Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Không để công dân phải đi lại nhiều, trường hợp nào giải quyết được sẽ giải quyết dứt điểm

“Trên tinh thần không để công dân phải đi lại nhiều, trường hợp nào giải quyết được sẽ giải quyết dứt điểm” – Đây là ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tại buổi tiếp công dân hàng tháng, ngày 20/12/2019. Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã lắng nghe, tiếp nhận và giải quyết khiếu nại tố cáo, kiến nghị, phản ánh của các đối tượng chính sách và người có công liên quan đên các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Cùng dự còn có lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ.

Thực hiện Điều 18 Luật Tiếp công dân và Điều 4 của Nghị định 64/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân, người đứng đầu cơ quan của Chính phủ có trách nhiệm trực tiếp thực hiện việc tiếp công dân ít nhất một ngày mỗi tháng.

Theo đó, trong ngày tiếp công dân, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và các đơn vị chức năng đã tiếp 33 lượt công dân, trong đó hướng dẫn, giải thích đối với 12 trường hợp, và tiếp nhận 21 đơn của công dân để giao các đơn vị chức năng rà soát, xử lý, trả lời dứt điểm.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Trường hợp nào giải quyết được sẽ giải quyết dứt điểm - Ảnh 1.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tại buổi tiếp công dân ngày 20/12/2019.

Sau khi nghe các công dân có khiếu nại, thắc mắc tóm tắt nội dung vụ việc và cung cấp tài liệu, chứng cứ để chứng minh, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã trả lời, chỉ đạo giải quyết những vấn đề liên quan đến trách nhiệm của Bộ LĐ - TBXH. Đồng thời, giao Thanh tra Bộ tiếp nhận đơn và có văn bản yêu cầu các Sở LĐ – TBXH các tỉnh xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật. Đối với nội dung khiếu nại không thuộc trách nhiệm giải quyết của Bộ LĐ – TBXH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã trực tiếp giải thích chi tiết cụ thể, thấu tình, đạt lý để công dân biết và hiểu rõ quyền và nghĩa vụ khi tham gia khiếu nại... và yêu cầu Thanh tra Bộ hướng dẫn công dân gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Đơn cử với trường hợp cụ thể của ông Trần Bá Trạch (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) có nội dung khiếu nại về việc ông không được hưởng chế độ người hưởng chính sách như thương binh tỷ lệ 68% theo kết quả giám định năm 1996 (hiện Ông đang hưởng chế độ theo tỷ lệ 45% theo kết quả giám định năm 2013) và được truy lĩnh chế độ từ năm 1996 đến năm 2013. Sau khi xem xét kỹ tài liệu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung kết luận trường hợp của ông Trần Bá Trạch hưởng chế độ theo tỷ lệ 45% là chính xác. "Việc này là thẩm quyền của Sở LĐ-TBXH tỉnh Nghệ An. Sở đã có báo cáo Bộ về trường hợp của Bác. Việc giải quyết của Sở LĐ-TBXH tỉnh Nghệ An là chính xác" – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giải thích.

Hoặc trường hợp của bà Hoàng Thị Mến (huyện Giao Thủy, tỉnh Ninh Bình) về việc đề xuất công nhận liệt sĩ đối với ông Nguyễn Văn Năng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, việc công nhận liệt sĩ là thầm quyền trách nhiệm của Bộ tư lệnh Quân khu 3. Do đó, Bộ trưởng đề nghị bà Hoàng Thị Mến gửi đơn đến Bộ tư lệnh Quân khu 3 để được xem xét và giải quyết.