Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Bộ LĐ-TB&XH họp khẩn bàn biện pháp phòng chống dịch nCoV

(Dân sinh) - Ngay sau Hội nghị trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) với lãnh đạo các tỉnh, thành phố và ban, ngành về việc thực hiện các chỉ thị của Ban Bí thư, Thủ tướng trong phòng, chống dịch diễn ra sáng 1/2, chiều cùng ngày, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức cuộc họp bàn về công tác phòng chống dịch và tìm giải pháp bảo vệ người lao động.

Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các đơn vị trong Bộ như Văn phòng Bộ, Cục Việc làm, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Vụ hợp tác Quốc tế, Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp, Cục Bảo trợ xã hội…

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh, thành viên Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cho biết, việc phòng chống dịch bệnh nCov được Chính phủ xác định rất khẩn cấp, nguy cơ rất cao. Do vậy, Chính phủ đã ban hành liên tiếp hai chỉ thị 05 và 06, thành lập BCĐ quốc gia về phòng chống dịch và yêu cầu các địa phương thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch tại địa phương. "Ngành LĐ-TB&XH xác định đây là nhiệm vụ rất lớn, tác động đến nhiều hoạt động của ngành", Thứ trưởng Lê Văn Thanh nói.

Tại cuộc họp, ông Tào Bằng Huy, Phó Cục trưởng Cục Việc làm cho biết, bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Bộ, Cục Việc làm đã yêu cầu các Trung tâm dịch vụ việc làm tạm dừng tổ chức tất cả các hội chợ việc làm, phiên giao dịch việc làm đầu năm. Trường hợp người lao động đến nộp hồ sơ, làm thủ tục bảo hiểm thất nghiệp hay tư vấn xin việc cũng phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch của Bộ Y tế.

Liên quan đến lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam, đặc biệt là lao động Trung Quốc, ông Huy cho biết, hiện nay có 29.035 lao động Trung Quốc đang làm việc tại Việt Nam. Thực hiện chỉ đạo của Bộ, các địa phương đã và đang tiến hành rà soát số lao động Trung Quốc đang làm việc trên địa bàn, giám sát số lao động quay trở lại Việt Nam sau kỳ nghỉ Tết và có biện pháp phòng bệnh và theo dõi, cách ly nếu người lao động biểu hiện mắc bệnh.

Bộ LĐ-TB&XH họp khẩn bàn biện pháp phòng chống dịch nCoV - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh nhấn mạnh, phòng chống dịch bệnh nCoV là nhiệm vụ rất lớn và tác động đến nhiều hoạt động của ngành

Đại diện Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp cho biết, Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp cũng đã có văn bản hướng dẫn các trường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch như: thực hiện công tác vệ sinh, các hoạt động truyền thống của các trường trong tháng 2 như: tết trồng cây và ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp cũng tạm hoãn đến tháng 3. Hiện một số trường ở Quảng Ngãi, TP HCM đã tạm lùi thời gian nhập học.

Cục Bảo trợ xã hội cũng đã khuyến cáo các cơ sở bảo trợ xã hội thực hiện công tác vệ sinh, sát khuẩn, không tụ tập đông người và thực hiện các biện pháp phòng dịch theo khuyến cáo của ngành y tế, phối hợp cùng ngành y tế theo dõi sát sức khỏe của các đối tượng…

Liên quan đến công tác phòng chống dịch cho ngươi lao động trong thời gian tới, các đại biểu tham dự cuộc họp cho rằng, cần tăng cường giám sát chặt chẽ lao động Trung Quốc làm việc tại Việt Nam và cả người Việt Nam ở Trung Quốc về. Trong đó, đối với số lao động Việt Nam qua lại biên giới Trung Quốc để làm việc, ngoài các biện pháp kiểm soát vượt biên qua các đường tiểu ngạch, các địa phương cũng phải rà soát lại số lao động này và tăng cường công tác tuyên truyền đến với người dân để họ không sang Trung Quốc vào thời điểm này.

Đối với công tác đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, hiện nay, một số nước tiếp nhận lao động Việt Nam cũng đều có người mắc bệnh như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan… do vậy, một số đại biểu đề xuất tạm lùi thời gian xuất cảnh sang các nước có dịch nếu thấy cần thiết.

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh, phòng chống dịch bệnh viêm phổi cấp nCoV là khẩn cấp, nguy cơ rất cao vì chúng ta giáp Trung Quốc, do vậy, phải lường trước tình huống xấu nhất và phải quyết liệt trong công tác phòng chống dịch theo đúng quan điểm của Thủ tướng là sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế để bảo đảm sức khỏe, tính mạng cho người dân. Do vậy, có những việc như doanh nghiệp ngừng tiếp nhận lao động Trung Quốc hay doanh nghiệp tạm dừng đưa lao động đi nước ngoài làm việc cũng sẽ bị thiệt hại về kinh tế nhưng chúng ta vẫn buộc phải làm để đảm bảo quyền lợi, sức khỏe, tính mạng cho người dân.

"Có thể nói, công tác phòng chống dịch hiện nay của Chính phủ là chưa từng có tiền lệ. Thủ tướng vừa ký Quyết định công bố dịch, tức là đã công bố tình trạng khẩn cấp về y tế, do vậy, công tác phòng chống dịch phải được thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt", Thứ trưởng Lê Văn Thanh nói.

Bộ LĐ-TB&XH họp khẩn bàn biện pháp phòng chống dịch nCoV - Ảnh 2.

Liên quan đến các công việc cụ thể, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh, đối với lao động Trung Quốc làm việc tại Việt Nam thì tạm dừng cấp phép mới cho đến khi tình hình dịch được kiểm soát. Đồng thời, cần khuyến cáo mạnh mẽ doanh nghiệp có lao động Trung Quốc về quê ăn Tết không nên quay trở lại Việt Nam, những người đã quay trở lại phải được cách ly theo dõi ngay, phối hợp với Sở Y tế giám sát chặt chẽ và có báo cáo thường xuyên. Yêu cầu Sở LĐ-TB&XH, các địa phương và doanh nghiệp có sử dụng lao động Trung Quốc lập danh sách đầy đủ, cụ thể báo cáo tổng số lao động Trung Quốc và số người về nước ăn Tết cũng như kiểm soát chặt chẽ số người quay trở lại Việt Nam.

Đối với lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cần thường xuyên theo dõi tình hình tại các nước tiếp nhận, có thể tạm lùi thời gian xuất cảnh nếu thấy cần thiết, đồng thời, cần tuyên truyền để người lao động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch để tự bảo vệ mình và tránh lây nhiễm cho cộng đồng…

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần khử trùng các lớp học. Nếu phát hiện các trường hợp nghi nhiễm, các trường có thể cho học sinh nghỉ học hoặc chủ động đề xuất các biện pháp cần thiết để đảm bảo công tác phòng chống dịch.

Cục Bảo trợ xã hội cần tiếp tục theo dõi các cơ sở Bảo trợ xã hội và tiến hành khử trùng, đảm bảo vệ sinh môi trường và theo dõi sức khỏe của các đối tượng bảo trợ xã hội….