Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Bố mẹ đừng chủ quan nghĩ răng sữa của con sâu không sao, rồi sẽ thay

Sâu răng đã vào đến tủy, người lớn còn không chịu được thì một đứa trẻ mới 4 tuổi đã phải điều trị tủy cho 4 chiếc răng, hàn 7 chiếc răng sâu và chụp thép 8 chiếc răng hàm, hẳn là đau lắm!

"Răng sữa sâu không sao, rồi sẽ thay!", giống như nhiều người khác, chị Junna Vu - mẹ bé Bùi Bảo Minh (4 tuổi, hiện đang sinh sống tại Hà Nội) cũng từng nghĩ như thế. Nhưng khi chính con trai bị sâu răng quá nặng không điều trị nổi, phải gây mê để chụp thép, chị đã rất hối hận vì trước đó đã không chăm sóc răng miệng cho con thật cẩn thận. Chị Junna Vu cũng chia sẻ lại hành trình xử lý hàm răng cho con để các bố mẹ khác có con nhỏ rút kinh nghiệm.

Không chụp thép cho răng sâu thì không còn răng mà ăn cơm

4 tuổi, phải điều trị tủy 4 chiếc răng và hàn sâu 7 chiếc. Chụp thép 8 răng hàm. Lúc đầu bản thân nghĩ như người lớn bị sâu răng chỉ cần điều trị tủy và hàn lại là xong, nhưng thực sự đối với tụi trẻ còn thì không hề đơn giản 1 chút nào.

Lúc đầu, mình cho con đi khám tư mất 4 ngày đầu tiên, hôm nào cũng đưa con đi chỉ để thuyết phục cho con leo lên bàn khám và làm quen với nha khoa mà khó vô cùng vì con mình không chịu hợp tác. Bất kể thứ gì cho vào mồm con là con đã sẵn sàng trực khóc và gào lên ngay rồi.

Từng nghĩ răng sữa sâu không sao, rồi sẽ thay, mẹ Hà Nội đã hối hận khi con trai phải gây mê để điều trị răng sâu - Ảnh 1.

Hàm răng sâu của bé Bảo Minh trước khi chụp thép.

Tối nào con cũng kêu đau răng và không ngủ được, con đau 1 thì mẹ đau 10, vừa thương con vừa trách bản thân đã chủ quan, không chăm sóc răng miệng cho con kỹ hơn và đưa con đi khám định kỳ thường xuyên thì chắc phát hiện sớm răng con đã không bị nặng.

4 hôm đầu đến phòng khám tư mình có yêu cầu bác sĩ cưỡng chế để làm cho con. Nhưng bác sĩ bảo điều trị tủy rất mất thời gian. Mà sau con còn thay rất nhiều răng, nếu khống chế bắt con làm sẽ gây sang chấn tâm lý cho trẻ, khiến trong tiền thức trẻ sẽ luôn sợ nha khoa về sau này. Và khi làm, nha khoa cũng có rất nhiều vật dụng nhỏ cần sử dụng để làm, nên nếu trẻ không hợp tác sẽ rất nguy hiểm, dễ gây hóc cho trẻ trong quá trình làm. Chính vì vậy mà bác sĩ đã từ chối, không muốn ép con phải làm.

Răng đã sâu vào đến tủy, nếu có điều trị cũng phải đi lại rất nhiều lần.

Bác sĩ khuyên nên áp dụng phương pháp gây mê, xử lý hết các răng hỏng và chụp lại để bảo vệ răng sữa cho trẻ cho đến khi trẻ thay răng vĩnh viễn. Nếu để như vậy mà không bọc vào thì chưa đến lúc thay răng vĩnh viễn trẻ đã không còn răng để ăn cơm, hoặc mất răng trong thời gian lâu gây ra lệch hàm, lệch khớp cắn.

Lúc đầu mình nghe gây mê cũng lo lắm nên lại cho con đi khám ở 2 viện khác.

Hôm đến Viện răng hàm mặt Trung ương Hà Nội, vừa vào kiểm tra, bác sĩ đã bảo bố nằm lên ghế ôm con, mẹ ở dưới giữ chân. Hôm đó 4 người giữ con thì con khóc khá to, gần 30 phút bác sĩ làm được 2 răng dưới, nhưng mới chỉ là bước đầu điều trị. Bác sĩ bảo răng con mình còn phải đến nhiều lần. Lại 1 lần nữa bác sĩ nữa khuyên nên gây mê và làm hoàn thiện hết cho con trong 1 lần.

