Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Chính sách xã hội- Cần một tầm nhìn thông thoáng hơn, toàn diện hơn, bao trùm hơn

(Dân sinh) - “Điều tôi rất mong muốn là chúng ta phải xây dựng được một chủ trương, nói cách khác là phải tham mưu bằng được cho trung ương có một nghị quyết chuyên đề về chính sách xã hội với một tầm nhìn thông thoáng hơn, toàn diện hơn, bao trùm hơn đến năm 2035 và tầm nhìn đến 2045"- Tư lệnh ngành LĐ-TB&XH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói về những trăn trở của mình trước thềm năm mới trong cuộc trao đổi với các phóng viên báo chí về những nhiệm vụ của ngành trong năm 2023. Nhân dip đầu Xuân mới, Bộ trưởng cũng gửi lời chúc đến các bậc lão thành cách mạng, các gia đình thương binh liệt sỹ, gia đình chính sách, cán bộ công chức, viên chức ngành LĐ-TB&XH và người lao động trong cả nước một năm mới nhiều sức khỏe, bình an, hạnh phúc và thành công.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ về những nhiệm vụ của ngành LĐ-TB&XH trong năm 2023

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ về những nhiệm vụ của ngành LĐ-TB&XH trong năm 2023

Các chính sách đến với người lao động “nhanh nhất, gọn nhất và dễ tiếp cận nhất”

Thưa Bộ trưởng, có lẽ chưa bao giờ các doanh nghiệp và người lao động nhận thức được vai trò quan trọng của các chính sách an sinh xã hội như khi trải qua đại dịch Covid-19 cũng như khủng hoảng kinh tế hiện nay. Bộ trưởng có thể chia sẻ kết quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động đã được triển khai trong thời gian qua?

- Chúng ta đã trải qua năm 2022 có rất nhiều biến động và diễn biến khó lường ở trong nước cũng như trên thế giới, đặc biệt là hậu quả của đại dịch Covid-19 và tình hình khó khăn trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người lao động và nhân dân. Trong bối cảnh đó, các chính sách an sinh xã hội và sự lãnh đạo linh hoạt, sáng suốt của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự đồng hành của Quốc hội, Đảng, Nhà nước đã ban hành rất nhiều chính sách, trong đó có nhiều chính sách chưa có tiền lệ nhằm khôi phục và phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống của nhân dân.

Ba năm qua, chúng ta đã ban hành hàng chục chính sách để duy trì mặt bằng chung cho đời sống nhân dân, đảm bảo các chính sách đối với người có công, các hộ nghèo, hộ cận nghèo, các đối tượng bảo trợ và các chính sách hỗ trợ đối với trẻ em bị ảnh hưởng, bị mồ côi do tác động của đại dịch Covid-19. Đặc biệt, trong ba năm qua, từ Nghị quyết 30 của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành 6 nghị quyết và quyết định nhằm trực tiếp hỗ trợ người lao động, người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Với 6 nghị quyết và quyết định chưa có tiền lệ này, chúng ta đã huy động tới 104.000 tỷ đồng để hỗ trợ hơn 68,67 triệu lượt người và trên 1,4 triệu người sử dụng lao động. Thông qua việc hỗ trợ này đã góp phần khôi phục lại sản xuất, ổn định đời sống nhân dân, đặc biệt là duy trì chuỗi cung ứng lao động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp,  góp phần ổn định và cải thiện từng bước đời sống của nhân dân và người lao động.

Một điểm rất mới trong việc xây dựng, thực hiện các chính sách hỗ trợ là việc đổi mới ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu để tránh việc chi trả trùng lắp về đối tượng. Xin Bộ trưởng chia sẻ về sự thay đổi trong việc chi trả hỗ trợ này?

- Khi ban hành các chính sách đặc thù hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động trong đại dịch và hậu Covid-19, rõ ràng thời gian qua chúng ta cải tiến rất nhiều. Cải tiến từ quy trình ban hành văn bản, hồ sơ, thủ tục cho tới việc thực hiện với tinh thần cố gắng "nhanh nhất, gọn nhất và dễ tiếp cận nhất" cho người lao động và người sử dụng lao động.

Đặc biệt, hai năm qua chúng ta đẩy nhanh việc ứng dụng tiến bộ công nghệ vào việc triển khai các chính sách và thực hiện chi hỗ trợ, chi trả chủ yếu qua tài khoản của người lao động trên cơ sở các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các cơ sở dữ liệu mà ngành bảo hiểm có. Ví dụ như khi thực hiện Nghị quyết 116, chúng ta chi tới 41.000 tỷ đồng nhưng chúng ta chỉ hỗ trợ trong vòng có ba tháng. Với số tiền này nếu chúng ta thực hiện chi trả thủ công thì có khi mất cả năm vẫn không xong. Thông qua các cơ sở dữ liệu và tài khoản,  việc chi trả không chỉ nhanh mà còn minh bạch và khắc phục được tình trạng gian lận và dối trá trong việc tổ chức thực hiện. Và điều quan trọng là các chính sách đến với người lao động nhanh và đúng thời điểm mà người lao động đang cần.

