Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Bộ GD&ĐT: Không có tiêu chí nào là phải đeo nón chống giọt bắn

(Dân sinh) - Theo ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, không có tiêu chí nào là phải đeo nón chống giọt bắn, đây là sự sáng tạo của các địa phương

Sau khi có kỳ nghỉ dài để tránh dịch Covid-19, ngày 4/5 học sinh cả nước đã quay lại trường, một số nơi cho học sinh đeo chiếc nón có miếng nhựa che chắn trước mặt trong lớp họ. Tuy nhiên, Th.S-BS Phí Duy Tiến - nguyên phó giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM - cho rằng học sinh phải nhìn qua tấm nhựa này lâu dài sẽ ảnh hưởng đến mắt của trẻ, nhất là đối với những học sinh tiểu học, lứa tuổi đang hình thành thị giác.

Theo BS Tiến, miếng nhựa này có chỗ thẳng, có chỗ cong nên khi trẻ nhìn qua sẽ bị biến dạng hình ảnh. Mới đầu trẻ sẽ bị mỏi mắt, sau đó có thể bị đau đầu, cận thị… Đối với những trẻ bị loạn thị, viễn thị… cần phải đeo kính suốt ngày để phát triển thị giác nhưng nếu phải đeo miếng nhựa này sẽ chậm trễ, thậm chí ảnh hưởng đến quá trình phát triển thị giác của những trẻ này, không thể phát triển thị lực được nữa.

Bộ Giáo dục, không có tiêu chí nào là phải đeo nón chống giọt bắn - Ảnh 1.

Mỗi ngày trước và sau khi đi học, phụ huynh kiểm tra thân nhiệt, tình hình sức khỏe của con để thông báo đến nhà trường và xin tư vấn của bác sĩ nếu trẻ có vấn đề sức khỏe.

BS Phan Xuân Trung - Trung tâm Y Khoa MEDIC - cho rằng trong tình hình dịch bệnh nước ta đã được kiểm soát như hiện nay, việc cho các cháu nhỏ đeo khẩu trang kín mít trong nhiều giờ, trong nhiều ngày là không nên. Vì có thể đeo như vậy trong một thời gian các bé lại bị nhiễm trùng hô hấp do các mầm vi trùng, vi nấm trong sợi vải khẩu trang... 

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết: "Học sinh mang nón che giọt bắn liên tục khi đến trường là không cần thiết". Trong lớp học, trẻ ngồi theo một hướng cố định, nón che giọt bắn lúc này cũng không có tác dụng nhiều. Thậm chí, các em có thể đùa nghịch làm kính tấm chắn gãy, dẫn đến nhiều tình huống ngoài ý muốn khác.

Nón che giọt bắn chỉ phát huy hiệu quả và thật sự cần thiết trong trường hợp mặt đối mặt, giao tiếp trực tiếp. Việc mang khẩu trang, rửa tay đúng cách và không đưa tay lên vùng mũi, miệng mới là cách phòng ngừa quan trọng và tốt nhất.

Bộ Giáo dục, không có tiêu chí nào là phải đeo nón chống giọt bắn - Ảnh 2.

Rửa tay đúng cách và không đưa tay lên vùng mũi, miệng mới là cách phòng ngừa quan trọng và tốt nhất

Bác sĩ Khanh khuyến cáo phụ huynh và giáo viên nên dạy cho trẻ biết tầm quan trọng của khẩu trang để các em quen dần. Khi trẻ khó chịu, chúng ta cần hướng dẫn con hít sâu, thở từ từ và không đưa tay lên mắt, mũi miệng.

Về việc học sinh phải đeo khẩu trang, nón che giọt bắn ở trường, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết theo báo cáo, đã có 3 đợt tổ chức cho học sinh đi học trở lại, nhưng chủ yếu vẫn là học sinh THPT và THCS. Tỷ lệ học sinh đi học rất cao.

Bộ Giáo dục, không có tiêu chí nào là phải đeo nón chống giọt bắn - Ảnh 3.

Kiểm tra thân nhiệt của trẻ khi đến trường

Quan điểm của Bộ GD&ĐT là “đã đi học phải an toàn”, mà an toàn phải căn cứ vào đánh giá của cơ quan chuyên môn. Bộ Y tế đã có văn bản gửi Bộ Giáo dục, Bộ Giáo dục dựa vào khuyến cáo này xây dựng tiêu chí đánh giá của nhà trường an toàn, trong đó có một số tiêu chí cứng như: Giữ khoảng cách; đeo khẩu trang; rửa tay; khử khuẩn nhà trường…

“Nhưng không có tiêu chí nào là phải đeo nón chống giọt bắn, đây là sự sáng tạo của các địa phương”, ông Độ nói và nói nên làm theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Bộ Y tế chưa khuyến cáo thì địa phương nên cân nhắc để đưa ra khuyến cáo cho phù hợp.