Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Bộ sưu tập gốm ở Tây Nguyên của chàng trai 8X

(Dân sinh) - Nhà sưu tập trẻ Võ Minh Luân (Sinh năm 1985, thành phố Buôn Ma Thuột tỉnh Đắk Lắk) đi khắp nơi sưu tầm cổ vật có giá trị, tạo nên một bảo tàng nhỏ cho riêng mình giữa đại ngàn Tây Nguyên. Hiện anh có hơn 1 vạn văn vật với giá trị khó có thể thống kê một cách chi tiết nhằm lưu giữ giá trị văn hóa người Tây Nguyên cho thế hệ sau.

Bộ sưu tập gốm trên Tây Nguyên của chàng trai 8X - Ảnh 1.

Vợ chồng anh Luân giới thiệu về chóe Thành Lễ

Ngôi nhà ở đường Hải Triều, thành phố Buôn Ma Thuột chứa đựng tình yêu của nhà sưu tập trẻ với tên "Đại ngàn House". Bước vào đó như lạc trong thế giới cổ xưa của người Tây Nguyên. Cuộc sống sinh hoạt đời thường, phong tục tập quán của vùng đất đại ngàn nắng gió hiện rõ trên các bình gốm mà anh sưu tầm.

Anh Luân bảo rằng, mình là người duyên nợ với gốm. Hiện bộ sưu tập có hàng trăm chiếc chóe từ Biên Hòa, Lái Thiêu, Châu Ổ, Quảng Đức, Gò sành và hàng nghìn hiện vật hình dáng, hoa văn hoặc công năng liên quan đến Tây Nguyên được đặt tên "Đại ngàn".

Bén duyên sưu tầm đồ cổ năm 2013. Đến năm 2017 khi được tham gia buổi giao lưu gốm Nam Bộ tại Bình Dương. Anh Luân được chiêm ngưỡng cặp chân đèn gốm Biên Hòa có hoa văn mô tả cuộc sống đồng bào Tây Nguyên xưa như phụ nữ giã gạo, nhà dài, uống rượu cần…anh cảm nhận cả vùng Tây Nguyên hiện trước mắt. Qua tìm hiểu, anh biết, đây là dòng gốm Biên Hòa, dòng gốm duy nhất có hoa văn thể hiện chủ đề này.

Bộ sưu tập gốm trên Tây Nguyên của chàng trai 8X - Ảnh 2.

Chiếc đĩa chủ đề Tây Nguyên của trường mỹ thuật Biên Hòa

Chị Bùi Thị Yến (vợ anh Luân) kể: Chị công tác tại Sài Gòn, nên chồng vẫn thường xuyên đi về giữa hai tỉnh. Ngày đó, dọc bờ kênh Sài Gòn bán nhiều đồ cổ, vốn đam mê từ nhỏ nên nhìn thấy là anh mua, lúc đầu chỉ mua đồ cổ bình dị và ít tiền. Rồi thấy cái gì cổ anh lại rước về nhà, sưu tầm một cách dàn trải. Sau khi anh chọn một chủ đề sưu tập cho riêng mình, tôi rất ủng hộ, cùng anh sưu tầm. Hai vợ chồng thường gặp gỡ các nhà sưu tập lớn để làm quen, tìm hiểu.

Anh nuôi dưỡng niềm đam mê bằng nhiều cách, lên mạng tìm hiểu các loại đồ gốm, lịch sử hình thành đến khả năng lưu truyền, học hỏi kinh nghiệm từ những nhà sưu tập có tâm có tầm. "Tôi thích gốm Nam Bộ, đặc biệt gốm Biên Hòa có chủ đề Tây Nguyên thế kỉ XX. Nó đến một cách tự nhiên tôi không lý giải được vì sao mình lại mê gốm đến vậy. Đa phần, hiện vật đang sở hữu đều được tôi truy lùng mua qua mạng hoặc các nhà sưu tập lớn tặng" anh Luân cho biết.

Bộ sưu tập gốm trên Tây Nguyên của chàng trai 8X - Ảnh 3.

Bộ sưu tập của anh Luân có rất nhiều chóe

Bộ sưu tập hơn cả nghìn hiện vật anh bố trí khoa học theo từng mạch câu chuyện, không bày biện phô trương. Khi nghe ai đó khen nhà như bảo tàng văn hóa, chủ nhân khiêm tốn, "Còn thiếu nhiều lắm, phải mày mò học hỏi thêm". Chỉ cần nghe đâu có gốm xưa độc đáo, bận mấy anh cũng gác mọi việc để sống với niềm đam mê sưu tầm.

Giới thiệu "không gian cổ ngoạn" của mình, anh vui vẻ lý giải: "Điểm phân biệt cơ bản gốm cổ là màu men và hoa văn in trên hiện vật nhưng để chính xác phải học hỏi, chỉ người dày dặn kinh nghiệm, tinh thông các loại gốm xưa và nay mới hiểu hết".

Ở anh là niềm đam mê dành cho giá trị xưa khi mà tuổi đời còn khá trẻ. Chàng trai 8X có thể trích một khoản tiền lớn để mua về món đồ gốm mình thích khi đã xác định được giá trị thật của chúng. Tôi tò mò đặt tay vào chiếc chóe có tai hình chiếc lá, anh nói: "Cô đang chạm vào chóe Thành Lễ mang chủ đề hoa sen, hiện thế giới có 3 cái, 2 cái ở đây, 1 cái ở dinh Bảo Đại Đà Lạt".