Bên cạnh những kết quả đạt được, xin Bộ trưởng chia sẻ về những bài học kinh nghiệm để xây dựng, hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội trong thời gian tới?

- Tôi cho rằng việc xây dựng các chính sách vừa qua chủ yếu mới chỉ mang tính chất tình thế, trong đó có nhiều chính sách có tính chất là giải quyết những công việc trước mắt, tức thì. Vấn đề quan trọng hiện nay là chúng ta phải tính đến một bài toán căn cơ, lâu dài hơn trong xây dựng mạng lưới chính sách xã hội hay còn gọi là lưới an sinh xã hội. Hiện nay, lưới an sinh xã hội của chúng ta đang duy trì sự đảm bảo ở mức độ tối thiểu nhưng thời gian tới sẽ phải tính toán tới việc duy trì mặt bằng nhưng đòi hỏi sự phát triển cao hơn một bước. Khi đó, các chính sách có thể đảm bảo cho người dân, người lao động được ba yếu tố: Phòng ngừa rủi ro, khắc phục rủi ro và chủ động ứng phó với rủi ro. Khi đó, lưới an sinh và chính sách xã hội của chúng ta mới đảm bảo bền vững và toàn diện.

Tư lệnh ngành LĐ-TB&XH tặng quà  cho người có công với cách mạng trong một chuyến công tác tại huyện Bát Xát, Lào Cai

Tư lệnh ngành LĐ-TB&XH tặng quà cho người có công với cách mạng trong một chuyến công tác tại huyện Bát Xát, Lào Cai

Giải quyết đồng bộ và đồng thời hai vấn đề việc làm và an sinh xã hội

Thưa Bộ trưởng, bên cạnh việc bảo đảm an sinh xã hội thì đảm bảo việc làm, thu nhập trong năm 2023 cũng là vấn đề đông đảo người lao động quan tâm. Xin Bộ trưởng cho biết Bộ LĐ-TB&XH sẽ có những giải pháp căn cơ gì để phát triển thị trường lao động trong năm 2023?

- Có thể nói, cuối năm 2021 và năm 2022 là những thời điểm đặt ra thách thức vô cùng lớn đối với toàn bộ hệ thống chính trị của chúng ta khi đại dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế đã tấn công vào các khu công nghiệp, thành trì quan trọng của nền sản xuất, đặc biệt là tại khu vực phía Nam.

Khi đó, điều mà chúng ta lo nhất chính là đứt gãy chuỗi cung ứng lao động. Tuy nhiên, bằng rất nhiều cách làm khác nhau và bằng các chính sách khác nhau, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự nỗ lực của người dân và doanh nghiệp, đến giờ này có thể khẳng định chúng ta không những không để đứt gãy chuỗi cung ứng lao động mà đã khôi phục chuỗi cung ứng lao động một cách nhanh chóng và ổn định thị trường lao động.

Qua tổng kết thấy rằng, thị trường lao động của chúng ta ổn định nhanh hơn so với dự báo của quốc tế và nhanh hơn so với chính dự báo của chúng tôi khoảng 6 tháng. Đến giờ này, trên quy mô cả nước, thị trường lao động ổn định tương đối tốt cả về quy mô và chất lượng. Mặc dù đây đó vẫn còn có tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ, nhất là thiếu hụt lực lượng lao động có trình độ kỹ thuật cao.

Trong những tháng cuối năm 2022, khoảng trên 600 doanh nghiệp ở 63 tỉnh, thành phố, bị ảnh hưởng do thu hẹp đơn hàng và số lao động mất việc khoảng 53.000 người. Tuy nhiên, qua khảo sát cũng cho thấy, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động là trên 300.000 lao động. Như vậy, vấn đề quan trọng ở đây là xảy ra tình trạng nơi thì thiếu lao động cục bộ nhưng có nơi thì thừa cục bộ. Do đó, điều cần nhất, quan trọng nhất là phải điều tiết cung cầu lao động cho phù hợp.

Trong năm 2023, dự báo quý 1, quý 2, tình trạng thiếu lao động cục bộ sẽ tiếp tục diễn ra. Nhưng trên quy mô toàn quốc thì không thiếu. Theo tính toán, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp khoảng 350.000-400.000 lao động ở các lĩnh vực khác nhau. Vấn đề quan trọng là các doanh nghiệp phải có bài toán để giữ chân, thu hút người lao động. Đặc biệt, chúng ta phải có bài toán để đào tạo, đào tạo lại lực lượng lao động, đặc biệt là đào tạo đội ngũ có chất lượng cao, những người có kỹ năng cao để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp.

