thảo Luật chưa thống nhất.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, nhìn chung ý kiến của các đại biểu Quốc hội nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo luật đã được chỉnh lý. Đối với một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau, trên cơ sở ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội, ý kiến giải trình, tiếp thu của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm theo 4 nội dung chính.

Đại biểu Quốc hội chưa thống nhất 3 nội dung trong dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu kết luận.

Về điều kiện đăng ký thường trú, đa số ý kiến các vị đại biểu Quốc hội tán thành với việc không quy định điều kiện riêng về đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương như đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9.

Về điều kiện đăng ký thường trú tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nói chung đối với người có chỗ ở hợp pháp là do đi thuê, mượn, ở nhờ, đa số ý kiến tán thành quy định một trong các điều kiện để đăng ký thường trú là phải bảo đảm diện tích nhà ở tối thiểu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 8m2 sàn/người. Chính phủ cũng ủng hộ phương án này. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị lựa chọn tiêu chí là có thời hạn tạm trú từ 1 năm trở lên tại địa bàn là điều kiện xem xét đối với các trường hợp đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ. Cũng có ý kiến đại biểu Quốc hội nêu vấn đề cần tích hợp cả phương án 1 và phương án 2 để làm điều kiện đăng ký thường trú.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận là điều kiện đăng ký tạm trú đối với người có nhà ở cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ. Qua thảo luận, đa số ý kiến tán thành quy định của dự thảo luật là không quy định điều kiện đăng ký tạm trú là phải được người có nhà ở cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý.

Đại biểu Quốc hội chưa thống nhất 3 nội dung trong dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tiếp thu, giải trình các ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi).

Vấn đề thời hạn tạm trú hiện đang có 2 loại ý kiến, loại ý kiến thứ nhất đề nghị tiếp tục quy định về thời hạn đăng ký tạm trú là 2 năm, để phân biệt với đăng ký thường trú, Chính phủ cũng đề nghị theo phương án này. Loại ý kiến thứ hai tán thành với quy định như trong dự thảo luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 là không quy định về thời hạn tạm trú để giảm bớt các thủ tục hành chính.

Về quy định chuyển tiếp trong dự án luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho hay,qua thảo luận thì có 2 loại ý kiến. Nhiều ý kiến tán thành phương án 1, cho phép người dân được tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu, số tạm trú đã được cấp cho đến hết ngày 31/12/2022 để chứng minh thông tin về nơi cư trú thay thế cho giấy tờ xác nhận về cư trú theo quy định của luật này, khi thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự có yêu cầu thông tin về nơi cư trú.

Có ý kiến thì tán thành phương án 2, đề nghị không cần có quy định chuyển tiếp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hết giá trị kể từ thời điểm luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021. Bộ trưởng Bộ Công an đề nghị nên chuyển phương án 2 thành phương án 1.

Trước đó, tiếp thu, giải trình các ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, Cơ quan soạn thảo đề xuất phương án 2 là phương án 1. Qua ý kiến của cơ quan thẩm định, báo cáo đổi lại phương án 1 thành phương án 2. "Chúng tôi muốn kiến nghị thực hiện phương án 2, vừa là cơ quan chủ trì vừa đối chiếu với các năng lực hoạt động thực tiễn. Bởi Luật có hiệu lực thì có những điều khoản lại tiếp tục đưa sang hoặc có những giấy tờ quy định có giá trị pháp lý, nhưng bên cạnh đó lại vẫn còn có những giá trị khác, nếu không dứt khoát được thời điểm đó thì sẽ rất phiền phức cho người dân, kể cả cho các hoạt động quản lý của các cơ quan", Bộ trưởng cho biết.

Bổ hộ khẩu giấy là điều mong ước của người dân. Trước đây chúng ta cũng có một số những quy định những sổ này, sổ kia và khi bỏ những cái đó ra, thay đổi bằng những phương thức quản lý mang lại sự phấn khởi cho người dân. Đúng là đi cùng với sổ hộ khẩu thì hiện nay có rất nhiều những điều khoản khác quy định đi theo mà người ta thường hay nói là "ăn theo". Vì thế, cần phải thay đổi phương thức quản lý, đòi hỏi cả hệ thống phải thay đổi, chứ không phải là chỉ có sổ hộ khẩu thay đổi được mà đủ. Đây là bước đầu tiên thay đổi.

Cũng theo Bộ trưởng Tô Lâm, dự kiến trong Báo cáo đánh giá tác động và kế hoạch triển khai, Bộ Công an đề nghị là từ nay cho đến ngày 1/7/2021, vận động tất cả những người dân khi gửi tiết kiệm, đăng ký nhà ở, ... theo căn cước công dân.

Ngành công an đã thu thập được 90% Cơ sở dữ liệu về dân cư. Hiện các cơ quan đang thẩm định, phúc tra lại và đưa vào trong hệ thống máy. Còn 10% dân cư chưa được thu thập thông tin sẽ cố gắng, có thể trong năm 2020 này hoàn thành. Vì thế, Bộ Công an đề nghị thực hiện ngay việc bỏ sổ hộ khẩu giấy từ 1/7/2021.

Kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết: "Đây là những vấn đề đang còn ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ làm phiếu để gửi đến các đại biểu Quốc hội, trước khi trình Quốc hội xem xét, biểu quyết về những nội dung đang còn ý kiến khác nhau".