Hôm sau mình lại đưa con đến Đại Học Y Hà Nội - Khoa kỹ thuật cao răng. Tất cả các bác sĩ đầu ngành đều khuyên nên gây mê và bọc thép các răng sâu cho con, chữa trị 1 lần được luôn, không phải mất thời gian đi lại. Thế là mình quyết định cho con làm theo phương pháp này.

Bảo Minh nhập viện để gây mê.

6 tiếng con gây mê trong phòng chữa răng như 6 năm trời

Chưa bao giờ mình thấy 6 tiếng gây mê mà nó lại dài như 6 năm vậy. Trước hôm gây mê, mình phải đưa con đến kiểm tổng thể xem có đủ sức khỏe gây mê không mới được nhận làm.

Hôm gây mê thì con phải nhịn ăn từ 10h tối đến 8h30 sáng hôm sau không được ăn gì, 1 ngụm nước cũng không được uống, cộng thêm 6-7 tiếng mới tỉnh! Nhìn con 1 mình mặc áo bệnh nhân, đi vào phòng mổ gây mê cùng các bác sĩ mà không có mẹ hay bố mà nước mắt mình cứ chảy ra vì thương con.

Mình ngồi ngoài đợi tầm 5 tiếng thì bác sĩ ra gọi vào phòng hồi sức theo dõi sau mê. Con thì bé tí nằm co trên giường, dây rợ loằng ngoằng, nhìn môi con sưng mà con chưa tỉnh mẹ đã khóc rồi. Con dậy ngóc được đầu lên đã khóc gọi "mẹ ơi, đau răng quá, mẹ làm sưng hết mồm con lên rồi đây này". Mình chẳng biết làm gì, chỉ biết ôm con dỗ.

Cậu bé sau khi đã gây mê để chụp thép cho 8 chiếc răng hàm, 2 môi sưng to không thể ăn uống.

Một tiếng sau con được về phòng, không ăn uống được gì, 1 ngụm sữa cũng không uống được. Tác dụng phụ của thuốc gây mê nên con bị nôn và người rất mệt, chỉ thấy con nằm thở.

Sau 1 ngày thì con mình được xuất viện. 4 ngày sau, con đã bình phục và ăn uống dần lại bình thường, ngủ ngon và không thấy còn kêu đau răng! Tổng chi phí bọc thép, gây mê, xét nghiệm, thuốc men cho con hết gần 30 triệu. Hiện tại, cứ 3 tháng bé sẽ phải đi thăm khám 1 lần.

Từng nghĩ răng sữa sâu không sao, rồi sẽ thay, mẹ Hà Nội đã hối hận khi con trai phải gây mê để điều trị răng sâu - Ảnh 6.

Tác dụng phụ của thuốc gây mê nên con bị nôn và người rất mệt, chỉ thấy con nằm thở.

Chia sẻ câu chuyện của con trai mình, bà mẹ Hà Nội cũng không quên gửi lời nhắn nhủ tới các bố mẹ khác rằng: "Cũng vì sự chủ quan, nghĩ hiện tượng sún răng ở trẻ con là bình thường, nên mình đã chậm trễ không đưa con đi kiểm tra răng sớm hơn mà khiến răng của con bị nặng, sâu vào đến tủy. Các mẹ có con nhỏ hãy chú ý chăm sóc răng miệng cho con tốt hơn. Nên đưa con đi khám định kỳ 3-6 tháng 1 lần để kiểm tra răng miệng, nếu có thấy lỗ li ti thì bác sĩ cũng kịp xử lý sớm và con cũng đỡ phải chịu đau hơn! 1 phần cũng để con tập làm quen với việc đi khám nha khoa định kỳ, làm bước đạp cho những lần khám sau này của con, con sẽ quen và hợp tác hơn!

Răng đã được chụp thép.

Bác sĩ nói nếu cường độ ăn vặt của con quá dày, nước bọt con chưa kịp tiết ra làm sạch đã bị nạp thức ăn và dính ở đó sẽ gây sâu răng, nên các mẹ hạn chế cho con ăn vặt quá nhiều nhé. Nếu uống sữa ngoài vào ban đêm, sữa sẽ bám ở răng quá lâu quá giấc ngủ đêm dài cũng gây sâu răng, nên mẹ nào cho con uống sữa ngoài đêm thì sau khi uống nên cho con tráng miệng lại với nước hoặc lấy gạc dùng nước muối sinh lý vệ sinh răng cho con nhé! Hãy quan tâm đến con nhiều hơn, đừng để sự chủ quan của chúng ta khiến con phải chịu những cơn đau làm ảnh hưởng đến cả ăn uống".