Thưa Bộ trưởng, việc gắn kết giữa phát triển thị trường lao động và xây dựng các chính sách hỗ trợ để hai lĩnh vực này cùng tạo nên một hệ thống an sinh xã hội, việc làm, thu nhập ổn định, bền vững cho người lao động sẽ được Bộ LĐ-TB&XH  thực hiện như thế nào trong năm 2023?

- Thời gian tới chúng ta còn gặp rất nhiều thách thức, áp lực. Trong bối cảnh “bão lạm phát” của thế giới, thị trường lao động bị thu hẹp sẽ đặt ra những thách thức với doanh nghiệp, dẫn đến thách thức về lao động và đi liền là thách thức về an sinh xã hội. Do đó, hai vấn đề việc làm và an sinh xã hội sẽ cần giải quyết đồng bộ và đều phải tiến hành đồng thời.

Cụ thể, năm vấn đề lớn chúng ta sẽ phải đối mặt, thứ nhất là thời gian tới Việt Nam sẽ là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh, điều này buộc chúng ta phải tính toán đến thị trường lao động, việc làm cho người trẻ, cho người cao tuổi có nhu cầu, có sức khỏe để tận dụng tiềm năng của họ.

Thứ hai là thách thức từ sự thay đổi của thế giới việc làm, vấn đề lao động di cư, lao động phi chính thức.

Thứ ba là tác động của biến đổi khí hậu sẽ tác động rất quyết liệt đến thị trường lao động cũng như đời sống của người lao động. Chúng ta phải tính toán ngay và đi sớm hơn so với tác động của biến đổi khí hậu.

Thứ tư là vấn đề thị trường lao động đang chuyển đổi, nhất là khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp. Hiện nay, việc chuyển đổi này của chúng ta phần lớn là việc làm thiếu bền vững,  đích mà chúng ta phấn đấu tới đây phải là việc làm thỏa đáng và bền vững hơn.

Vấn đề thứ năm là chúng ta đặt ra rất nhiều khát vọng và mục tiêu đến năm 2035 nhưng muốn thực hiện được thì việc đầu tiên nhất là phải quan tâm đến vấn đề chuyển đổi nhân lực mà việc chuyển đổi này phải đi trước một bước.

Có thể nói, năm 2023 và những năm tới, việc hình thành một thị trường lao động linh hoạt, đồng bộ, hiện đại, bền vững và mang yếu tố hội nhập phải đi cùng với xây dựng và phát triển một hệ thống chính sách an sinh xã hội toàn diện, bao trùm và bền vững. Hai vấn đề này phải được tiến hành đồng bộ trên cơ sở chúng ta làm một cách căn cơ và quan trọng hơn là xây dựng một khung chính sách đồng bộ, không để xảy ra tình trạng gặp đâu hay đấy và thấy gì khó khăn thì gỡ mà chúng ta xây dựng chiến lược một bài bản hơn, căn cơ hơn trong thời gian tới.

Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo ngành LĐ-TB&XH nói riêng cũng như toàn xã hội nói chung

Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo ngành LĐ-TB&XH nói riêng cũng như toàn xã hội nói chung

Với vai trò là tư lệnh ngành LĐ-TB&XH, đâu là điều mà Bộ trưởng trăn trở nhất trong việc thực hiện các nhiệm vụ của ngành năm 2023?

Điều tôi rất mong muốn là chúng ta phải xây dựng được một chủ trương, nói cách khác là phải tham mưu bằng được cho trung ương có một nghị quyết chuyên đề về chính sách xã hội với một tầm nhìn thông thoáng hơn, toàn diện hơn, bao trùm hơn đến năm 2035 và tầm nhìn đến 2045. Khi có nghị quyết này rồi tiếp theo chúng ta thể chế bằng các luật, hệ thống chính sách mà trọng tâm là cùng với Bộ luật lao động thì phải sửa Luật bảo hiểm xã hội và Luật  việc làm. Đây là hai luật đinh chốt nhất của toàn bộ hệ thống lao động việc làm của chúng ta trong thời gian tới. Đi liền với đó là giải quyết một cách căn cơ những vấn đề liên quan đến hệ thống chính sách về xã hội. Khi đó, chúng ta sẽ vững vàng hơn, thực hiện được phương châm và chỉ đạo của đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Chúng ta không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội để đánh đổi lấy phát triển kinh tế đơn thuần." Và sự tiến bộ, công bằng xã hội phải bắt đầu từ các chính sách, từ những công việc cụ thể với một tư duy: “tầm nhìn phải xa hơn nhưng hành động phải mau lẹ hơn”.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!