Bộ sưu tập gốm trên Tây Nguyên của chàng trai 8X - Ảnh 4.


Không khỏi thắc mắc làm cách nào anh có thể sở hữu được chóe quý hiếm vậy, anh bảo, đó là hữu duyên. Khi tôi tìm hiểu văn hóa chóe để bổ sung vào bộ sưu tập văn hóa Tây Nguyên. Ngẫu nhiên thấy chiếc chóe trong dinh 3 trên Đà Lạt có tai hình chiếc lá tinh tế quyến rũ kỳ lạ. Tôi tìm tung tích và được một nữ sưu tập gốm Nam Bộ kết nối. 2 chiếc chóe này nằm trong bộ sưu tập của 2 nhà sưu tập Trần Thông Huy (Biên Hòa) và Nguyễn Trung Hiếu hữu duyên để lại cho tôi, góp phần phong phú thêm bộ sưu tập và gìn giữ tại mảnh đất Tây Nguyên.

Anh tâm sự, những món đồ gốm không chỉ mang vẻ đẹp riêng biệt mà ẩn giấu bên trong câu chuyện về cuộc sống, văn hóa, tập tục của người xưa được nghệ nhân làm gốm xưa khắc họa đầy đủ lên sản phẩm của mình khiến người tiếp cận muốn tìm hiểu khám phá.

Bình gốm về "sự tích săn bắt thú rừng", "cô gái ngực trần mang gùi"…trở nên sống động hơn khi được kể trên gốm với tất cả sự tự hào. Chiếc chóe "mẹ bồng con" (người Êđê gọi là "Yăng mă con") là hiện vật dân tộc học quý giá còn được lưu giữ ở bảo tàng các tỉnh Tây Nguyên. Bên trong tủ kính chiếc đĩa gốm chủ đề Tây Nguyên của trường mỹ thuật Biên Hòa, anh bảo: Đây là linh hồn của bộ sưu tập, để có được đĩa là một câu chuyện dài. Anh may mắn được nhà sưu tập Phạm Hải Long tặng. Khi nhìn vào chiếc đĩa này nhạc sĩ Minh Trí (chuyên sáng tác các bài hát về Tây Nguyên) đã thốt lên rằng: "Nhìn vào đó như nghe được tiếng cồng chiêng vang vọng đâu đây".

Cổ vật anh Luân sưu tầm có những cái giá trị đến cả tỉ đồng nhưng anh không bán mà nâng niu, cất giữ cẩn thận. Anh nói: Gặp và sở hữu đó là cái duyên. Mình không biết giữ gìn nó chẳng bao giờ đến với mình.

Thú vui này mở ra đam mê kia. Mỗi ngày một chút, bộ sưu tập của anh tròn trịa lúc nào chẳng hay. Hiện có trên 10 nghìn hiện vật, gốm, chóe, tranh, tủ sách về văn hóa Tây Nguyên được chủ nhân sắp xếp gọn gàng và nhớ đến từng chi tiết. Với mỗi bộ sưu tập anh đặt vào một câu chuyện thú vị kết nối liền mạch tạo nên mảng ký ức văn hóa rất riêng.

Điều khiến người ta ấn tượng ở anh là cách chia sẻ. Khách ghé nhà, từ lạ đến thân được đón tiếp nồng hậu đúng với tính cách người Tây Nguyên gần gũi và mộc mạc. Có người hỏi: Có bao giờ sợ không gian sưu tầm bị xáo trộn? anh Luân cười hiền: Người ta đến với mình vì yêu văn hóa xưa, yêu gốm. Mà đã yêu thì họ biết nâng niu, gìn giữ.

Niềm vui anh có được cũng nhẹ nhàng như cách cho đi. Niềm vui người sưu tầm có gì lớn hơn việc được giới thiệu các món đồ mình yêu quý và lan tỏa đến người cùng sở thích. Những khi khách ngỏ ý muốn mua món này, chóe kia vì quá thích, anh đều từ chối khéo dù mức giá đưa ra không hề thấp. Anh bảo rằng: "Muốn giữ nguyên vẹn và bổ sung thêm nhiều góc để câu chuyện văn hóa được kéo dài cả người kể lẫn người nghe. Với anh muốn tận dụng từng phút giây trong cuộc sống để đắm mình vào dòng chảy văn hóa xưa và lan tỏa tình yêu với ai quan tâm, đặc biệt là người trẻ.

Anh Đặng Gia Duẩn, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk nhận xét: Ngỡ ngàng khi nhìn thấy bộ sưu tập của Luân, độc đáo, bản sắc, rất đáng trân trọng, hiếm có trong các bạn trẻ ở Việt Nam. Góp phần quan trọng trong việc bảo tồn những giá trị văn hóa của Tây Nguyên thông qua nghệ thuật gốm. Nếu khi nào Luân có ý định làm một bảo tàng tư nhân. Bảo tàng tỉnh sẵn sàng giúp đỡ cho Minh Luân về chuyên môn, trưng bày, thuyết minh…

Nhà sưu tập Võ Minh Luân hiện là hội viên CLB nghiên cứu sưu tầm cổ vật, thuộc Hiệp hội UNESCO Việt Nam, Ủy viên ban chấp hành Hội cổ vật tỉnh An Giang. Gần 10 năm tham gia nghiên cứu, sưu tầm văn vật, NST Minh Luân đã có nhiều đóng góp cho hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc. Anh tham gia trưng bày và hiến tặng cổ vật cho bảo tàng các tỉnh:Đắk Lắk, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, An Giang…