Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Hợp tác lao động giữa Việt Nam-Nhật Bản đạt được nhiều kết quả ghi nhận

(Dân sinh) - Ngày 13/12, tại Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã có buổi tiếp ngài Umeda Kunio, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam để trao đổi một số vấn đề xung quanh việc hợp tác về lao động kỹ năng đặc định giữa Việt Nam và Nhật Bản…

Tại buổi tiếp, ngài Umeda Kunio, đánh giá cao sự hợp tác Việt Nam- Nhật Bản để đưa đội ngũ lao động trẻ của Việt Nam nói riêng tới Nhật học tập và làm việc, qua đó góp phần rất lớn trong việc giải quyết các vấn đề về tình trạng già hóa tại Nhật Bản. Đồng thời thông báo về Chương trình giao lưu văn hóa, kinh tế, du lịch Nhật Bản và Việt Nam, sẽ diễn ra tại thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam vào trung tuần tháng 1/2020; phái đoàn của Nhật gồm gần 1.000 người (trong đó có khoảng 20 nghị sỹ Quốc hội Nhật Bản, 6 tỉnh trưởng và đại diện các doanh nghiệp Nhật Bản), đoàn do ông Nikai Toshiro, Tổng Thư ký Đảng dân chủ tự do dẫn đầu. Chương trình có sự hiện diện, gặp gỡ và tiếp đón của một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam, cũng như các Bộ, ngành liên quan của Việt Nam. Thay mặt phía Nhật Bản, Đại sứ quán Umeda Kunio trân trọng gửi lời mời, mong muốn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung dành thời gian đến dự Hội thảo xúc tiến nguồn nhân lực và có bài phát biểu tại Hội thảo này…

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tiếp Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam - Ảnh 1.

Quang cảnh buổi tiếp.

Trao đổi với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung về vấn đề hợp tác lao động kỹ năng đặc định, đưa thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản học tập và làm việc, Đại sứ quán Umeda Kunio, cho biết: Hiện có khoảng 390.000 người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật. Trong bối cảnh già hóa dân số tại Nhật cũng như là giảm tỷ lệ sinh, có rất nhiều bạn trẻ Việt Nam tới Nhật Bản để làm việc, đây là một điều đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, hoạt động đưa người Việt Nam sang Nhật Bản làm việc với tư cách là kỹ sư, phần lớn các đơn vị dịch vụ hoạt động trong lĩnh vực với rất nhiều danh nghĩa khác nhau nên họ thu các khoản phí rất cao của người lao động; bên cạnh đó, một số đơn vị, dịch vụ tư vấn du học cũng thu những khoản phí rất lớn từ các du học sinh… Liên quan đến các giải pháp, trong 2 năm gần đây, các cơ quan chức năng Nhật Bản đã có chính sách thắt chặt quản lý công tác tiếp nhận du học sinh vào Nhật; hiện tại Nhật đã dừng tiếp nhận tư cách xin Visa của 88 công ty tư vấn du học của Nhật Bản.

"Đối với lĩnh vực thực tập kỹ năng, cơ quan quản lý của Việt Nam là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Cục Quản lý Lao động ngoài nước đã có rất nhiều giải pháp, tăng cường công tác quản lý để thực hiện lành mạnh hóa Chương trình đưa thực tập sinh kỹ năng sang Nhật Bản, đúng theo luật pháp quy định của 2 nước. Để Chương trình này mang lại hiệu quả thiết thực, Nhật Bản đề nghị Bộ LĐ-TB&XH thẩm tra, thanh tra và loại bỏ những đơn vị phái cử có vấn đề, không đủ điều kiện ra khỏi Chương trình này; kiên quyết không để các trung gian, môi giới của cả hai phía tham gia vào Chương trình phái cử; Bộ LĐ-TB&XH Cục Quản lý Lao động ngoài nước xây dựng diễn đàn trên Internet để thông tin cụ thể, chi tiết về các đơn vị phái cử Việt Nam đã được thẩm định, cấp phép…" - Đại sứ quán Umeda Kunio, đề nghị.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tiếp Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam - Ảnh 2.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tại buổi tiếp ông Umeda Kunio, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam.

Phát biểu tại buổi tiếp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao vai trò và cảm ơn sự quan tâm sát sao của ngài Đại sứ trong thời gian qua đối với những công việc liên quan đến lĩnh vực lao động, việc làm và một số vấn đề khác, nhất là đã có nhiều thông tin chia sẻ.

Về Chương trình giao lưu văn hóa, kinh tế, du lịch Nhật Bản và Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chương trình và phân công trách nhiệm cho các Bộ, ngành liên quan. Hội thảo xúc tiến lao động Việt Nam tại Nhật bản, Bộ đã giao Cục Quản lý Lao động ngoài nước mời các đơn vị của Nhật Bản sang để bàn về vấn đề này. Bộ trưởng sẽ cố gắng sắp xếp thời gian để tham dự "Vấn đề hợp tác lao động giữa hai nước, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả ghi nhận, cuộc hội đàm song phương gần đây nhất giữa hai Thủ tướng của hai nước tại Thái Lan, Thủ tướng Shinzo Abe cũng đã nói rất quan tâm tới vấn đề lao động đặc định. Việc hai nước ký bản Ghi nhớ hợp tác về lao động đặc định vừa qua là sự nỗ lực rất lớn của cả hai quốc gia; Tính đến hết tháng 11/2019, Việt Nam có khoảng 74.000 thực tập sinh đến Nhật Bản học tập và làm việc, dự báo đến cuối năm 2019 con số này sẽ lên đến hơn 80.000 thực tập sinh" – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho biết.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ghi nhận các ý kiến của Đại sứ và thông tin: Chúng ta cần tăng cường quản lý các doanh nghiệp cả hai bên thực hiện nguyên tắc đưa lao động Việt Nam sang Nhật Bản phải thông qua tổ chức. Ở Việt Nam, đây là một lĩnh vực đặc biệt, lĩnh vực có điều kiện liên quan đến con người, do đó việc cấp phép và quản lý các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này được thực hiện rất chặt chẽ. Riêng trong 3 năm trở lại đây, Bộ LĐ-TB&XH đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 118 trên tổng số gần 400 đơn vị, doanh nghiệp có chức năng tham gia đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị "trá hình" cũng đã bị phát hiện và khởi tố. Thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng làm quyết liệt và chặt chẽ vấn đề này. Do đó, nếu phía Nhật Bản phát hiện đơn vị, doanh nghiệp phái cử có vấn đề cũng phải thông báo kịp thời để Bộ kiểm tra, xử lý.